Đặc sắc phiên chợ 'mua may, bán rủi' đầu Xuân tại Nam Định

Đã thành truyền thống, cứ vào các ngày mùng 7 và mùng 8 tháng Giêng, du khách thập phương lại nô nức về Nam Định trẩy hội chợ Viềng Xuân. Phiên chợ cầu may 'năm có một phiên' được tổ chức tại các huyện: Vụ Bản, Nam Trực mang đậm sắc thái văn hóa độc đáo của nền văn minh nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ, hàm nghĩa 'mua may, bán rủi' trở thành địa chỉ du Xuân hấp dẫn người dân trong dịp đầu năm mới.

Người dân chọn mua các sản phẩm cây giống tại chợ Viềng Xuân Vụ Bản.

Người dân chọn mua các sản phẩm cây giống tại chợ Viềng Xuân Vụ Bản.

Chợ Viềng Vụ Bản, còn được gọi là chợ Phủ vì chợ gắn với Quần thể di tích Phủ Dầy, xã Kim Thái - nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Tương truyền, chợ Viềng Xuân Vụ Bản ra đời từ khi nghĩa quân Quang Trung trên đường trở về Thanh Hóa dừng chân tại địa phận Phủ Dầy ăn mừng chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa. Nghĩa quân đã nhờ người dân sửa sang tư trang, rèn lại vũ khí, đồng thời loan báo chiến thắng cho bà con trong vùng. Biết tin nghĩa quân đại thắng, người dân đã mang thịt trâu, bò đến khao quân, tổ chức ăn mừng. Từ đó, cứ đến đêm mùng 7, rạng sáng mùng 8 tháng Giêng hàng năm, nhân dân địa phương lại họp chợ để tưởng nhớ tích xưa. Sản phẩm bày bán tại chợ cũng vì thế mà đa dạng, phong phú, tạo nên sự nhộn nhịp, náo nhiệt của một phiên chợ đầu Xuân, nhưng là phiên chợ đặc biệt, ai có gì mang đến chợ bán để góp vui: cuốc, xẻng, nông cụ cầm tay đến đồ dùng gia đình bằng kim loại; các sản phẩm đồ đồng, đồ bạc của các làng nghề đúc kim loại truyền thống nổi tiếng; các sản phẩm bằng mây tre đan; các loại hoa, cây cảnh, cây thế; các gian hàng đồ cổ, đồ cũ và thực phẩm thịt bò thui - một đặc sản nổi tiếng của huyện Vụ Bản. Trong đó, các sản phẩm cây giống và nông cụ là những mặt hàng được nhiều người chọn mua, thể hiện cho ước muốn từ lâu đời của cư dân nông nghiệp là mưa thuận gió hòa, cây cối tươi tốt, mùa màng bội thu. Tại không gian chợ Viềng Xuân Vụ Bản, các gian hàng cây giống, cây ăn quả, cây cảnh chiếm đa số và là mặt hàng bán chạy nhất. Hàng hóa góp mặt ở chợ chủ yếu được người dân tại các huyện trong tỉnh Nam Định và một số tỉnh như: Thái Bình, Hà Nam, Hưng Yên… mang tới. Với tâm lý “mua may, bán rủi” nên người bán hàng thường đưa ra giá vừa phải, không đặt nặng yếu tố lợi nhuận. Khác với những phiên chợ quê thông thường, chợ Viềng Xuân Vụ Bản còn mang ý nghĩa tâm linh bởi không gian tổ chức chợ thuộc khu vực Quần thể di tích Phủ Dầy - một trung tâm tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt tại Nam Định. Người dân chơi chợ còn tham gia các hoạt động lễ Mẫu, tham quan, vãng cảnh đền, chùa, phủ, miếu, mang đậm tính chất vui Xuân và mang nhiều sắc thái văn hóa dân gian, sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng cộng đồng đặc sắc.

Nhiều sản phẩm đồ đồng có giá trị được bày bán tại chợ Viềng Xuân Nam Trực.

Nhiều sản phẩm đồ đồng có giá trị được bày bán tại chợ Viềng Xuân Nam Trực.

Cũng giống như chợ Viềng Xuân Vụ Bản, chợ Viềng Xuân Nam Trực còn được gọi là chợ Chùa vì chợ được tổ chức trong không gian văn hóa tâm linh với ngôi cổ tự lớn - Chùa Đại Bi thờ Phật và Thiền sư Từ Đạo Hạnh cùng các cơ sở thờ tự liên đới khác như: Đền Giáp Ba, Đền Giáp Tư. Chợ Viềng Xuân Nam Trực được ví như một cuộc triển lãm kinh tế - xã hội, là dịp để người dân ở các vùng quê trong và ngoài tỉnh quảng bá sản phẩm làng nghề truyền thống, mang đặc trưng riêng, được kết tinh từ đôi bàn tay, khối óc của các thế hệ người dân. Tiêu biểu là những sản phẩm làng nghề hàng trăm năm tuổi như: làng hoa cây cảnh Vị Khê với hàng trăm loài hoa quý, quất nguyên thủy, cây cảnh, cây thế, cây bon-sai, cây giống; các sản phẩm đồ đồng đến từ làng nghề đúc đồng Đồng Quỹ; các sản phẩm đồ sắt của làng nghề rèn Vân Chàng… cùng với sự góp mặt của nhiều gian hàng thủ công mỹ nghệ của các làng nghề nổi tiếng đến từ các tỉnh, thành phố trong cả nước. Đến với chợ Viềng Xuân Nam Trực, du khách thập phương ngỡ ngàng trước khoảng không gian rộng lớn, nơi diễn ra cảnh mua bán, trao đổi đồ cổ, giả cổ với hàng nghìn mặt hàng đồ đồng, đồ đá, đồ gỗ, đồ gốm, sứ như: đồ thờ tự, đồ trang trí, đồ dùng gia dụng... Về ẩm thực tại chợ, thịt bò thui, khoai lang lim, lạc vỏ lụa, kẹo lạc Thượng Nông… được nhiều người chọn mua; đặc biệt là phở bò Vân Cù - món ăn truyền thống, đặc sản ẩm thực nổi tiếng của Nam Định cũng được nhiều du khách thưởng thức. Phiên chợ náo nhiệt bởi tiếng người mua, người bán, tiếng chúc tụng nhau nhân dịp đầu Xuân mới. Đa phần các gian hàng bày bán tại chợ Viềng Xuân Nam Trực là của người dân địa phương hoặc ở một số tỉnh, thành lân cận với những mặt hàng của gia đình mang đi chợ để bán lấy may. Còn người mua với chuyến xuất hành đầu năm, ai cũng mong được “mua lộc, rước may” về nhà nên cũng không nhiều người mặc cả. Bên cạnh ý nghĩa của phiên chợ cầu may, chợ Viềng Xuân Nam Trực còn mang sắc thái của ngày hội Xuân bởi đến với chợ, du khách được tham gia các trò chơi dân gian, các môn nghệ thuật truyền thống như: chọi gà, đánh đu, cờ người, cờ tướng, đấu vật, múa rối cạn, rối nước, xin chữ, nặn tò he, múa sư tử, múa rồng - nét đẹp văn hóa tinh thần của cư dân nông nghiệp. Chợ Viềng Xuân Nam Trực với không gian mở, người dân và du khách đến chợ còn có dịp đi chùa lễ Phật, vào đền lễ Thánh cầu mong sức khỏe, may mắn, hạnh phúc và bình an trong cuộc sống, tìm hiểu về lịch sử làng xã truyền thống với những tên làng cổ: Giáp Nhất, Giáp Nhì, Giáp Ba, Giáp Tư ở thị trấn Nam Giang.

Với những ý nghĩa lịch sử, văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, những phiên chợ Viềng Xuân tại Nam Định theo thời gian đã trở thành di sản văn hóa tinh thần vô cùng quý báu của vùng đất và người dân các địa phương luôn được gìn giữ, kế thừa và phát huy. Một mùa Xuân mới lại về, chợ Viềng Xuân Nam Trực, Vụ Bản đã trở thành địa chỉ du Xuân đặc sắc, đem đến niềm vui, tạo hứng khởi, động lực tinh thần cho mọi người trong năm mới.

Bài và ảnh: Khánh Dũng

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202502/dac-sacphien-cho-mua-may-ban-rui-dau-xuan-tai-nam-dinh-c5114d2/
Zalo