Đại biểu Quốc hội: Cần quyết liệt tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá

Thuốc lá gây hậu quả tới sức khỏe, môi trường; chi phí y tế của nước ta tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh phổi, do vậy nhiều đại biểu đề nghị cần phải quyết liệt trong thực hiện tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này.

Chiều 27/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi). Vấn đề thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng thuốc lá được nhiều đại biểu quan tâm.

Phát biểu tại phiên họp, đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh) cho biết, từ hiểm họa do thuốc lá gây ra cho sức khỏe, tính mạng, đời sống nhân dân, kinh tế xã hội của đất nước, trong lần sửa đổi này, đánh giá cao Chính phủ đã đề xuất với Quốc hội 2 phương án tính thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá điếu, trong đó áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp (bao gồm kết hợp cả thuế suất và thuế tuyệt đối), có lộ trình tăng thuế tuyệt đối qua các năm để đến 2030 đạt được mức thuế tuyệt đối là 10.000đ/ bao thuốc lá, phấn đấu đạt mục tiêu khuyến cáo của WHO đạt mức tỷ trọng thuế trong giá bán lẻ thuốc lá điếu hiện nay khoảng hơn 36% lên 75% vào 2030, hướng đến mục tiêu giảm tỷ lệ người sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên dưới 36%, của chiến lược phòng chống tác hại thuốc lá 2030.

 Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh).

Đại biểu Hoàng Thị Thanh Thúy (Tây Ninh).

Đại biểu cho biết, theo số liệu của WHO, thuốc lá gây ra 8 triệu ca tử vong mỗi năm trên thế giới và 1 triệu ca tử vong do hút thuốc thụ động. Nhóm nghèo có tỷ lệ hút thuốc cao hơn nhóm giàu. Xu hướng này cũng phù hợp với con số hơn 80% người hút thuốc trên thế giới tập trung ở các nước thu nhập trung bình và thấp. Ở Việt Nam, mỗi năm trung bình có 70.000 người tử vong vì các bệnh do thuốc lá, cứ 10 người nam trưởng thành thì có 4 người hút thuốc, tiêu thụ trong nước chiếm 57% so với tổng sản lượng của ngành sản xuất thuốc lá trong nước.

Theo đại biểu, trên lĩnh vực này, so với thế giới, Việt Nam nằm trong top các quốc gia có "giá thuốc lá rẻ nhất, thuế thấp nhất, tỷ lệ nam giới trưởng thành hút thuốc nhiều nhất", dẫn đến thiệt hại về kinh tế, chi phí y tế mỗi năm 1,14% GDP.

Cũng theo WHO và kinh nghiệm của các quốc gia thì biện pháp tăng thuế đối với mặt hàng này là công cụ chính sách hiệu quả, tuy nhiên, vấn đề là tăng như thế nào mới hợp lý. Đại biểu nêu rõ, có nhiều ý kiến băn khoăn khi cho rằng nếu tăng thuế ngay, mạnh thì sẽ nảy sinh những khó khăn: tăng thuốc lá nhập lậu; gây thiệt hại cho ngành công nghiệp thuốc lá và người lao động trong ngành; thiệt hại cho người nông dân trồng thuốc lá. Tuy nhiên, đại biểu khẳng định, những lo lắng trên so với những đe dọa khôn lường từ thuốc lá điếu gây ra là không đáng kể.

 Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM).

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Tp.HCM).

Với quan điểm bảo vệ các thế hệ hiện nay và tương lai khỏi các hậu quả tàn phá của thuốc lá đối với sức khỏe, kinh tế, xã hội, môi trường, đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội xem xét thêm phương án 3: cụ thể, mốc năm 2026 là thuế suất 75% và thuế tuyệt đối là 5.000 đồng, tịnh tiến đến thuế suất 75% và thuế tuyệt đối 15.000 đồng/bao thuốc lá vào năm 2030. Đồng thời, cần có định hướng sau năm 2023 sẽ tăng mỗi năm lên tỷ lệ nhất định để tiến đến đạt các mục tiêu của công ước khung về kiểm soát thuốc lá của Liên hợp quốc và mục tiêu phát triển bền vững của nước ta.

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa nhấn mạnh, thuế tiêu thụ đặc biệt có một chức năng quan trọng là nhằm định hướng hành vi người tiêu dùng, để bảo vệ sức khỏe cho người dân. Thực tế cho thấy việc chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh ở Việt Nam rất tốt. Tuy nhiên, chi phí y tế của nước ta tốn nhiều vào việc điều trị các loại bệnh tật, đặc biệt là bệnh tiểu đường và bệnh phổi. Do vậy, đại biểu đề nghị cần phải quyết liệt trong thực hiện áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá. Cần đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2045, Việt Nam có thể trở thành quốc gia không còn người hút thuốc lá.

Đồng thuận với việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng thuốc lá, đại biểu Dương Khắc Mai nhấn mạnh, mặt hàng này gây ảnh hưởng lớn tới sức khỏe con người, gây ô nhiễm môi trường và là hiểm họa của các vụ cháy nổ…

Từ những tác động tiêu cực của thuốc lá, đại biểu Dương Khắc Mai lựa chọn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với mặt hàng này theo phương án 2 vì hợp lý cho chính sách phát huy hiệu quả nhanh chóng trong thực tiễn, có khả năng giảm tiêu thụ nhanh hơn và ở mức độ lớn hơn.

Ngoài ra, để quy định trên được hoàn thiện, đại biểu Dương Khắc Mai đề nghị quy định xem xét, quy định mức thuế tuyệt đối đối với thuốc lá điếu được tính bằng “bao” cho phù hợp. Vì theo quy định tại Điều 24 của Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá, số lượng điếu thuốc lá đóng gói trong 01 bao thuốc lá không được ít hơn 20 điếu. Trường hợp quy định như dự thảo Luật thì doanh nghiệp có thể sản xuất số lượng lớn hơn 20 điếu/01 bao và mục đích giảm tỷ lệ hút thuốc lá và sửa đổi để áp mức thuế tuyệt đối so với luật hiện hành sẽ không đạt được. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật cần quy định rõ hơn đối với nội dung này.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thị Kim Anh (Bắc Ninh), lại cho rằng việc tăng thuế đột ngột vào năm 2026 có thể giảm giá bán sản phẩm tăng cao, trong khi nhu cầu tiêu dùng không thể giảm ngay với thời gian tăng thuế. Việc tăng thuế đột ngột như trên có nguy cơ dẫn đến tình trạng nhập lậu, trốn thuế gia tăng; hệ lụy của việc thuế tăng cao có thể ảnh hưởng đến sản xuất, vùng trồng nguyên liệu bị thu hẹp ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người lao động, người nông dân có hoạt động liên quan đến ngành sản xuất thuốc lá; ảnh hưởng đến an ninh biên giới; thu ngân sách giảm.

Đại biểu cho rằng đề nghị xem xét lại mức tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và lộ trình để đạt được tỷ lệ thuế thích hợp hơn vào năm 2030.

Bảo An

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dai-bieu-quoc-hoi-can-quyet-liet-tang-thue-tieu-thu-dac-biet-doi-voi-thuoc-la-d54037.html
Zalo