Đại biểu đề nghị quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo bảo hiểm y tế

Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế ngày 31/10, đại biểu Trần Thị Nhị Hà (Hà Nội) đề nghị cần đồng bộ, thống nhất trong quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế trong bối cảnh Quỹ chưa thanh toán nhiều dịch vụ khác.

Theo đại biểu Trần Thị Nhị Hà, về phạm vi được hưởng của người tham gia bảo hiểm y tế, hiện nay Quỹ bảo hiểm y tế chưa thanh toán cho các dịch vụ có tính chất dự phòng, sàng lọc. Các bệnh như ung thư, tăng huyết áp, đái tháo đường đang chiếm tỷ lệ lớn trong chi phí điều trị.

Đại biểu cho rằng, việc sàng lọc các bệnh này chưa được bảo hiểm y tế chi trả gây lãng phí tiềm năng phòng ngừa bệnh tật của hệ thống y tế. Đại biểu kiến nghị bổ sung điểm 1 khoản 1 Điều 21 về phạm vi thanh toán bảo hiểm y tế cho danh mục dự phòng sàng lọc định kỳ. Bộ trưởng Bộ Y tế quy định cụ thể danh mục bệnh, tần suất, khung giá các dịch vụ này.

 Đại biểu Trần Thị Nhị Hà.

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà.

Bên cạnh đó, về thanh toán chi phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã quy định cụ thể giá khám bệnh, chữa bệnh bao gồm giá thành toàn bộ, tích lũy hoặc lợi nhuận dự kiến và các nghĩa vụ tài chính khác. Đại biểu kiển nghị hai phương án.

Trong đó, phương án 1, sửa đổi dự thảo Luật theo hướng đồng bộ quy định về giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh, tuy nhiên, giá bảo hiểm y tế sẽ tăng, dẫn đến nguy cơ mất an toàn cho quỹ, vì vậy, trong dự thảo phải có các chính sách để cân đối Quỹ như bổ sung nguồn quỹ, tăng cường hiệu quả sử dụng quỹ.

Phương án 2, thực hiện thanh toán bảo hiểm y tế theo định suất, theo nhóm chẩn đoán. Trên cơ sở đó, Bộ Y tế ban hành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế thống nhất chung trên toàn quốc.

Thống nhất với sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo hiểm Y tế và đề xuất thông qua Luật này theo quy trình 01 kỳ họp, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) góp ý về cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến khám chữa bệnh (KCB) ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến.

Theo đại biểu, mặc dù điều này nghe có vẻ hỗ trợ cho người tham gia bảo hiểm y tế tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn; nhưng có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên KCB tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến giảm hiệu suất; thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế.

Các số liệu thống kê cho thấy, xu hướng người bệnh dịch chuyển sang tuyến huyện và tỉnh ngay từ năm đầu tiên thực hiện “thông tuyến” (năm 2016 thông tuyến huyện; Tỷ lệ lượt KCB tuyến huyện từ 43,3% ở năm 2015 đã tăng lên, trên 60% vào năm 2023. Trong khi đó, tuyến xã giảm từ 27,6% năm 2015 xuống còn khoảng 13,7% năm 2023 và năm 2021 thông tuyến tỉnh đối với dịch vụ KCB nội trú, tỷ lệ lượt KCB thông tuyến nội trú tại tuyến tỉnh đã tăng từ 30,5% năm 2021 lên trên 40% năm 2023 nhưng chi phí sẽ tăng lên.

Đại biểu cũng phân tích, nếu quy định như dự thảo luật, hệ thống y tế cơ sở sẽ dần bị suy yếu, thậm chí sẽ đứt gãy và các mục tiêu của Nghị quyết 20; Chỉ thị 25 có nguy cơ không đạt được; gây lãng phí nguồn lực và công sức đã đầu tư cho y tế cơ sở trong suốt thời gian qua.

Đại biểu phân tích nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vì khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng 1 bệnh.

“Bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý KCB cho người dân; Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị.., giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện”, đại biểu Thu nêu rõ.

Chính vì vậy đại biểu đề nghị, giữ nguyên phạm vi hưởng như lộ trình thông tuyến KCB bảo hiểm y tế hiện nay nhưng điều chỉnh bổ sung quy định giao Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành định nghĩa bệnh hiếm và danh mục bệnh hiểm nghèo, bệnh hiếm được sử dụng giấy chuyển tuyến 1 lần dùng trọn quá trình điều trị chứ không phải có thời hạn trong năm tài chính như hiện nay.

Tiếp tục tăng cường củng cố năng lực cho hệ thống y tế cơ sở để có thể thực hiện điều trị cấp thuốc điều trị ngoại trú cho một số bệnh mạn tính đồng nhất trên các cấp chuyên môn các cơ sở y tế. Tăng cường các quy định giải quyết triệt để các bức xúc trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến.

Tâm An

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/dai-bieu-de-nghi-quy-dinh-ve-gia-dich-vu-kham-benh-chua-benh-theo-bao-hiem-y-te-d53342.html
Zalo