Đại biểu Quốc hội chất vấn về nguồn lực thực hiện chuyển đổi số báo chí
Chất vấn Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, đại biểu Quốc hội đề nghị làm rõ Bộ có kế hoạch như thế nào đối với nguồn lực tài chính và nguồn lực con người để có thể thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số báo chí.
Ngày 12/11, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.
Bộ Thông tin & Truyền thông đang cho phát triển nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số báo chí
Tham gia chất vấn, đại biểu Quốc hội Phạm Nam Tiến (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông) cho biết, hiện nay các cơ quan báo chí đang gặp nhiều khó khăn cả về nguồn lực tài chính lẫn nguồn lực con người, đặc biệt việc chảy máu chất xám đang xảy ra ở nhiều cơ quan báo chí. Nhiều phóng viên, biên tập viên, biên dịch viên, kỹ thuật viên giỏi đang có xu hướng dịch chuyển sang các lĩnh vực khác.
Trước thực trạng này, đại biểu Phạm Nam Tiến đề nghị Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông làm rõ Bộ có kế hoạch như thế nào đối với nguồn lực tài chính và nguồn lực con người để có thể thực hiện thành công công cuộc chuyển đổi số báo chí.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Phạm Nam Tiến về nguồn lực để chuyển đổi số báo chí (tài chính, con người), Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, về nhân lực phục vụ chuyển đổi số, nếu không đủ, có thể thuê đơn vị bên ngoài, nhất là đối với những cơ quan báo chí nhỏ. Còn những cơ quan báo chí lớn có nguồn lực, có thể tự làm, nhưng cơ bản các cơ quan báo chí nên thuê, vì chi phí nhỏ hơn và không cần người để vận hành các hệ thống.
"Bộ Thông tin & Truyền thông đang cho phát triển nền tảng số dùng chung để chuyển đổi số các cơ quan báo chí nhỏ, đặc biệt là các tạp chí, để hỗ trợ miễn phí cho các cơ quan báo chí"- Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Về vấn đề tài chính, Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng khẳng định, hiện nay nguồn lực của Nhà nước sẽ tập trung vào 6 cơ quan báo chí chủ lực. Đối với những cơ quan báo chí khác, các cơ quan chủ quản phải có trách nhiệm đầu tư nguồn lực để đảm bảo cho cơ quan báo chí của mình có đủ năng lực cạnh tranh.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược chuyển đổi số báo chí, coi không gian này là mặt trận chính của báo chí. Nhiều cơ quan báo chí đã nỗ lực nghiên cứu xây dựng đề án chuyển đổi số với mục tiêu xây dựng các cơ quan báo chí theo hướng chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại, tiếp cận được với đông đảo công chúng.
Đặc biệt, báo chí cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển về nội dung, đáp ứng nhu cầu thông tin của công chúng. Thông tin tuyên truyền đã phát huy vai trò dẫn dắt, định hướng dư luận xã hội, tạo sự đồng thuận và niềm tin xã hội, khơi dậy khát vọng Việt Nam và biến nó thành sức mạnh tinh thần to lớn, góp phần quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
“Muốn chuyển đổi số bắt buộc chúng ta phải làm chủ công nghệ”
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Quang Huân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Dương), liệu có nên đưa kinh tế số, kỹ thuật số trở thành môn học và đưa vào chương trình giáo dục phổ thông? Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, “cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là sự di chuyển từ thế giới thực sang thế giới số”. Vấn đề đặt ra là có nên dạy kỹ năng số, kiến thức về kinh tế số, xã hội số vào chương trình giáo dục phổ thông hay không? Công nghệ số là sự phát triển tiếp theo của công nghệ thông tin và có tính cách mạng, tạo ra cuộc cách mạng về chuyển đổi số.
“Vì vậy, dưới sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ sẽ nâng cấp dạy môn tin học và đưa vào kỹ năng số, có thể tăng thời lượng cho môn học này” - Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng thông tin.
Trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình) khi nào thực hiện chiến lược sinh thái số, mạng xã hội Việt Nam? Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, hiện Việt Nam đã cấp phép cho gần 1.000 mạng xã hội, trong đó có khoảng 20 mạng lớn với số lượng người dùng tương đương hoặc cao hơn các nền tảng lớn như Facebook, TikTok. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang phát triển 38 nền tảng số quốc gia khác, nhằm chủ động trong quá trình chuyển đổi số và có sức đàm phán tốt hơn với các mạng xã hội nước ngoài.
“Muốn bền vững, muốn chuyển đổi số bắt buộc chúng ta phải làm chủ công nghệ, bắt buộc chúng ta phải làm chủ các nền tảng, không có con đường nào khác và người Việt Nam hoàn toàn có thể làm chủ các ứng dụng và tự làm chủ ứng dụng để chuyển sang làm chủ công nghệ” - Bộ trưởng Bộ Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh.