'Đại bàng đen' Dark Eagle thách thức 'Rồng lửa' S-500 tối tân của Nga
Những thông tin mới nhất về Dark Eagle của Mỹ khiến người ta đặt câu hỏi, liệu các hệ thống phòng không tối tân của Nga như S-400 và S-500 có thể đối phó với vũ khí siêu vượt âm của Mỹ hay không.
Lầu Năm Góc đang chuẩn bị hoàn tất quá trình phát triển hệ thống tấn công mới, LRHW Dark Eagle, hứa hẹn sẽ định hình lại cuộc đua vũ khí siêu vượt âm thanh.
Hệ thống này bao gồm một tên lửa đạn đạo hai tầng với một tên lửa đẩy và một phương tiện lướt siêu thanh (C-HGB), có khả năng đạt tốc độ lên tới Mach 5 – một khả năng khiến các hệ thống phòng không truyền thống gần như bất lực.
Theo Lầu Năm Góc, các nguyên mẫu đầu tiên của hệ thống đã được chuyển giao cho quân đội vào năm 2021.
Các quan chức quân sự dự đoán rằng hệ thống sẽ hoàn thiện và sẵn sàng hoạt động trong vòng 1-2 năm tới. Tuy nhiên, mốc thời gian này đã bị điều chỉnh khá nhiều lần và nhiều người đặt câu hỏi khi nào nó mới thực sự được đưa vào trực chiến.
Một quyết định chiến lược đáng chú ý là kế hoạch triển khai hệ thống Dark Eagle đầu tiên tại Đức, trong một khu vực phòng thủ tên lửa. Điều này không chỉ giúp bảo vệ hệ thống khỏi các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga mà còn thể hiện ý định của Mỹ trong việc đảm bảo khả năng sẵn sàng hoạt động liên tục của một tài sản chiến lược quan trọng.
Kế hoạch triển khai như vậy cũng phản ánh tham vọng của Mỹ trong việc thống trị công nghệ siêu vượt âm và sử dụng những vũ khí mới như yếu tố trung tâm trong chiến lược quân sự tại châu Âu.
S-400 và S-500 có thể đánh chặn Dark Eagle?
Những thông tin mới nhất về Dark Eagle của Mỹ khiến người ta đặt câu hỏi, liệu các hệ thống phòng không tối tân của Nga như S-400 và S-500 có thể đối phó với vũ khí siêu vượt âm của Mỹ hay không.
S-400 “Triumph” và S-500 “Prometey,” được đánh giá là những hệ thống mạnh nhất toàn cầu, nhưng chúng cũng có những hạn chế đáng kể khi đối phó với các mối đe dọa siêu vượt âm.
Điểm mạnh chính của Dark Eagle là tốc độ siêu vượt âm. Tốc độ từ Mach 5 đến Mach 7 của Dark Eagle nhanh hơn nhiều so với bất kỳ mục tiêu nào mà các hệ thống phòng không của Nga được thiết kế để xử lý.
Mặc dù S-400 và S-500 có khả năng chống lại tên lửa và máy bay bay ở tốc độ siêu thanh (dưới Mach 5), nhưng chúng không được thiết kế để chống lại các vật thể siêu vượt âm u.
Ngay cả phiên bản mới nhất của hệ thống S-500, mặc dù được thiết kế để đối phó với mối đe dọa siêu vượt âm, nhưng nó vẫn thiếu công nghệ cần thiết để theo dõi và đánh chặn các tên lửa có khả năng cơ động cao ở tốc độ này.
Theo các chuyên gia quân sự, S-500 không thể đối phó hiệu quả các tên lửa siêu vượt âm như Dark Eagle, vốn có khả năng thay đổi quỹ đạo giữa chừng.
Khả năng cơ động vượt trội của "Đại bàng đen"
Một trong những yếu tố chính cản trở hiệu quả của các hệ thống như S-400 và S-500 là sự phụ thuộc vào cơ chế xử lý dữ liệu radar và dự đoán quỹ đạo của mục tiêu.
Các hệ thống này đối phó hiệu quả với các tên lửa và vật thể đạn đạo truyền thống có quỹ đạo có thể dự đoán, nhưng lại gặp khó khăn với vũ khí siêu vượt âm có thể đổi hướng bất ngờ ở tốc độ cao.
Dark Eagle sử dụng công nghệ phương tiện lướt siêu vượt âm (C-HGB), cho phép tên lửa cơ động trong khi bay, điều này khiến mọi hệ thống phòng không hiện có đều rất khó đánh chặn được nó.
Khả năng thay đổi hướng của tên lửa, kết hợp với tốc độ cực lớn, khiến radar của S-400 và S-500, vốn được đánh giá là những hệ thống tinh vi nhất hiện nay, cũng gặp khó khăn trong việc đánh giá quỹ đạo mục tiêu và thực hiện bắn chặn chính xác.
Nói cách khác, dù không thể phủ nhận S-400 và S-500 là các hệ thống phòng không mạnh nhất thế giới hiện nay, nhưng khi phải đối phó với các vũ khí siêu vượt âm như Dark Eagle, hiệu quả của chúng cũng sẽ suy giảm đáng kể. Yếu tố cơ bản ở đây không chỉ là tốc độ của Dark Eagle mà là khả năng cơ động của nó khi di chuyển ở tốc độ siêu vượt âm.
Tương lai của vũ khí siêu vượt âm Mỹ
Dark Eagle là một phần trong chiến lược quân sự của Mỹ nhằm duy trì ưu thế công nghệ trong lĩnh vực vũ khí siêu thanh. Vũ khí này được thiết kế để vượt trội hơn so với các công nghệ phòng thủ tên lửa hiện tại, với tốc độ và khả năng cơ động vô song.
Tốc độ siêu vượt âm, ở ngưỡng trên Mach 5, khiến Dark Eagle gần như không thể bị đánh chặn bởi các hệ thống phòng thủ tên lửa truyền thống. Sau khi được phóng từ tên lửa đẩy, phương tiện lướt siêu vượt âm sẽ bay theo quỹ đạo và có thể thay đổi hướng giữa chừng để tránh các cuộc tấn công từ hệ thống phòng thủ.
Hệ thống Dark Eagle cũng là một phần trong nỗ lực của Mỹ nhằm triển khai khả năng tấn công siêu thanh tầm xa, giúp nâng cao khả năng tấn công các mục tiêu quan trọng ở sâu trong lãnh thổ đối phương trước khi đối thủ có cơ hội phản ứng.
Dark Eagle được thiết kế để phóng từ cả bệ phóng di động trên mặt đất cũng như các bệ phóng khác tàu chiến hoặc tàu ngầm. Đây là một tính năng quan trọng, cho phép triển khai và nhanh chóng thay đổi vị trí để ứng phó với các tình huống chiến thuật thay đổi.
Khi các đối thủ tiếp tục phát triển khả năng siêu thanh của riêng họ, việc quân đội Mỹ đầu tư vào các hệ thống như Dark Eagle đảm bảo rằng Washington vẫn giữ được lợi thế trong giai đoạn tiếp theo của chiến tranh hiện đại.
Dark Eagle không chỉ là một vũ khí siêu thanh tiên tiến mà còn là biểu tượng của một kỷ nguyên mới trong chiến tranh tên lửa, nơi tốc độ và khả năng cơ động của vũ khí siêu thanh sẽ thay đổi cán cân quyền lực trong chiến lược quân sự toàn cầu. Với sự phát triển không ngừng, hệ thống này dự kiến sẽ là một tài sản quan trọng trong kho vũ khí của quân đội Mỹ, giúp duy trì lợi thế quân sự trong thế kỷ 21.