Đại biểu Quốc hội đánh giá về quy định từ 45 tuổi trở lên mới được bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao
Về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, một số đại biểu Quốc hội cho rằng, quy định về độ tuổi từ 45 tuổi trở lên là không hợp lý, đây không phải thước đo phản ánh trình độ, kinh nghiệm.
Thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung 1 số điều của Luật Tòa án nhân dân, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) cho rằng, dự thảo luật lần này sửa đổi, bổ sung nhiều điều khoản liên quan đến 13 đạo luật khác nhưng tên gọi hiện tại chưa phản ánh đầy đủ, chính xác phạm vi sửa đổi.
Vì thế, đại biểu kiến nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc tên gọi của dự thảo luật nhằm bảo đảm tính chính xác, toàn diện, phản ánh đầy đủ phạm vi sửa đổi của luật. Về tổ chức tòa án phá sản, tòa sở hữu trí tuệ tại các khu vực, dự thảo luật quy định cơ cấu lại các tòa án huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thành tòa án khu vực.
Theo đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, cơ quan soạn thảo cần cân nhắc việc thành lập 2 tòa này tại tòa án khu vực, vì thực tế số lượng vụ án thuộc 2 lĩnh vực này trong một năm không lớn. “Thậm chí nhiều tỉnh, thành phố không phát sinh loại án này trong cả năm. Do đó nếu thành lập tòa án chuyên trách về phá sản, sở hữu trí tuệ là không hợp lý. Điều này kéo theo việc bổ nhiệm thêm các chức danh lãnh đạo, biên chế trong khi hiệu suất xét xử của các tòa này còn thấp. Vì thế, chúng ta có thể bố trí thẩm phán chuyên trách trong các tòa kinh tế, dân sự để giải quyết các vụ việc này để phù hợp với thực tiễn”, đại biểu đoàn Hải Dương kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) phát biểu
Về điều kiện, tiêu chuẩn bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC, theo đại biểu quy định về độ tuổi từ 45 tuổi trở lên là không hợp lý. Đây không phải thước đo phản ánh trình độ, kinh nghiệm, có thể bỏ sót người đủ tiêu chuẩn năng lực nhưng chưa đủ tuổi. Đại biều cho rằng, việc bổ nhiệm Thẩm phán TANDTC cần chú trọng năng lực chuyên môn, thời gian công tác…
Đồng tình với ý kiến trên, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cũng cho rằng không nên thành lập tòa khu vực về sở hữu trí tuệ, phá sản, do các vụ việc này rất ít. Đại biểu Phạm Văn Hòa đề nghị nên để TAND cấp tỉnh xét xử, nếu có kháng cáo, kháng nghị thì chuyển lên tòa phúc thẩm TANDTC xét xử là hợp lý.
Về điều kiện tiêu chuẩn bổ nhiệm thẩm phán TANDTC, đại biểu nhận định, việc quy định cứng độ tuổi không dưới 45 là không hợp lý do hiện nay, cán bộ trẻ, lãnh đạo cấp trung ương đã dưới 45 tuổi, tuy nhiên cần xem xét thêm các điều kiện khác.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) thảo luận
Quan tâm đến việc tổ chức tòa án nhân dân với 3 cấp gồm Tòa án nhân dân tối cao, tòa án cấp tỉnh và tòa án khu vực, đại biểu Lê Thanh Hoàn (đoàn Thanh Hóa) đề nghị cần làm rõ việc phân cấp, phân quyền.
Theo đại biểu, dự thảo Luật lần này phân cấp, phân quyền rất mạnh cho tòa án khu vực, liên quan đến các vụ án hành chính, kinh tế, dân sự và hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, còn nội dung liên quan đến hình sự lại chưa phân cấp triệt để cho khu vực, mà vẫn giao cho tòa án cấp tỉnh đối với mức án từ 2 năm tù trở lên.
“Nếu chúng ta muốn cải cách bộ máy triệt để, phải phân cấp mạnh cho tòa án khu vực được xét xử tất cả các vụ án hình sự. Khi đó tòa án nhân dân cấp tỉnh chỉ xét xử phúc thẩm nhằm mục tiêu vừa cải cách triệt để vừa gần dân, sát dân hơn. Chúng ta không cần tăng số lượng thẩm phán tòa án nhân dân tối cao lên 27 người mà cần giữ mức như hiện nay” đại biểu đoàn Thanh Hóa kiến nghị.