Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn: Văn hóa là động lực nội sinh sau 50 năm thống nhất

Theo ĐBQH Bùi Hoài Sơn, sau ngày thống nhất, văn hóa đã đóng vai trò cầu nối, giúp hàn gắn những vết thương chiến tranh, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết.

50 năm sau ngày non sông thu về một mối, Việt Nam không chỉ ghi dấu bằng những kỳ tích phát triển về kinh tế - xã hội, mà còn khẳng định một chân lý bất biến: văn hóa chính là "sợi chỉ đỏ" xuyên suốt, là bản lĩnh, sức mạnh tinh thần đưa dân tộc vững vàng vượt qua mọi thử thách. Trong dòng chảy ấy, việc phát huy giá trị văn hóa - con người Việt Nam đã trở thành một ưu tiên chiến lược, động lực mềm cho hành trình hội nhập và phát triển bền vững.

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), phóng viên Báo Công Thương đã có cuộc trao đổi với PGS.TS. Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa và Xã hội của Quốc hội, về nội dung nghiên cứu, hoạch định chính sách và phát triển các ngành công nghiệp văn hóa - sáng tạo của Việt Nam trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa.

Ảnh minh họa: H. T

Ảnh minh họa: H. T

Văn hóa - bệ đỡ tinh thần và nền tảng phát triển bền vững

- Thưa PGS.TS Bùi Hoài Sơn, sau 50 năm thống nhất đất nước, ông đánh giá vai trò của văn hóa ra sao trong việc kiến tạo bản sắc, củng cố khối đại đoàn kết và làm bệ đỡ cho tinh thần phát triển?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Tôi nhận thấy, suốt nửa thế kỷ qua, văn hóa đã và đang hiện diện trong mọi nhịp chuyển của đất nước. Không chỉ đơn thuần là kho tàng những giá trị truyền thống, văn hóa Việt Nam là nơi kết tinh bản lĩnh, khí chất và khát vọng của một dân tộc đã kiên cường đứng lên sau chiến tranh, để cùng nhau viết tiếp khúc tráng ca về hòa bình, đoàn kết và phát triển. Sau ngày thống nhất, chính văn hóa đã đóng vai trò cầu nối, giúp hàn gắn những vết thương chiến tranh, khơi dậy tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, tiếp thêm nghị lực cho mỗi người dân Việt Nam vươn lên trong khó khăn và thử thách.

Điều đáng trân trọng là, dù đất nước đã trải qua nhiều giai đoạn phát triển - từ bao cấp đến đổi mới, từ kinh tế kế hoạch sang thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa - thì văn hóa luôn không ngừng thích ứng, đổi mới, sáng tạo và lan tỏa mạnh mẽ, trở thành một “sức mạnh mềm” đặc biệt, vừa giữ gìn bản sắc dân tộc, vừa làm giàu thêm những giá trị mới trong hội nhập quốc tế.

Ngày hôm nay, khi Việt Nam bước vào kỷ nguyên số, một nền văn hóa vững mạnh, gắn kết được truyền thống và hiện đại, dân tộc và toàn cầu, mới đủ sức tạo nên bản lĩnh Việt Nam - một bản lĩnh tự tin hội nhập mà không hòa tan, tiếp tục nuôi dưỡng khát vọng phát triển, xây dựng một Việt Nam hùng cường, hạnh phúc, nhân văn và đầy bản lĩnh trong thế kỷ XXI.

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn. Ảnh: NVCC

Đại biểu Quốc hội Bùi Hoài Sơn. Ảnh: NVCC

- Trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, đặc biệt khi hướng tới phát triển bền vững, ông nhìn nhận thế nào về vai trò của công nghiệp nghiệp trong tăng trưởng xanh và kinh tế tri thức?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn:Văn hóa, từ lâu đã được coi là “ngọn nguồn của sáng tạo”, giờ đây đã bước ra khỏi không gian truyền thống để hòa nhập vào dòng chảy kinh tế, trở thành nguồn lực mềm có khả năng tạo ra giá trị gia tăng cao, đóng góp trực tiếp vào tăng trưởng GDP thông qua các ngành công nghiệp văn hóa như điện ảnh, âm nhạc, thiết kế, trò chơi điện tử, quảng cáo, xuất bản, nghệ thuật biểu diễn… Không chỉ tạo ra doanh thu, việc làm, mà những ngành này còn khơi dậy cảm hứng sáng tạo, xây dựng thương hiệu quốc gia và thúc đẩy tiêu dùng có văn hóa.

Đặc biệt, trong xu hướng phát triển bền vững và tăng trưởng xanh, tôi thấy, công nghiệp văn hóa có ưu thế nổi bật: ít tiêu tốn tài nguyên thiên nhiên, có khả năng tái tạo nhanh và tạo động lực lan tỏa rộng trong xã hội. Thay vì khai thác mỏ hay đốn rừng, chúng ta đang khai thác chất xám, khai thác di sản, và khai thác chính nội lực văn hóa của con người Việt Nam. Một bộ phim lịch sử chất lượng, một bản nhạc truyền cảm, hay một không gian sáng tạo độc đáo - đều có thể trở thành “mỏ vàng” trong kỷ nguyên mới, nếu được đầu tư bài bản và có chiến lược phát triển dài hạn.

Hơn nữa, văn hóa và kinh tế không còn là hai thế giới tách biệt. Khi văn hóa trở thành động lực nội sinh của kinh tế, kinh tế cũng chính là điểm tựa để văn hóa phát triển lành mạnh và bền vững hơn. Việc đầu tư cho văn hóa không phải là “chi phí”, mà là “đầu tư vào tương lai”, bởi nó tạo ra một môi trường sống giàu cảm xúc, nhân văn, từ đó hình thành một xã hội sáng tạo, đoàn kết và tiến bộ.

Việt Nam cũng đã bước đầu xây dựng Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, nhưng tôi cho rằng, trong giai đoạn tới, chúng ta cần quyết liệt hơn, đồng bộ hơn và đặt văn hóa vào đúng vị thế chiến lược mà nó xứng đáng có được trong tiến trình phát triển quốc gia. Đó là con đường của những quốc gia thông minh - nơi con người, trí tuệ và bản sắc được xem là tài nguyên quý giá nhất.

Giữ hồn cốt dân tộc trong dòng chảy hiện đại hóa

- Theo ông, bài học lớn nhất trong bảo tồn và phát huy di sản để không đánh mất "hồn cốt" dân tộc trong quá trình hiện đại hóa là gì?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: 50 năm sau ngày đất nước thống nhất, chúng ta có thể tự hào khi nhìn lại hành trình bảo tồn và phát huy di sản văn hóa của dân tộc. Dù trải qua nhiều giai đoạn lịch sử với những thử thách không nhỏ - từ chiến tranh, thiên tai cho đến làn sóng toàn cầu hóa và công nghệ 4.0 - di sản văn hóa Việt Nam vẫn sống động, lan tỏa và tiếp tục được trao truyền qua nhiều thế hệ. Điều này không chỉ thể hiện sức sống nội tại của văn hóa dân tộc, mà còn khẳng định nỗ lực bền bỉ của toàn xã hội trong việc gìn giữ hồn cốt Việt.

Tuy nhiên, cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế - xã hội, chúng ta cũng phải thẳng thắn nhìn nhận rằng, quá trình hiện đại hóa đã và đang đặt ra không ít thách thức: nguy cơ đồng hóa, lối sống thực dụng, sự mai một của nghề thủ công, sự lãng quên những lễ hội truyền thống hay sự biến dạng của các giá trị tinh thần trước sức ép của thị trường. Trong dòng chảy hối hả ấy, bài học lớn nhất - tôi cho rằng - chính là: muốn hiện đại mà không mất gốc, thì văn hóa không thể chỉ được “bảo tồn” như một thứ đồ cổ, mà phải được “sống” giữa đời sống hiện tại - bằng hơi thở mới, bằng sáng tạo, bằng sự tham gia của cả cộng đồng.

Bài học lớn thứ hai là: bảo tồn di sản không phải là công việc của riêng ngành văn hóa, mà là trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị, của doanh nghiệp và người dân. Văn hóa không thể chỉ được giữ gìn bằng khẩu hiệu hay các bản danh sách di sản, mà cần được nuôi dưỡng bằng chính sách - bằng giáo dục - bằng sự đồng hành của truyền thông và sự gắn bó của cộng đồng.

Thống nhất đất nước đã đưa chúng ta về chung một dải đất hình chữ S. Và giờ đây, chính việc giữ gìn và phát huy di sản - bằng tinh thần đổi mới và hội nhập - sẽ là “chất keo” tinh thần để nối kết quá khứ, hiện tại và tương lai; nối kết từng con người, từng cộng đồng - để tạo thành một Việt Nam giàu bản sắc, đầy khát vọng và bản lĩnh vươn lên.

Ảnh minh họa: H.T

Ảnh minh họa: H.T

- Với vai trò Đại biểu Quốc hội, ông có thể chia sẻ định hướng, chính sách lớn nhằm phát triển văn hóa trong giai đoạn mới - vừa phục vụ nhân dân, vừa quảng bá hình ảnh Việt Nam?

ĐBQH Bùi Hoài Sơn: Đúng như quan điểm trong Nghị quyết 33/NQ-TW: văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc của quốc gia. Trong thời gian tới, theo tôi biết, Quốc hội, Chính phủ cùng các cơ quan chuyên môn đang tập trung vào một số trục chính sách lớn:

Thứ nhất, hoàn thiện thể chế văn hóa đồng bộ, hiện đại, trong đó có việc sửa đổi, bổ sung các luật liên quan đến quảng cáo, báo chí, xuất bản… để tạo ra hành lang pháp lý đủ mạnh, vừa bảo vệ bản sắc văn hóa, vừa khuyến khích đổi mới sáng tạo, hội nhập quốc tế.

Thứ hai, xây dựng hệ sinh thái công nghiệp văn hóa và sáng tạo, với chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa, các chính sách ưu tiên về đất đai, thuế, tín dụng, hợp tác công - tư, đầu tư hạ tầng cho các trung tâm văn hóa, không gian sáng tạo, cụm rạp phim, khu trình diễn nghệ thuật… đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp sáng tạo, startup văn hóa phát triển trên nền tảng số, bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh, sáng tạo liên tục và phát triển bền vững.

Thứ ba, đẩy mạnh giáo dục văn hóa - nghệ thuật và đào tạo nhân lực sáng tạo. Bởi không có con người - không có tài năng - thì mọi chiến lược sẽ chỉ nằm trên giấy.

Thứ tư, tăng cường chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa.

Thứ năm, phát triển văn hóa gắn với hình ảnh quốc gia và ngoại giao văn hóa với mục tiêu rõ ràng: biến Việt Nam trở thành điểm đến sáng tạo, nơi văn hóa truyền thống là nền móng cho sức bật hiện đại.

Cuối cùng - quan trọng nhất - là định hướng phát triển văn hóa phục vụ nhân dân. Văn hóa không được "đặt trên tháp ngà" mà phải thấm vào đời sống, nâng cao chất lượng sống, làm cho mỗi vùng quê có lễ hội đặc sắc, mỗi đô thị có bản sắc riêng, và mỗi người dân đều có điều kiện tiếp cận với cái đẹp, cái hay, cái thiện.

Tôi tin rằng, với quyết tâm chính trị mạnh mẽ từ cấp cao nhất, sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống, cùng khát vọng vươn mình của người dân và cộng đồng sáng tạo, chúng ta hoàn toàn có thể xây dựng được một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, vừa là điểm tựa tinh thần, vừa là động lực phát triển - “tấm hộ chiếu mềm” đưa hình ảnh Việt Nam ra thế giới - tự tin, kiêu hãnh và đầy bản lĩnh.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh Thảo

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/dai-bieu-quoc-hoi-bui-hoai-son-van-hoa-la-dong-luc-noi-sinh-sau-50-nam-thong-nhat-383741.html
Zalo