Đặc sản 'tôm leo cây' lạ miệng ở Lạng Sơn, khách sành ăn khen ngon hơn thịt ếch

Mặc dù có vẻ ngoài kém hấp dẫn nhưng 'tôm leo cây' được xem như đặc sản nức tiếng ở tỉnh Lạng Sơn, lúc cao điểm có giá lên tới nửa triệu đồng/kg vẫn hút khách thưởng thức.

Tôm rừng là loại côn trùng có hình dáng khá giống tôm, kích thước nhỏ, cỡ bằng ngón tay út người lớn. Chúng được tìm thấy ở khu vực rừng sâu thuộc một số tỉnh như Bắc Giang, Nghệ An,… nhưng nhiều và phổ biến nhất là ở Lạng Sơn.

Tôm rừng có phần chân dài tựa như con cào cào, đầu nhỏ và ít râu hơn tôm thường, toàn thân màu xám trong.

Tôm rừng sống trong các hốc cây to, hang đá rộng, nơi cây cối rậm rạp và ẩm ướt. Chúng thường tụ tập theo bầy, nhìn từ xa trông như tổ ong. Ảnh: Thợ rừng

Ngoài hình dáng kỳ dị, loại côn trùng này còn ưa sống ở những nơi có khí hậu ẩm ướt, cây cối rậm rạp và chủ yếu trú trong các hang đá, hốc cây to ở rừng sâu nên còn được người dân gọi vui là tôm bay, tôm leo cây.

Theo người dân địa phương, tôm rừng ban đầu là món ăn dân dã của bà con dân tộc Tày, Nùng ở Lạng Sơn, song dần được thực khách biết đến và tìm mua vì hương vị lạ miệng, thơm ngon, khó hòa lẫn.

Chị Nông Hoa – một đầu mối chuyên cung cấp đặc sản miền núi ở huyện Cao Lộc (tỉnh Lạng Sơn) cho biết, tôm rừng có quanh năm nhưng thời điểm chúng xuất hiện nhiều và đạt chất lượng nhất là vào mùa mưa rào, khoảng tháng 6-7 âm lịch.

Lúc này, người địa phương vượt đường xa, di chuyển tới các khu rừng sâu để bắt tôm rừng, đem về bán cho các nhà hàng, quán nhậu hay vận chuyển tới Hà Nội, phục vụ khách sành ăn.

“Chỉ những người thợ đi rừng giỏi và có nhiều kinh nghiệm mới bắt được tôm rừng. Loài này rất thính và khôn, lại không có cánh nên chỉ cần thấy người hay nghe tiếng động nhẹ là bật nhảy tán loạn”, chị Hoa nói.

Việc bắt tôm rừng tốn nhiều công sức nên chúng có giá khá cao, song vẫn hút khách tìm mua. Ảnh: Lâm Tinh

Việc bắt tôm rừng tốn nhiều công sức nên chúng có giá khá cao, song vẫn hút khách tìm mua. Ảnh: Lâm Tinh

Để bắt tôm rừng, người ta phải dùng vợt chuyên dụng và xử lý nhanh, khéo léo bằng cách luồn cành cây hoặc que dài vào nơi tôm rừng trú ngụ rồi nhẹ nhàng lùa chúng ra ngoài.

Một người đứng lùa, một người khác cùng lúc phải căng mắt tập trung, thấy tôm rừng xuất hiện là chộp ngay. “Nếu không khéo thì không thể bắt được hết tổ, thậm chí khiến tôm rừng bật nhảy khắp nơi.

Vì việc săn bắt kỳ công nên tôm rừng được bán với giá khá cao, khoảng 300.000-400.000 đồng/kg. Lúc cao điểm, giá loại côn trùng này có thể lên tới nửa triệu đồng mỗi cân”, chị Hoa chia sẻ thêm.

Món ăn từ tôm rừng hấp dẫn thực khách. Ảnh: Bảo An

Món ăn từ tôm rừng hấp dẫn thực khách. Ảnh: Bảo An

Ở Lạng Sơn, tôm rừng có thể chế biến thành nhiều món ăn nhưng phổ biến và được ưa chuộng hơn là rang với lá gừng (hoặc lá mắc mật, lá chanh).

Trước khi nấu, tôm rừng phải được sơ chế kỹ. Sau đó, người ta cắt bớt phần chân phía dưới của chúng đi vì bộ phận này vốn chỉ có xương, không thịt.

Tôm rừng làm sạch, để ráo nước rồi cho vào rang cùng chút mỡ lợn hoặc dầu ăn, nêm mắm muối tùy khẩu vị. Khi rang gần chín, đầu bếp mới thêm lá gừng thái nhỏ, đảo đều tay.

Để món ăn thơm ngon hơn, người địa phương thường rang tôm rừng với mỡ lợn, sử dụng chảo gang và nấu trên bếp củi với mức lửa vừa. Khi thấy tôm rừng có màu vàng ngả nâu, dậy mùi thơm tức là món đã chín, có thể thưởng thức.

Những ai có cơ địa dễ dị ứng cần cẩn trọng, cân nhắc trước khi thưởng thức món ăn từ tôm rừng. Ảnh: Lam Thi Tinh

Những ai có cơ địa dễ dị ứng cần cẩn trọng, cân nhắc trước khi thưởng thức món ăn từ tôm rừng. Ảnh: Lam Thi Tinh

Chị Hồng Hạnh (Hà Nội) từng có dịp trải nghiệm món tôm rừng rang lá gừng ở Lạng Sơn nhận xét, thoạt nhìn và nghe giới thiệu về nguyên liệu, chị có chút dè chừng nhưng khi thưởng thức rồi lại ngạc nhiên vì món ăn lạ miệng, thơm ngon.

“Sau 2 lần trải nghiệm, tôi thấy thích món đặc sản này và canh thời điểm vào mùa để đặt mua về chiêu đãi cả nhà cùng thưởng thức. Tôm rừng khá chắc thịt, nhất là phần đùi. Khi ăn, tôi thấy có độ dai và ngon hơn thịt gà đồi, thịt ếch”, chị bày tỏ.

Dù tôm rừng được xem như đặc sản hút khách, là món nhậu khoái khẩu của nhiều người sành ăn nhưng không phải ai cũng có thể thưởng thức, đặc biệt với người có cơ địa dễ dị ứng.

Để đảm bảo an toàn, những thực khách lần đầu trải nghiệm món ăn từ tôm rừng chỉ nên nếm thử miếng nhỏ. Nếu thấy cơ thể ổn định, không có biểu hiện dị ứng thì có thể ăn tiếp.

Thảo Trinh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/dac-san-tom-leo-cay-la-mieng-o-lang-son-khach-sanh-an-khen-ngon-hon-thit-ech-2366174.html
Zalo