Đại biểu Phạm Văn Hòa: Ngân hàng bán vàng ra, cũng nên thực hiện mua vào

Đại biểu Phạm Văn Hòa đánh giá cao việc 4 ngân hàng Nhà nước tham gia bán vàng, nhưng đề xuất nên thực hiện giao dịch hai chiều, có mua có bán, không nên chỉ thực hiện bán ra mà không mua vào.

Theo thông tin từ Ngân hàng Nhà nước, từ chiều nay (3/6), sẽ có 4 ngân hàng quốc doanh và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) bắt đầu bán vàng bình ổn trực tiếp cho người dân ở 11 tỉnh, thành phố.

Các ngân hàng bán vàng "bình ổn" gồm: Vietcombank, BIDV, Agribank, Vietinbank và Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC).

Thông tin này thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt nhiều người đặt câu hỏi vì sao 4 ngân hàng chỉ bán ra mà không mua lại vàng.

Trước thông tin này, bên hành lang Quốc hội, ông Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, ông đánh giá rất cao tính cầu thị của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước đã cho phép 4 ngân hàng lớn của Việt Nam thực hiện bán vàng miếng ra thị trường, phục vụ nhu cầu của người dân.

Ông Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).

Ông Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp).

"Đây là tín hiệu rất đáng mừng để thực hiện ổn định được thị trường vàng trong nước, dần tiệm cận với giá vàng trên thế giới", ông Hòa cho biết.

Song, đại biểu Hòa băn khoăn việc 4 ngân hàng của Nhà nước sẽ bán vàng bình ổn bao lâu, liệu có duy trì thường xuyên, liên tục hay chỉ bán trong một giai đoạn nhất định rồi nghỉ. Nếu vậy, cần làm rõ đến giai đoạn nào ngân hàng không còn bán vàng nữa vì nếu ngân hàng không bán nữa thì lại tác động thị trường.

"Khi người dân vẫn có nhu cầu mua, mà ngân hàng không bán nữa, người ta lại phải tìm ở những nguồn khác ngoài thị trường, kích thích giá ngoài thị trường lên cao", ông nói thêm.

Bên cạnh đó, ông đặt câu hỏi tại sao ngân hàng chỉ bán mà không mua, như vậy làm sao có đủ để cung cấp thường xuyên cho thị trường, cho người dân.

Đại biểu đoàn Đồng Tháp kiến nghị ngân hàng Nhà nước cần quan tâm vấn đề có bán là phải có mua. Người dân có nhu cầu mua thì mình bán, người dân có nhu cầu bán thì ngân hàng cũng phải mua lại để mình có nhu cầu tái tạo, để lưu chuyển nguồn hàng.

Nêu ví dụ khi ngân hàng có 1.000 lượng vàng, sau khi đã bán ra hết rồi mà không mua vào, liệu có để mà bán nữa hay không, ông đề nghị đây là điểm mà Ngân hàng Nhà nước cần phải xem xét, tính toán cho hợp lý.

Chốt giá bán vàng ngày 3/6: Mức 78,98 triệu đồng/lượng

Theo Ngân hàng Nhà nước, căn cứ phương án bán vàng miếng SJC trực tiếp cho 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước (NHTMNN) và Công ty TNHH MTV Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) đã được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phê duyệt, giá bán vàng miếng trực tiếp ngày 3/6 được NHNN công bố ở mức 78,98 triệu đồng/lượng.

"NHNN sẽ tiếp tục thực hiện theo lộ trình thu hẹp chênh lệch giữa giá bán vàng miếng SJC trong nước và giá thế giới", lãnh đạo NHNN cho biết.

Trong quá trình 4 ngân hàng bán vàng bình ổn, giá bán sẽ được xác định dựa trên căn cứ vào giá mua vàng miếng thương hiệu SJC từ Ngân hàng Nhà nước.

Giá bán được công bố trên trang thông tin ngân hàng, doanh nghiệp và niêm yết công khai tại các địa điểm tổ chức bán vàng. Để mua vàng, khách phải mang giấy tờ tùy thân, đến trực tiếp các địa điểm bán vàng của ngân hàng để giao dịch.

Các ngân hàng chỉ thực hiện bán vàng miếng cho khách hàng cá nhân, không mua vào. Công ty SJC thực hiện tất cả giao dịch mua vào - bán ra như thường lệ.

Phương thức bán vàng bình ổn được cơ quan quản lý đưa ra sau các phiên đấu thầu nhằm tăng cung không hiệu quả, chênh lệch giá trong nước và thế giới chưa được thu hẹp như kỳ vọng.

Trang Trần

Phùng Đô

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/dai-bieu-pham-van-hoa-ngan-hang-ban-vang-ra-cung-nen-thuc-hien-mua-vao-192240603114026576.htm
Zalo