Đại biểu Hà Đức Minh tham gia ý kiến về một số dự thảo nghị quyết, dự án luật

Sáng 13/2, tiếp tục chương trình kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội thảo luận ở tổ về Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; các dự án: Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).

Đồng chí Sùng A Lềnh, Tỉnh ủy viên, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai chủ trì thảo luận tại Tổ số 5 (gồm Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Kiên Giang, Quảng Nam). Tham dự có Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải.

 Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 5.

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 5.

Thay mặt Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Lào Cai, đại biểu Hà Đức Minh đã tham gia ý kiến về những nội dung liên quan.

Đối với Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, về nội dung thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, người có thẩm quyền khi thực hiện sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước (từ Điều 3 đến Điều 9), đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét việc xây dựng khung pháp lý chặt chẽ, thống nhất, tránh chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan; quy định rõ về quyền hạn, trách nhiệm của từng cấp, từng đơn vị; việc sắp xếp tổ chức bộ máy phải gắn với nâng cao chất lượng dịch vụ công, không chỉ tập trung vào cắt giảm số lượng mà cần nâng cao chất lượng hoạt động. Cơ cấu tổ chức cần linh hoạt, thích ứng với yêu cầu thực tế và đảm bảo sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan; xem xét có thêm những chính sách đào tạo, bồi dưỡng năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với mô hình tổ chức mới.

Đại biểu đề nghị việc đánh giá hiệu quả công tác của cán bộ theo kết quả thực tế, tránh tình trạng duy trì bộ máy cồng kềnh sau sáp nhập. Tiếp tục xem xét để có cơ chế kiểm tra, giám sát chặt chẽ, đảm bảo việc sắp xếp tổ chức bộ máy diễn ra đúng mục tiêu, tránh hình thức hoặc gây xáo trộn lớn, ảnh hưởng đến hoạt động chung; công khai, minh bạch trong quá trình sắp xếp tổ chức để tạo sự đồng thuận từ các cấp, các ngành và Nhân dân.

 Đại biểu Hà Đức Minh tham gia thảo luận.

Đại biểu Hà Đức Minh tham gia thảo luận.

Đối với Dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), về quy định nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ (các điều 10, 11, 13, 14, 18, 19), đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục xem xét việc quy định rõ ràng hơn về vai trò của Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất, chịu trách nhiệm trước Quốc hội về việc quản lý, điều hành đất nước, đảm bảo quy định phản ánh đúng thực tế hoạt động quản lý nhà nước, tránh bỏ sót hoặc chồng chéo nhiệm vụ giữa Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương. Xem xét thêm về cơ chế phối hợp giữa Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ với Quốc hội, Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cơ quan khác nhằm bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống chính trị.

Đề nghị tiếp tục xem xét về tính thống nhất giữa Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các luật liên quan, đảm bảo các quy định về chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ không mâu thuẫn với vai trò giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Xem xét thêm việc quy định rõ hơn về trách nhiệm giải trình của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trước Quốc hội, cử tri, Nhân dân.

Về dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), đối với nội dung phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giữa chính quyền địa phương các cấp (Chương III), đại biểu nhấn mạnh: Việc phân định rõ thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền giúp tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước, phát huy tính chủ động, sáng tạo của địa phương. Nó cũng góp phần giảm tải áp lực cho cấp trung ương. Tuy nhiên, trên thực tế, vẫn còn tình trạng chồng chéo giữa các cấp, thiếu sự phối hợp đồng bộ, chưa gắn liền với nguồn lực tương ứng. Một số địa phương chưa đủ năng lực để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao. Do đó, đại biểu Hà Đức Minh đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục rà soát Dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và Dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) để có sự thống nhất trong cách thức quy định các nguyên tắc về phân quyền, phân cấp, ủy quyền, bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt cả về chủ thể phân cấp, ủy quyền với đối tượng nhận phân cấp, ủy quyền.

Về vấn đề ủy quyền, theo đại biểu, là một công cụ quan trọng trong quản lý và điều hành, nhưng cần được thực hiện cẩn thận để đảm bảo hiệu quả và tránh rủi ro. Nếu xảy ra sai sót, việc ủy quyền có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tổ chức hoặc cá nhân liên quan. Đề nghị xem xét thêm việc xác định rõ phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của người được ủy quyền. Tránh ủy quyền quá rộng dẫn đến mất kiểm soát hoặc quá hẹp làm giảm hiệu quả làm việc và có cơ chế giám sát chặt chẽ hơn trong việc ủy quyền…

Đức Lân - Lê Huy

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/dai-bieu-ha-duc-minh-tham-gia-y-kien-ve-mot-so-du-thao-nghi-quyet-du-an-luat-post397378.html
Zalo