Đặc xá năm 2025: Như một giấc mơ
Đặc xá là chính sách khoan hồng, nhân văn của Đảng và Nhà nước ta dành cho những phạm nhân có quá trình lao động, cải tạo tốt trong thời gian chấp hành án phạt tù. Được đặc xá, tha tù trước thời hạn sẽ mở ra một 'cuộc đời mới' cho những người lầm lỗi cơ hội sửa sai, bắt đầu lại hành trang mới trong tương lai.
Đến thời điểm này, các trại giam, trại tạm giam và cơ quan thi hành án hình sự trên cả nước đã nghiêm túc triển khai thực hiện, hoàn thành danh sách và hồ sơ của những phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/2025).

Ban Giám thị Trại giam Thanh Lâm (Thanh Hóa) họp phân loại và lên danh sách những phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Đứng lên sau sai lầm
“Nếu quá khứ là một chuỗi sai lầm - hãy biến nó thành kinh nghiệm, hãy vươn lên sau vấp ngã bằng sự tự tin và lòng tự trọng” - đây dòng chữ được in lớn trên bảng trong hội trường phòng giáo dục phạm nhân tại Trại giam số 6 của Bộ Công an (đứng chân trên địa bàn tỉnh Nghệ An).
Mỗi phạm nhân vào thụ án ở đây là một câu chuyện, một hoàn cảnh. Những ngày này, các phạm nhân có tên trong danh sách được đề nghị đặc xá đang mong ngóng từng giờ để được trở về bên gia đình, khép lại một khoảng tối trong quá khứ và mong muốn một tương lai tốt đẹp hơn.
Phạm nhân Nguyễn Văn Hữu N. cũng là một người trong số đó. Chấp hành án được 28 tháng/mức án 38 tháng với quá trình lao động cải tạo tốt, N được đề nghị xét đặc xá đợt này. Trước đây là một giáo viên tiểu học, nên trong quá trình thụ án, N được cán bộ trại giam động viên vào nhóm hỗ trợ các phạm nhân không biết chữ. Ngoài 2-3 buổi học trên lớp/tuần, hàng ngày mỗi buổi tối sau khi lao động cải tạo trở về buồng giam, anh lại tranh thủ thời gian, sát sao, tỷ mỷ hướng dẫn, hỗ trợ một số bạn tù chưa đọc thông, viết thạo.

Trước mỗi dịp đặc xá, cán bộ trại giam số 6 (Nghệ An) phổ biến cho các phạm nhân về quyền và nghĩa vụ đối với những người được đặc xá. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Sắp đến ngày đặc xá, N chia sẻ niềm mong mỏi lớn nhất hiện giờ là được về gặp gia đình và 2 cô con gái – niềm an ủi, tự hào lớn nhất, giúp anh có thêm nhiều động lực trong những ngày tháng cải tạo. Anh chia sẻ, mặc dù phạm phải sai lầm, nhưng ở nhà vợ vẫn hết mực nỗ lực chăm sóc gia đình, các con không vì điều tiếng, khó khăn mà bê trễ việc học hành.
“Con gái lớn mới tốt nghiệp loại xuất sắc đại học ngành tài chính ngân hàng. Còn con gái thứ hai đạt học sinh giỏi cấp tỉnh trung học phổ thông” - N vừa khoe, vừa rưng rưng nước mắt. Anh mong từng ngày để trở về với gia đình, sửa chữa những lỗi lầm và cố gắng không bao giờ quay trở lại con đường vi phạm pháp luật nữa.
Để chuẩn bị tốt nhất cho những phạm nhân trở về hòa nhập cộng đồng, Thiếu tá Trần Anh Quế (tổ trưởng tổ giáo dục, y tế và môi trường của Trại giam số 6) cho biết: Với những phạm nhân trong diện xét đặc xá, trại giam đã tổ chức chương trình cho phạm nhân học tập về kỹ năng sống, pháp luật, đạo đức trước khi về hòa nhập với xã hội, cộng đồng. Trong quá trình học tập, các phạm nhân đều chú ý lắng nghe, tiếp thu các nội dung, ý kiến truyền đạt và thấy được những giá trị, ý nghĩa của các nội dung.
Trở về với gia đình
Điều kiện đặc xá năm nay có những điểm mới hơn so với năm 2024, nếu như trước đây phạm nhân phải chấp hành ít nhất là 1/2 mức án và mức án còn lại không quá 6 năm mới được xem xét đặc xá thì nay mở rộng hơn, phạm nhân chỉ cần chấp hành ít nhất 1/3 mức án, mức án còn lại không quá 8 năm. Đối với các trường hợp đặc biệt, phạm nhân phạm tội tuổi vị thành niên; phạm nhân phạm tội từ 70 tuổi trở lên; phạm nhân mắc bệnh hiểm nghèo; người có công với cách mạng… thì mức án chấp hành ít nhất là 1/4 thời hạn cũng sẽ được xem xét đề nghị đặc xá. Điều kiện quan trọng nhất để được xét đặc xá đó là phạm nhân phải có tất cả các quý xếp loại đều đạt khá trở lên.
Phạm nhân Lê Thị T (sinh năm 1984, quê Thanh Hóa) bị tuyên mức án 90 tháng tù về tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hiện đã thụ án hơn 30 tháng, chị không giấu nổi niềm vui đặc biệt khi được đề nghị đặc xá đợt này.
“Như là một giấc mơ. Mới chấp hành được 1/3 mức án, em cũng chưa dám nghĩ đến việc được sớm trở lại với gia đình. Niềm vui này đến với em khi điều kiện đặc xá năm nay đã mở rộng đối tượng” – Lê Thị T chia sẻ.
Đây là chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước, nhưng theo chị Lê Thị T, ngay từ những ngày đầu vào trại, các phạm nhân như chị cần phải chấp hành nghiêm các nội quy, quy định nơi giam giữ, chấp hành bản án, phải ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả của mình gây ra… cố gắng lao động, cải tạo tốt để khi đủ điều kiện, có thể hưởng chính sách khoan hồng.

Cán bộ trại giam số 6 (Nghệ An) phổ biến, tư vấn về chính sách nhân đạo, khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với người phạm tội bị kết án phạt tù. Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN
Thiếu tá Nguyễn Tiến Dũng (Phó Giám thị Trại giam số 6 Bộ Công an) cho biết: Ngay từ khi các phạm nhân vào trại, chúng tôi đều tuyên truyền, giáo dục, hướng các phạm nhân chấp hành các nội quy, quy định nơi giam giữ để được đề nghị đặc xá, giảm án, tha tù trước thời hạn. Hàng tháng, hàng quý các phạm nhân được đánh giá, xếp loại về quá trình cải tạo, trên cơ sở đó, khi có thông báo về đặc xá, chúng tôi sẽ xét duyệt công khai từng trường hợp, xem ai đủ điều kiện thì cho họ viết đơn đề nghị đặc xá. Các tổ, đội sẽ tổ chức bỏ phiếu kín, bình bầu các trường hợp đặc xá, không để sót lọt phạm nhân đủ điều kiện mà không được đặc xá...
Đến thời điểm này, trại giam đã nghiêm túc triển khai thực hiện, hoàn thành danh sách và hồ sơ của những phạm nhân đủ điều kiện được đề nghị đặc xá nhân dịp này.
Để đảm bảo chế độ, chính sách cho các phạm nhân được xét đề nghị đặc xá, Trại đã mở các lớp học tái hòa nhập cộng đồng, tư vấn pháp luật cho phạm nhân về việc chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật và nội quy cơ sở giam giữ trong thời gian chờ Hội đồng Tư vấn đặc xá Trung ương xét duyệt; phối hợp với Công an tỉnh tổ chức cấp căn cước cho phạm nhân.