Đại biểu HĐND TPHCM đề nghị làm rõ trách nhiệm để tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp

Thảo luận tại tổ chiều 15-7, đại biểu HĐND TPHCM Lê Thị Ngọc Thanh (quận 12) đề nghị, trong báo cáo đánh giá của UBND TPHCM cần phải chỉ rõ những dự án nào đang vướng về giải ngân vốn đầu tư công và cần chỉ rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân trong từng khâu.

Chiều 15-7, tiếp tục chương trình làm việc của kỳ họp thứ 17, HĐND TPHCM thảo luận tại tổ về các nội dung liên quan đến tình hình kinh tế - xã hội; tình hình thực hiện chủ đề năm 2024 của TPHCM...

Khẩn trương điều chỉnh bảng giá đất

Từ đây đến cuối năm có nhiều quy định pháp luật mới bắt đầu có hiệu lực, vì vậy, đại biểu HĐND TPHCM (ĐB) Tăng Hữu Phong (quận Phú Nhuận) đặt vấn đề phải đẩy mạnh tuyên truyền để tạo sự đồng thuận cao trong dân và thực thi các quy định pháp luật đi vào cuộc sống nhanh nhất.

 ĐB Tăng Hữu Phong (quận Phú Nhuận) góp ý về triển khai Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Tăng Hữu Phong (quận Phú Nhuận) góp ý về triển khai Luật Đất đai năm 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB đề nghị các đơn vị có liên quan tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ, công chức nắm bắt đầy đủ các điểm mới của quy định pháp luật, để khi các luật có hiệu lực thi hành thì thực hiện đồng bộ, nhanh nhất. Có như vậy mới phát huy được giá trị các luật, nhất là Luật Đất đai năm 2024, Luật Bảo hiểm xã hội...

 ĐB Trần Văn Bảy (quận 10) tham gia góp ý tại tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Trần Văn Bảy (quận 10) tham gia góp ý tại tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Cùng quan tâm vấn đề sớm đưa Luật Đất đai vào cuộc sống, ĐB Trần Văn Bảy (quận 10) băn khoăn, từ ngày 1-8-2024 đến trước ngày 1-1-2026, TPHCM áp dụng bảng giá đất nào trước khi áp dụng bảng giá đất xây dựng lần đầu được áp dụng từ ngày 1-1-2026 theo Luật Đất đai năm 2024.

 Đại biểu HĐND TPHCM thảo luận tại tổ chiều 15-7. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đại biểu HĐND TPHCM thảo luận tại tổ chiều 15-7. Ảnh: VIỆT DŨNG

Từ đó, ĐB đề nghị, các cơ quan chức năng tham mưu UBND TPHCM xây dựng, điều chỉnh bảng giá đất hiện hành để áp dụng chuyển tiếp từ ngày 1-8. Việc này mới giải quyết được hồ sơ của người dân và doanh nghiệp trong giao dịch liên quan đến đất đai, cũng như làm cơ sở để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện các dự án.

Về vấn đề trên, Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng cho biết, khi Luật Đất đai năm 2024 có hiệu lực sớm hơn dự kiến, không chỉ riêng TPHCM mà các tỉnh thành khác trong cả nước đều điều chỉnh về nội dung triển khai.

 Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin một số đầu việc liên quan đến thực hiện Luật Đất đai 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở TN-MT TPHCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin một số đầu việc liên quan đến thực hiện Luật Đất đai 2024. Ảnh: VIỆT DŨNG

Do đó, tất cả các địa phương phải khẩn trương triển khai rất nhiều nội dung, công việc để công tác quản lý Nhà nước về đất được đạt hiệu quả. Hiện nay, cấp tỉnh ban hành 15 văn bản liên quan đến thực hiện Luật Đất đai và các văn bản này phải thực hiện ngay khi các nghị định có hiệu lực.

“Trong đó có những nội dung rất quan trọng, tác động đến người dân và doanh nghiệp. Ví dụ bảng giá đất, Sở TN-MT TPHCM cùng các sở, ngành tập trung xây dựng để kịp áp dụng từ ngày 1-8. Do vậy, phải khẩn trương chứ nếu có sự chậm trễ nào sẽ ảnh hưởng đến tất cả các công việc của thành phố”, Giám đốc Sở TM-MT nhận định.

Tìm nguyên nhân tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công thấp

Về giải ngân vốn đầu tư công, ĐB Nguyễn Văn Đạt (quận Bình Tân) đánh giá, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho người dân vẫn là khâu ảnh hưởng lớn nhất. ĐB đề nghị có giải pháp quyết liệt hơn, phải đảm bảo giải phóng mặt bằng, tái định cư đi trước để đảm bảo tiến độ các dự án.

 ĐB Nguyễn Thị Kim Dung (huyện Bình Chánh) tham gia góp ý tại tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Nguyễn Thị Kim Dung (huyện Bình Chánh) tham gia góp ý tại tổ. Ảnh: VIỆT DŨNG

Đồng quan điểm, ĐB Huỳnh Thanh Hùng (quận Bình Tân) kiến nghị UBND TPHCM, sở ngành, địa phương quan tâm việc giải phóng mặt bằng để đẩy nhanh tiến độ các dự án, góp phần giải ngân vốn đầu tư công.

 ĐB Bùi Tá Hoàng Vũ (quận 12) góp ý. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Bùi Tá Hoàng Vũ (quận 12) góp ý. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Bùi Tá Hoàng Vũ (quận 12) cho rằng, đầu tư xã hội của TPHCM trong năm 2023 và 6 tháng đầu năm 2024 chưa như kỳ vọng, còn thấp. Nếu như không cải thiện về đầu tư xã hội thì TPHCM sẽ không có nguồn lực để đầu tư công. Do vậy, TPHCM cần đánh giá nguyên nhân và tìm giải pháp cải thiện đầu tư xã hội trong thời gian tới.

Đồng tình ý, ĐB Lê Thị Ngọc Thanh (quận 12) đề nghị, trong báo cáo đánh giá của UBND TPHCM cần phải chỉ rõ những dự án nào đang vướng về giải ngân vốn đầu tư công và nguyên nhân từ đâu để tập trung giải pháp tháo gỡ sớm nhất. ĐB cũng thẳng thắn nói vướng ở đâu và cần chỉ rõ trách nhiệm cơ quan, đơn vị, cá nhân ở đó.

 ĐB Lê Thị Ngọc Thanh (quận 12) góp ý. Ảnh: VIỆT DŨNG

ĐB Lê Thị Ngọc Thanh (quận 12) góp ý. Ảnh: VIỆT DŨNG

Trao đổi với ĐB công tác giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Lê Thị Huỳnh Mai cho biết, Sở KH-ĐT đã làm việc với các chủ đầu tư, yêu cầu có giải pháp cụ thể đẩy nhanh tiến độ dự án được giao. Thời gian qua, UBND TPHCM đã thành lập các tổ công tác để tháo gỡ khó khăn cho các dự án, Sở KH-ĐT cũng chủ trì họp hàng tuần với các chủ đầu tư.

Giám đốc Sở KH-ĐT cũng đề xuất một số giải pháp quyết liệt để đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Đó là, thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp Chính phủ giao; tập trung giải quyết tồn đọng cho các dự án còn vướng mắc. UBND TPHCM cũng đã thành lập tổ công tác chuyên nhắc nhở, giải quyết phát sinh cho các dự án…

 Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai trao đổi với các đại biểu về giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

Giám đốc Sở KH-ĐT Lê Thị Huỳnh Mai trao đổi với các đại biểu về giải ngân vốn đầu tư công của TPHCM. Ảnh: VIỆT DŨNG

NGÔ BÌNH - VĂN MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/dai-bieu-hdnd-tphcm-de-nghi-lam-ro-trach-nhiem-de-ty-le-giai-ngan-von-dau-tu-cong-thap-post749436.html
Zalo