Đái bậy ở Hà Nội: Vấn nạn nhức nhối từ… thời Nguyễn
Đái bậy - một vấn nạn của Hà Nội hiện tại, nhưng ít ai ngờ chuyện ấy vốn từng là nỗi nhức nhối của Hà Nội từ... thời nhà Nguyễn.
Dù không còn là kinh đô, nhưng từ triều vua Gia Long (1802) đến triều vua Tự Đức (1883) phủ Hoài Đức vẫn là trung tâm kinh tế lớn của cả nước với hệ thống chợ đầu mối, chợ bán lẻ cùng nhiều cơ sở sản xuất hàng thủ công.
Giao thương tấp nập, người các tỉnh đổ về mua bán nhưng phủ Hoài Đức không có nhà vệ sinh công cộng, ai có nhu cầu thì đi nhờ nhà dân hay phong uế ra các khu đất trống hoặc ao hồ nằm xen lẫn trong các khu dân cư.
Đái chết cả cây duối cạnh chợ Đồng Xuân
Những túp lều dày đặc bao quanh Hồ Gươm, lối đi xuống hồ là những ngõ nhỏ nồng nặc mùi xú uế và nước tiểu
Hocquard - bác sỹ của quân đội viễn chinh Pháp
Trong cuốn Một chiến dịch ở Bắc Kỳ (Une campagne au Tonkin - xuất bản tại Paris năm 1896) tác giả Hocquard - bác sỹ của quân đội viễn chinh Pháp đến Hà Nội năm 1883 - đã mô tả: “Những túp lều dày đặc bao quanh Hồ Gươm, lối đi xuống hồ là những ngõ nhỏ nồng nặc mùi xú uế và nước tiểu. Thành phố này không có bất cứ nhà vệ sinh công cộng nào”.
Khi Pháp chiếm trọn Hà Nội năm 1883, Công sứ Bonnal đã đưa ra chủ trương cải tạo lại khu vực “36 phố phường” và xây một khu phố mới ở phía nam Hồ Gươm. Nhưng trước tiên ông ta cho quy hoạch lại Hồ Gươm và quyết liệt thực hiện kế hoạch này.
Năm 1888, một phần của phủ Hoài Đức trở thành thành phố Hà Nội do Pháp quản lý. Để tránh trùng tên, tháng 5/1902 chính quyền Pháp cho đổi tên tỉnh Hà Nội thành tỉnh Cầu Đơ (tháng 12/1904 lại đổi thành tỉnh Hà Đông).
Vì thành phố Hà Nội là nhượng địa của Pháp nên các quy định của triều Nguyễn không còn giá trị. Chính quyền thành phố, Thống sứ Bắc Kỳ, Toàn quyền Đông Dương đã ra nhiều nghị định để quản lý Hà Nội giống như chính quốc.
Năm 1889, chính quyền dựng hàng rào làm chợ Đồng Xuân, dồn những người buôn bán ở chợ Cầu Đông về đây. Đồng Xuân trở thành chợ lớn nhất phía Bắc, hàng hóa không thiếu thứ gì và nó được ví là cái “dạ dày” của Hà Nội.
Đi chợ không chỉ có người Việt mà còn có vợ con của sĩ quan, binh lính, công chức, viên chức Pháp. Rồi chợ được dựng khung sắt, bao hàng rào xung quanh song vẫn chưa có nhà vệ sinh khiến đám đàn bà con gái Tây đi chợ kêu la ầm ĩ nên năm 1891, chính quyền cho xây nhà vệ sinh công cộng đầu tiên cạnh chợ.
Tuy nhiên nhà vệ sinh này chỉ dành cho đầm, không cho đàn bà Việt vào vì thế dân chúng gọi là “nhà vệ sinh đầm”. Khi có nhu cầu, người Việt bán hàng trong chợ và người mua hàng không có chỗ đi vệ sinh vì thế họ đã ra phía sau chợ (nay là khu vực chợ Cao Thắng) phóng uế sau mấy cây duối to.
Nước tiểu lưu niên làm chết cả mấy cây duối. Khi gió đông nam thổi, mùi khai nồng nặc lùa vào chợ khiến cả người bán lẫn người mua không chịu nổi buộc chính quyền thành phố phải xây nhà vệ sinh cho người Việt.
Cảnh sát bắt tiểu bậy
Trên các phố, lúc này chính quyền cho nắn đường, làm nhà thẳng hàng, bắt buộc nhà nào cũng phải có nhà vệ sinh, cống thoát nước thải chảy ra hệ thống cống chung của thành phố cũng đang xây dựng.
Để Hà Nội là thành phố văn minh, ngày 29/3/1892, Đốc lý Hà Nội ra nghị định về vệ sinh công cộng và trật tự lục lộ, theo điều 2 của Nghị định, các nhà mặt phố phải vệ sinh trước cửa nhà, khơi thông cống rãnh cho nước chảy, không được tiểu bậy. Xe ngựa đi trên phố phải có miếng vải đỡ phân phía sau, không được chăn thả gia súc, nếu vi phạm sẽ bị xử phạt “theo Luật Hình sự của nước Pháp”.
Cùng với Nghị định, thành phố thành lập Cảnh sát lục lộ hàng ngày đi tuần xử phạt người vi phạm. Tuy nhiên, vì thành phố chưa có nhà vệ sinh công cộng nên lúc bí người đi đường vẫn lẻn vào ngõ vắng, các khu đất trống hai bên đường phóng uế.
Những năm cuối cùng của thế kỷ XIX, bộ mặt Hà Nội có nhiều thay đổi, đường phố được mở rộng, có vỉa hè, phía đông Hồ Gươm đã hình thành khu hành chính và nhiều biệt thự của các nhà tư bản Pháp.
Để Hà Nội văn minh như Paris, ngày 21/4/1902, Hội đồng thành phố họp và bàn về việc xây dựng các nhà vệ sinh công cộng trên các con phố và 3 địa điểm dự kiến được lựa chọn quanh Hồ Gươm, nhưng cuối cùng chỉ có một nhà vệ sinh được xây vào năm 1903 ở phố Paul Bert (nay là nhà vệ sinh công cộng 29 phố Hàng Khay).
Năm 1902, ga Hàng Cỏ hoàn thành. Năm 1903 chính quyền cũng cho xây nhà vệ sinh công cộng. Sau đó các nhà vệ sinh ở Cửa Nam, phố Phùng Hưng, chợ Hàng Da... cũng được xây dựng.
Thậm chí, phố Trần Hưng Đạo cuối thập niên 20 thế kỷ XX nhà còn thưa thớt nhưng họ vẫn cho xây nhà vệ sinh ở góc Trần Hưng Đạo - Hàng Bài. Hằng ngày, những nhà vệ sinh này có nhân viên của các công ty đổ thùng trúng thầu quét dọn và dội nước.
“Anh bắt đái” phố Tố Tịch
Thập niên đầu thế kỷ XX, dân số Hà Nội đã lên trên 10 vạn, khách các tỉnh về nhiều hơn nên ở nhiều con phố vẫn xảy ra tình trạng tiểu bậy.
Phố Tố Tịch (hay Tô Tịch) đầu thập niên 20 là con phố nhỏ, phần tiếp giáp với Hàng Gai còn thưa thớt người. Vì thế, đây là nơi dân chúng ghé vào “tè” trộm. Mùi xú uế khiến các nhà quanh không chịu nổi, họ góp tiền thuê một người chuyên rình bắt những kẻ tiểu bậy gọi là “anh bắt đái”.
Bắt được ai “tè” bậy, anh này giao cho cảnh sát, nhưng vì nhiều quá nên bắt không xuể. Trước thực trạng đó, ông Kỳ Dương ở phố Tố Tịch đã nghĩ ra kế. Ông xây bệ thờ nhỏ giả làm miếu thắp hương suốt ngày, người vào đó định tiểu thấy hương khói nghi ngút không dám đi nữa, từ đó ngã ba này không còn nạn đái bậy.
Chính quyền thành phố lập đội “cảnh sát phong tục”, đội này có nhiệm vụ phạt các cô gái điếm hành nghề không giấy phép, người đi tiểu bậy, gây gổ nơi công cộng...
Trong tiểu thuyết "Số Đỏ" của Vũ Trọng Phụng, có hai nhân vật là Min Đơ, Min Toa - hai ông cảnh sát Pháp này hàng ngày mặc quần soóc đi các phố phạt những người đái bậy là thật, không phải hư cấu.
Chính quyền không tin cảnh sát người Việt vì đã có người nhận hối lộ rồi bỏ qua sai phạm nên “cảnh sát phong tục” hầu hết là người Pháp.
Đái bậy thời bao cấp
Sau năm 1954, dân số Hà Nội tăng lên đang kể, bà con các tỉnh qua lại Hà Nội cũng nhiều, nhưng thành phố vẫn không có thêm nhà vệ sinh công cộng.
Trong bài Một ngày Chủ nhật đăng báo Thời Mới năm 1956, nhà văn của Lũy hoa, Sống mãi với Thủ đô Nguyễn Huy Tưởng đã phàn nàn về một Hà Nội “nhếch nhác”.
Phóng uế, tiểu tiện diễn ra sau gốc cây, bờ tường cơ quan công sở đẫm nước trong ngày hè nắng gắt, cột điện sắt han rỉ. Người đi qua không chịu nổi phải nhắm mắt, bịt mũi. Dân khi ấy đùa “chỗ nào có biển cấm phóng uế nghĩa là chỗ đó được phép”.
Thời bao cấp có giai thoại về phạt đái bậy, chuyện là ông uống bia hơi xong có nhu cầu bèn bảo cháu đợi rồi xông vào chỗ có biển “Cấm đái bậy”.
Vừa làm xong cái việc khoan khoái ấy, ông quay ra thì gặp anh làm nhiệm vụ xé vé phạt, ông vui vẻ đưa 5 hào nhưng anh thi hành công vụ không có tiền lẻ trả lại, ông bèn bảo “thôi để cháu tôi tè nốt là đủ 5 hào”.
Cũng thời bao cấp, hầm tránh bom ở vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ) lúc nào cũng sặc sụa mùi xú uế. Cho đến hôm nay nhiều người lớn tuổi sống ở phố Hàng Khay vẫn không thể quên nguyên nhân cây đa ở góc ngã tư Hàng Khay - Đinh Tiên Hoàng (nay là vị trí đặt đồng hồ hoa) bị chết chỉ vì... úng ngập nước tiểu.
Thế nhưng ngay khi có nhà vệ sinh công cộng thì người đi cũng rất thiếu ý thức vì thế nhà vệ sinh nào cũng có khẩu hiệu “Ỉa đúng lỗ, đái đúng dòng/ Làm xong đốt giấy bỏ tro mới về”. Lại có cả chuyện họa thơ trong nhà vệ sinh.
Ngày nay việc đái bậy tuy có giảm ở khu vực trung tâm hoặc những nơi nhộn nhịp người qua lại, nhưng nó vẫn diễn ra hàng ngày ở nơi thưa vắng.
Ông Nguyễn Đức Chung khi mới lên chức Chủ tịch thành phố đã tuyên bố sẽ xã hội hóa xây dựng 1.000 nhà vệ sinh công cộng trên các tuyến phố Hà Nội, nhưng cho đến khi ông bị bắt vì tham nhũng vẫn chưa có một nhà vệ sinh nào được xây.
Thiếu nhà vệ sinh là nguyên nhân khách quan của việc tiểu tiện bừa bại, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do con người thiếu ý thức.