Đại biểu lo ngại thanh niên thất nghiệp cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ chung

Đại biểu Trần Thị Hiền kiến nghị cần có giải pháp để thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho người lao động.

Ngày 26/10, Quốc hội tiến hành thảo luận đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025. Các vấn đề về tiềm lực của doanh nghiệp, an sinh xã hội, chất lượng lao động… được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn tỉnh Hà Nam) cho biết, lực lượng lao động của nước ta trên 50 triệu người, nhưng lao động khu vực phi chính thức khá cao chiếm tới 65%, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt mức 28%.

Tuy nhiên, tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên luôn cao hơn gấp 3 lần so với tỷ lệ thất nghiệp chung. Đây là vấn đề đã được nhiều đại biểu nêu thời gian qua nhưng cũng chưa thấy có giải pháp khắc phục hiệu quả.

Điều đáng quan tâm là làm thế nào để khắc phục điểm nghẽn về nhân lực là 1 trong 3 điểm nghẽn lớn nhất được đồng chí Tổng Bí thư đề cập tại bài phát biểu trong phiên khai mạc kỳ họp này.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn tỉnh Hà Nam) thảo luận tại tổ. Ảnh: QH

Đại biểu Trần Thị Hiền (Đoàn tỉnh Hà Nam) thảo luận tại tổ. Ảnh: QH

“Chúng ta đang bước vào giai đoạn phát triển với trọng tâm là tăng trưởng, chuyển đổi số là giải pháp đột phá để phát triển, song mỗi năm tốc độ tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo có băng cấp chứng chỉ chỉ được khoảng 1% thì sẽ rất khó khăn để có thể đáp ứng với yêu cầu của thị trường, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, thúc đẩy công nghiệp bán dẫn, tăng năng suất lao động và thu nhập cho người lao động”, bà Hiền phân tích.

Bên cạnh đó, nữ đại biểu đoàn Hà Nam cho hay, tính đến hết tháng 9/2024, tổng số người tham gia bảo hiểm xã hội đạt khoảng 19 triệu người, trong đó có gần 2 triệu tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, còn lại là bảo hiểm xã hội bắt buộc. Tuy nhiên, tốc độ tăng đối tượng bảo hiểm xã hội bắt buộc trong 2 năm 2023 - 2024 đã có xu hướng chậm lại so với giai đoạn trước năm 2019.

Đáng chú ý, Quỹ bảo hiểm thất nghiệp cho đến nay vẫn chủ yếu gần như chỉ để chi trả chế độ trợ cấp thất nghiệp cho người lao động, việc hỗ trợ đào tạo nghề rất hạn chế trong nhiều năm qua chưa được khắc phục.

Năm 2023, tỷ lệ chi cho đào tạo nghề từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp chỉ khoảng 77 tỷ đồng (chiếm 0,33% tổng chi của Quỹ) cho 19,8 nghìn người lao động. Các hoạt động hỗ trợ để người lao động quay trở lại thì trường, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo lao động rất hạn chế.

Số người hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần năm 2023 là khoảng 1,1 triệu người, 8 tháng đầu năm 2024 số này là hơn 775 nghìn người. Tổng số doanh nghiệp có hơn 921 nghìn nhưng cũng chỉ khoảng một nửa tham gia bảo hiểm xã hội.

“Chính vì vậy, tôi kiến nghị cần có giải pháp để làm sao thúc đẩy hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp trong đào tạo nghề, kỹ năng nghề cho người lao động; nếu chỉ Nhà nước làm sẽ còn tiếp tục khó khăn.

Đặc biệt, rà soát, đánh giá sơ kết việc thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục nghề nghiệp 2021 - 2030 và tầm nhìn đến 2045 để có những điều chỉnh trong tổ chức thực hiện và giải pháp phù hợp, trong đó có việc sắp xếp lại, nâng cao năng lực của hệ thống các trường nghề để đáp ứng với thị trường lao động”, đại biểu Trần Thị Hiền đề nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ.

Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội thảo luận tại tổ.

Đại biểu Phạm Đức Ấn (Đoàn thành phố Hà Nội) cũng đề cập đến tỷ lệ lao động thất nghiệp nhất là thanh niên từ 15 - 24 tuổi còn cao; lao động phi chính thức chiếm tỉ trọng lớn, lao động qua đào tạo được cấp chứng chỉ mới 28%. Với thực trạng này, chúng ta mong muốn chuyển đổi số, kêu gọi kinh tế số thì đây là khó khăn…

Đại biểu nhìn nhận, giai đoạn dân số vàng đã qua, mức sinh suy giảm là vấn đề dài hạn của Việt Nam. Tỷ lệ ở thành thị là đáng lo ngại nhất khi các gia đình không đủ điều kiện về kinh tế, nhà ở, thu nhập, học tập nên họ không dám sinh con. Vấn đề này cần có giải pháp căn cơ dài hạn để giải quyết.

Đại biểu đoàn Hà Nội cảnh báo những hệ lụy do dân số già hóa của xã hội Nhật Bản là bài học nhãn tiền cho Việt Nam. “Có nhà máy sản xuất tã cho trẻ em giờ đây chuyển sang làm tã cho người lớn”, ông Ấn nói và đề nghị Chính phủ cần có các giải pháp căn cơ, dài hạn để giải quyết toàn diện vấn đề này.

Ông Ấn cũng cho rằng, nền kinh tế đang rất khó khăn, khi số doanh nghiệp ngừng hoạt động, ngừng kinh doanh lớn hơn so với doanh nghiệp quay trở lại hoạt động và doanh nghiệp thành lập mới…

Về chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2025, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn thành phố Hà Nội) băn khoăn trong lĩnh vực y tế, tình trạng thiếu thuốc vẫn xảy ra không hề cục bộ, dẫn đến khó khăn càng tập trung vào những người thực sự khó khăn, quan hệ không rộng, không quen biết nhiều.

Hay như chỉ tiêu giường bệnh, quan trọng nhất là nâng cao chất lượng chứ không phải số lượng. Xu hướng chung trên thế giới không hướng đến số giường bệnh kê được mà hướng tới làm sao chăm sóc sức khỏe cho nhân dân tốt, không cần phải đến bệnh viện. Vì vậy, đại biểu đề xuất nên thay chỉ tiêu giường bệnh bằng chỉ tiêu chuyển đổi số trong ngành y tế.

Phương Thảo

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/dai-bieu-lo-ngai-thanh-nien-that-nghiep-cao-hon-gap-3-lan-so-voi-ty-le-chung-179694.html
Zalo