Đặc tính 'kiên cường' của cây sam hương giữa biển khơi Phú Quý

Đối với người dân đảo Phú Quý, sam hương đã trở thành loại cây thân thuộc, có ý nghĩa vật chất, tinh thần và cùng đồng hành với họ qua mưa giông, bão tố.

Giá trị vật chất tinh thần

Nếu như có dịp đặt chân lên đảo Phú Quý và muốn tìm hiểu về các loại cây bản địa đặc trưng, thì du khách sẽ được người dân nơi đây giới thiệu ngay các loại cây như dứa dại, ngũ trảo… đặc biệt không thể thiếu một loại – đó là cây cách (hay còn gọi là cách tiêu, sam hương). Dù chỉ là loài cây mọc hoang, nhưng cây cách lại có giá trị về mặt vật chất và tinh thần rất lớn đối với người dân đảo Phú Quý. Du khách có thể dễ dàng bắt gặp hình ảnh cây cách được trồng làm hàng rào, khuôn viên nhà được cắt tỉa, xanh mướt rất đẹp. Ngoài ra người dân còn lựa chọn các gốc cách, có thế dáng đẹp làm cây bon sai trưng bày trong khuôn viên các công sở, khách sạn và mặt tiền nhà nhìn rất đẹp. Với đặc tính thích nghi tốt với khí hậu khắc nghiệt, nắng, gió biển kể cả khô hạn, nên cây cách mọc ven theo bờ biển, các ghềnh đá rất nhiều đã góp phần phòng chống xói lở, chắn gió rất hiệu quả.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trồng cây cách tại khu vực bờ kè Bãi Lăng, xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý.

Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch trồng cây cách tại khu vực bờ kè Bãi Lăng, xã Ngũ Phụng, huyện đảo Phú Quý.

Ông Trần Văn Hải (người dân xã Tam Thanh) chia sẻ, chưa ai biết cây cách có mặt ở đảo Phú Quý bao giờ, do ai đem ra trồng, chỉ biết nó dường như gắn liền và đồng hành với đời sống người dân trên đảo, cùng trải qua nắng mưa, bão tố vẫn hiên ngang. Đối với một số cây trồng khác có thể thay đổi quá trình sinh trưởng do ảnh hưởng thời tiết khắc nghiệt theo mùa nắng gió, mưa bão. Riêng cây cách thì mọi thời tiết đều có thể thích nghi, nhất là thời tiết càng khắc nghiệt, cây cách càng có sức sống mãnh liệt tươi tốt và đẹp hơn.

Giữ gìn, phát huy cây bản địa

Để bảo vệ môi trường đảo Phú Quý, nhất là việc nhân rộng rừng, tạo mảng xanh, những năm qua công tác trồng cây xanh luôn được huyện đảo quan tâm. Cách đây không lâu, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với huyện Phú Quý đã trồng 1.000 cây xanh nhằm hưởng ứng chương trình trồng 1 tỷ cây xanh của Thủ tướng Chính phủ phát động. Các loại cây được lựa chọn trồng quanh đảo cũng chủ yếu là cây cách. Việc phát động trồng cây xanh, bảo vệ môi trường thời gian qua đã góp phần đưa Phú Quý hôm nay thành một điểm đến hấp dẫn, có cuộc sống hài hòa với thiên nhiên và đây cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong quy hoạch phát triển du lịch Phú Quý.

Cây cách được rất nhiều bạn trẻ đến check in khi đặt chân ra đảo Phú Quý du lịch.

Cây cách được rất nhiều bạn trẻ đến check in khi đặt chân ra đảo Phú Quý du lịch.

Nói về giá trị của cây cách, ông Lê Hồng Lợi - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Phú Quý cho biết: Cách tiêu là một loại cây bản địa đặc trưng của huyện Phú Quý, có sức sống mãnh liệt, có thể sinh trưởng, sinh tồn trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt, phù hợp trong việc trồng để bảo vệ biển, đảo. Trong quá trình trồng, chăm sóc tại huyện đảo, người dân phát hiện đặc tính thú vị của cây cách là khi mùa gió mạnh lá cây sẽ dày hơn dường như là để chống chọi, riêng trời nắng, không có nước, chỉ cần hơi nước biển thôi, loại cây này cũng sẽ sống mãnh liệt.

“Mới đây nhân chuyến công tác tại đảo Phú Quý của lãnh đạo Vùng 4 Hải quân, khi nghe chia sẻ về khó khăn trong việc trồng cây xanh giữ đất, che chắn gió trên đảo Trường Sa, chúng tôi đã nghĩ ngay đến cây cách, bởi khí hậu của đảo Phú Quý có nét tương đồng với huyện đảo Trường Sa. Do đó huyện đã phát động đoàn viên thanh niên ươm trồng và tặng cho huyện đảo Trường Sa 3.000 cây cách để trồng phủ xanh các đảo nhỏ, bãi bồi trên khu vực đảo Trường Sa”, ông Lợi chia sẻ.

Bên cạnh hoạt động trồng cây, nâng cao ý thức của người dân và du khách trong việc bảo vệ môi trường, bảo vệ bờ biển, để xây dựng huyện đảo Phú Quý trở thành điểm đến hấp dẫn xanh - sạch - đẹp, huyện đảo Phú Quý cũng hạn chế việc người dân khai thác quá mức loại cây này cho việc làm kiểng, nhất là tại các khu vực trọng yếu, có khả năng sạt lở. Đồng thời tuyên truyền cho người dân nắm rõ về tầm quan trọng của việc trồng, phát triển rừng nói chung các loại cây bản địa nói riêng trong việc đa dạng sinh học, giữ gìn nguồn nước ngọt, cũng như bảo vệ phát triển bền vững biển, đảo… Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Quý cho biết thêm.

PHÚC SINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/dac-tinh-kien-cuong-cua-cay-sam-huong-giua-bien-khoi-phu-quy-124028.html
Zalo