Đại biểu góp ý nâng tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan quân đội

Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam nhiều đại biểu Quốc hội góp ý về nâng tuổi nghỉ hưu (tuổi phục vụ tại ngũ) đối với sĩ quan quân đội.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Ngày 5/11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam. Trong đó, nội dung nâng tuổi nghỉ hưu (tuổi phục vụ tại ngũ) đối với sĩ quan quân đội được nhiều đại biểu quan tâm, thảo luận.

Sửa đổi Luật Sĩ quan, đáp ứng nhu cầu xây dựng Quân đội tinh, gọn, mạnh

Các đại biểu tán thành với việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành nhằm thể chế hóa kịp thời chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan quân đội nhân dân vững mạnh, đáp ứng yêu cầu đến năm 2025 cơ bản xây dựng quân đội nhân dân tinh, gọn, mạnh.

Các đại biểu cho rằng việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan để tạo tiền đề vững chắc để đến năm 2030 xây dựng quân đội nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại.

Đồng thời, bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội "là ngành lao động đặc biệt".

Đại biểu Trần Thị Thu Phước: Nếu đội ngũ sĩ quan nghỉ hưu ở độ tuổi sớm như luật hiện hành là "điều đáng tiếc".

Đại biểu Trần Thị Thu Phước: Nếu đội ngũ sĩ quan nghỉ hưu ở độ tuổi sớm như luật hiện hành là "điều đáng tiếc".

Sửa đổi Luật Sĩ quan: Khắc phục bất cập về tiền lương, cấp bậc quân hàm

Tại phiên thảo luận, các đại biểu Quốc hội quan tâm cho ý kiến đối với quy định tại Điều 13 dự thảo Luật về tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan.

Theo đó, dự thảo Luật quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm theo hướng cấp úy là 50 tuổi, thiếu tá là 52 tuổi, trung tá là 54 tuổi, thượng tá là 56 tuổi, đại tá là 58 tuổi, cấp tướng là 60 tuổi.

Cùng với đó, dự thảo Luật cũng quy định, khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ, sức khỏe tốt và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ quy định tại khoản 1 Điều 13 không quá 5 năm; sĩ quan là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, bác sĩ chuyên khoa 2, dược sĩ chuyên khoa 2, tổng công trình sư, nhà khoa học đầu ngành, sĩ quan được đào tạo chuyên sâu, đặc thù hoặc trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.

Đại biểu Trần Thị Thu Phước (Kon Tum) bày tỏ thống nhất với việc sửa đổi, bổ sung dự thảo luật nhằm giải quyết những bất cập trong thực tiễn về chức vụ, hạn tuổi phục vụ, cấp bậc quân hàm cũng như chế độ, chính sách, tiền lương đối với đội ngũ sĩ quan.

Đại biểu nêu thực tế, các sĩ quan Quân đội được đào tạo, huấn luyện trong môi trường có tính kỷ luật cao, lành mạnh nên có sức khỏe tốt, đầu óc minh mẫn. Do đó, nếu đội ngũ sĩ quan nghỉ hưu ở độ tuổi sớm như luật hiện hành là "điều đáng tiếc".

Đại biểu Bế Minh Đức: Việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như trên là cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Đại biểu Bế Minh Đức: Việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như trên là cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Nâng tuổi nghỉ hưu đối với sĩ quan quân đội là cần thiết

Theo đại biểu Quốc hội Bế Minh Đức (Cao Bằng): Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 đã nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam ở các mức khác nhau: cấp Úy 50 tuổi, Thiếu tá 52 tuổi, Trung tá 54 tuổi, Thượng tá 56 tuổi, Đại tá 58, cấp tướng là 60 tuổi.

Theo đại biểu Bế Minh Đức: Việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm như trên là cần thiết trong điều kiện hiện nay.

Đồng thời, đại biểu viện dẫn: Bộ luật Lao động năm 2019 đã quy định về tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 cũng quy định thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 35 năm đối với nam và 30 năm đối với nữ mới được hưởng mức lương hưu tối đa bằng 75% tại Điều 66.

Luật Công an nhân dân năm 2018 sửa đổi, bổ sung năm 2023 đã nâng mức hạn tuổi phục vụ sĩ quan, hạ sĩ quan công an nhân dân.

Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015 quy định về hạn tuổi phục vụ cao nhất của cấp úy quân nhân chuyên nghiệp nam 52 tuổi, nữ 52 tuổi; Thiếu tá, Trung tá quân nhân chuyên nghiệp là nam 54 tuổi, nữ 54 tuổi; Thượng tá quân nhân chuyên nghiệp nam 56 tuổi và nữ 55 tuổi.

Theo đại biểu, đối chiếu với dự thảo Luật Sĩ quan thì quy định tuổi phục vụ cao nhất của sĩ quan cấp úy, Thiếu tá vẫn thấp hơn quy định trên mặc dù cùng cấp bậc quân hàm.

Qua nghiên cứu, đại biểu cơ bản nhất trí với dự thảo luật và các tài liệu liên quan, sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam với vai trò là lực lượng nòng cốt của quân đội, là thành phần chủ yếu trong đội ngũ cán bộ quân đội, đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo, chỉ huy, quản lý hoặc trực tiếp thực hiện một số nhiệm vụ, là lực lượng được đào tạo chuyên sâu.

Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần rà soát, nghiên cứu có thể nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm cao nhất của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam phù hợp với Luật Công an nhân dân, đồng thời thống nhất tuổi nghỉ hưu quy định tại Bộ luật Lao động năm 2019.

Đại biểu Tô Văn Tám: Tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nhằm thu hút nhân tài.

Đại biểu Tô Văn Tám: Tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nhằm thu hút nhân tài.

Tăng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan nhằm thu hút nhân tài

Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (Kon Tum) nêu quan điểm: So với luật hiện hành thì tuổi sĩ quan phục vụ của cấp úy được tăng 4 tuổi, Thiếu tá tăng 4 tuổi, Trung tá tăng 3 tuổi, Đại tá tăng 1 tuổi, nữ Đại tá tăng 3 tuổi, cấp tướng nữ thì tăng 5 tuổi và cấp tướng cả nữ và nam đều đến 60.

Việc tăng như vậy là hợp lý, phù hợp với tính chất, nhiệm vụ của quân đội là ngành nghề lao động đặc biệt và cũng phù hợp với xây dựng quân đội trong giai đoạn hiện nay.

Hiện tại, các sĩ quan từ Trung tá trở xuống theo Luật Bảo hiểm xã hội đến tuổi nghỉ hưu chưa đủ 35 năm đóng bảo hiểm nên không đủ 75% lương hưu.

Việc tăng tuổi là nhằm tiệm cận với quy định của Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội để các sĩ quan khi về nghỉ hưu được hưởng đủ chế độ.

Mặt khác, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng: Việc tăng tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan còn nhằm thu hút nhân tài vào quân đội.

Đại biểu Thái Thị An Chung: Việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội là phù hợp, giúp nâng lương hưu cho các sĩ quan, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của họ.

Đại biểu Thái Thị An Chung: Việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội là phù hợp, giúp nâng lương hưu cho các sĩ quan, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của họ.

Không nâng hạn tuổi phục vụ sẽ khiến các sĩ quan nghỉ hưu sớm và nhận lương hưu thấp

So sánh với hạn tuổi phục vụ của sĩ quan cấp úy hiện hành với tuổi nghỉ hưu được quy định tại Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội hay hạn tuổi phục vụ của quân nhân chuyên nghiệp quy định tại Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng năm 2015, đại biểu Quốc hội Thái Thị An Chung (Nghệ An) nhận thấy, sĩ quan cấp úy quân đội nghỉ hưu trước từ 10 đến 15 năm so với công chức, viên chức và sớm hơn 6 năm so với quân nhân chuyên nghiệp.

"Như vậy, trong cùng một lực lượng vũ trang, cùng một đơn vị thì quân nhân chuyên nghiệp ở vị trí nhân viên lại có thời gian công tác dài hơn, trong khi cán bộ chỉ huy, cán bộ làm trợ lý, chịu trách nhiệm tham mưu, trực tiếp triển khai các nhiệm vụ lại về hưu trước. Đây là một bất cập của quy định pháp luật hiện hành", đại biểu Thái Thị An Chung nhấn mạnh.

Một lý do khác khiến các đại biểu Quốc hội tán thành nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của các sĩ quan là với quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, nếu không nâng hạn tuổi phục vụ sẽ khiến các sĩ quan nghỉ hưu sớm và nhận lương hưu thấp.

Qua phản ánh cử tri công tác trong lực lượng quân đội nhân dân trên địa bàn tỉnh Nghệ An, đại biểu Thái Thị An Chung cho biết, trong số các sĩ quan nghỉ hưu tại Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh có 41% sĩ quan nhận lương hưu từ 56 - 66%, 44% sĩ quan nhận lương hưu từ 67 - 72%, chỉ có một tỷ lệ ít nhận lương hưu 75% trở lên.

Trong khi đó, với độ tuổi nghỉ hưu của cấp úy, cấp tá thì gánh nặng chăm lo gia đình, chu cấp cho con cái ăn học đang còn, nhất là trong xu hướng lập gia đình, sinh con muộn hiện nay. Nhưng sau khi nghỉ hưu, họ không dễ kiếm công việc khác.

Do đó, đại biểu cho rằng, việc nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan quân đội là phù hợp, giúp nâng lương hưu cho các sĩ quan, đáp ứng tốt hơn nhu cầu cuộc sống của họ.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị điều chỉnh tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi.

Đại biểu Nguyễn Đại Thắng đề nghị điều chỉnh tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi.

Đề nghị điều chỉnh tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi

Nhất trí với tăng tuổi phục vụ tại ngũ từ 1 đến 5 tuổi nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng Quân đội cách mạng chính quy tinh nhuệ, hiện đại, song đại biểu Quốc hội Nguyễn Đại Thắng (Hưng Yên) băn khoăn với quy định tại dự thảo Luật về hạn tuổi phục vụ tại ngũ với cấp tướng là 60 tuổi.

Đại biểu đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, xem xét điều chỉnh tăng tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan cấp tướng quân đội lên 62 tuổi, để bảo đảm tính thống nhất giữa các lực lượng vũ trang, góp phần trọng dụng nhân tài và tương quan giữa 2 lực lượng quân đội nhân dân và công an nhân dân.

Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho rằng, số lượng cấp đại tá và cấp tướng chiếm tỷ lệ nhỏ nên việc kéo dài tuổi nghỉ hưu không tác động nhiều đến tổng quân số.

Trong khi đó, đây là cơ chế để tiếp tục phát huy kinh nghiệm, trình độ của các sĩ quan này trong thời bình.

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa: Nâng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội: Gia tăng tích lũy đối với Quỹ BHXH

Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa: Nâng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội: Gia tăng tích lũy đối với Quỹ BHXH

Nâng tuổi nghỉ hưu của sĩ quan quân đội: Gia tăng tích lũy đối với Quỹ BHXH

Đại biểu Quốc hội Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cho rằng, việc tăng hạn mức phục vụ tại ngũ với sĩ quan quân đội nhân dân từ 1-5 tuổi như thể hiện tại dự thảo Luật sẽ tăng thêm thời gian cũng như mức đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội.

Theo đó sẽ làm gia tăng sự tích lũy đối với quỹ bảo hiểm xã hội, góp phần thực hiện nguyên tắc đóng - hưởng trong các chế độ bảo hiểm xã hội dài hạn.

Bên cạnh đó, đề nghị rà soát để xem xét tăng thêm tuổi đối với cấp Đại tá và cấp tướng nhằm đảm bảo thống nhất trong lực lượng vũ trang và tương thích với lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu trong Bộ luật Lao động.

Đề nghị bổ sung chính sách với sĩ quan sau khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái

Quan tâm đến quy định về sĩ quan biệt phái, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cho biết, Điều 24 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam hiện hành quy định căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ quốc phòng, sĩ quan tại ngũ được biệt phái đến công tác ở cơ quan, tổ chức ngoài quân đội, do cấp có thẩm quyền quyết định.

Điều 29 của dự thảo Luật này cũng quy định nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi của sĩ quan biệt phái.

Tuy nhiên, tại Luật hiện hành và dự thảo Luật không có quy định về việc bảo đảm quyền lợi của sĩ quan sau khi hết hạn biệt phái.

Do đó, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa đề nghị bổ sung chế độ, chính sách đối với sĩ quan khi kết thúc nhiệm vụ biệt phái./.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/dai-bieu-gop-y-nang-tuoi-nghi-huu-doi-voi-si-quan-quan-doi-119241105154042684.htm
Zalo