Đặc sản cà phê dĩa, cơm thố chợ Bến Thành xưa
Chợ Bến Thành mở năm 1860. Khi chợ xuống cấp, ngôi chợ mới được mở năm 1914 tại vị trí đầm Bồ-rệt. Khu chợ cũ bị giải tỏa nhưng gian bán thịt được giữ lại, thành chợ Cũ đến nay.
Từ gian thịt được giữ lại nhưng đẩy ra phía sau, chợ Cũ hoạt động ngay vỉa hè đại lộ de la Somme (nay là Hàm Nghi) có mặt tiền rộng như ở đại lộ Charner. Vị trí mới này vừa có thể thông ra sông Sài Gòn lại vừa dễ dàng đi thẳng ra chợ Bến Thành mới cách đó vài trăm mét. Khi này, chợ Bến Thành cũ được người dân nói gọn thành chợ Cũ; còn chợ Bến Thành mới xây được gọi là chợ Mới.
Nhưng gian hàng thịt cuối cùng cũng bị giải tỏa. Tuy không có nhà lồng chợ, không có bảng tên và chỉ sống trên vỉa hè, vậy mà sức sống của chợ Cũ vẫn mãnh liệt đến mức “hùng cứ” cả hai con đường Tôn Thất Đạm và Hồ Tùng Mậu. Thậm chí phạm vi của chợ còn “mon men” ra tới Hải Triều, Pasteur...
Ngoài những mặt hàng phổ thông, trong khi chợ Mới có thế mạnh về thực phẩm thì chợ Cũ còn khai thác thêm chuyện ăn uống. Vốn là khu vực sinh sống lâu đời của cư dân gốc Quảng Đông, chợ Cũ có nền ẩm thực Trung Hoa phong phú không hề thua kém hàng quán ở Chợ Lớn. Vì thế, chợ Cũ dễ dàng trở thành địa điểm ẩm thực không thể thiếu không chỉ của dân Sài Gòn mà còn của dân Nam kỳ lục tỉnh nếu có dịp đến thành phố.
Gian hàng thịt còn sót lại khi xưa nhanh chóng “hóa thân” thành nhiều tiệm thịt quay bánh mì với da giòn, ngọt vị mật ong nhưng thịt rất mềm… lừng lẫy cho đến ngày nay. Chưa hết, còn những món cao lầu chợ Cũ, cà phê dĩa, hủ tiếu, bánh mì xíu mại... Có ai người Sài Gòn nghe nhắc đến mà không muốn lập tức ghé ăn?
Trong đó, hai món “tuyệt chiêu” nhất nhưng lại “rẻ rề” của khu chợ Cũ này là cơm thố và cà phê dĩa.
Trước năm 1975, nhiều hôm chủ nhật mấy thằng con nít chúng tôi được gia đình đưa đi Sở Thú chơi sau khi ghé chợ Cũ ăn đã đời. Ở chợ Cũ, đám nhỏ chúng tôi há hốc mồm khi thấy hàng trăm vị khách ngồi chồm hổm trên ghế. Khi ly cà phê nóng hổi bưng ra trên dĩa, mấy vị khách từ “thầy Hai” (công chức, trí thức) cho đến ông ba gác, đạp xích lô, thợ thuyền… đổ ra dĩa, thổi cho bớt nóng và... húp.
Mùi cà phê nóng bay ngập, khách ngồi bên nhau chật chội có lẽ đã thành ký ức khó quên của người Sài Gòn về ngôi chợ này.
Còn cơm thố đựng trong các thố men hoa xanh nước biển, hấp trong chiếc xửng nhiều tầng bằng tre ăn với cá kho khô, canh cải bẹ nấu với cá thác lác ở mấy quán góc Tôn Thất Đạm - Hàm Nghi (hiện còn một quán trên đường Tôn Thất Đạm).
Mỗi thố chừng một chén cơm nhỏ nên có ông chạy ba gác ăn một lần năm, sáu thố. Dân có tiền thì chỉ ăn một, hai thố nhưng thay vì kêu cá kho khô thì kêu gà nướng, bồ câu quay, cá hấp... Giàu nghèo gì cũng ngồi cạnh nhau ăn rất bình thường, chuyện trò với nhau rôm rả.
Hơn 200 năm có mặt trên đất Sài Gòn, chợ Bến Thành đã bao phen long đong, dời đổi, thậm chí có lúc tưởng đã không còn. Nhưng rồi ngôi chợ ấy lại hồi sinh mạnh mẽ, dù sống trên vỉa hè mà vẫn tồn tại cho đến nay.