Đặc sắc nghệ thuật trang trí cây nêu của đồng bào Co

Trong tâm thức của đồng bào dân tộc Co, cây nêu không chỉ thể hiện nghệ thuật điêu khắc tinh xảo của người nghệ nhân, mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Nó được xem là cầu nối thần diệu giữa đất và trời, là sự kết nối vô hình giữa con người với thần linh nhằm truyền tải những mong muốn, ước nguyện của dân làng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, thể hiện khát vọng vươn tới cuộc sống tốt đẹp. Chính vì vậy, cây nêu của dân tộc Co là linh vật gắn với lễ hội truyền thống, biểu tượng văn hóa, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Mọi hoạt động, nghi lễ, diễn xướng dân gian của người Co đều diễn ra chung quanh cây nêu.

Bà con dân tộc Co tổ chức lễ rước linh vật là bộ Gu và cây nêu. Ảnh: Thủy Lê

Bà con dân tộc Co tổ chức lễ rước linh vật là bộ Gu và cây nêu. Ảnh: Thủy Lê

Linh vật của đồng bào Co

Người Co là một tộc người cư trú rải rác ở các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk và thành phố Huế. Trong đó, tập trung đông nhất ở huyện Trà Bồng thuộc vùng Tây Bắc của tỉnh Quảng Ngãi và huyện Bắc Trà My của tỉnh Quảng Nam.

Cũng như nhiều dân tộc ở vùng Trường Sơn, trong các lễ hội của người Co, việc quan trọng hàng đầu là phải làm bộ Gu và cây nêu (glấk). Bộ Gu dùng để trang trí trong nhà, còn cây nêu thường dựng ngoài sân. Đây là hai linh vật quan trọng nhất không chỉ trang trí làm đẹp cho không gian lễ hội, mà còn mang ý nghĩa tâm linh sâu sắc. Nơi đồng bào gửi gắm niềm tin và ước vọng vào mỗi hình tượng, hoa văn được khắc vẽ trên cây nêu, thể hiện sinh động thế giới quan sơ khai, nhân sinh quan hồn nhiên của cộng đồng tộc người.

Ông Hồ Ngọc An, một nghệ nhân làm cây nêu nổi tiếng hiện đang sống ở thôn 2, xã Trà Thủy, huyện Trà Bồng cho biết, trong đời sống hằng ngày của tộc người Co ở huyện vùng cao Trà Bồng, cây nêu luôn chiếm vị trí quan trọng, thể hiện sự sinh sôi nảy nở, là linh vật thiêng liêng kết nối với thần linh, thường gắn liền với hoạt động nghi lễ trong các lễ hội mừng lúa mới, cầu mưa, lập làng hay trong các lễ hội truyền thống, mừng đám cưới... Cây nêu không những truyền tải khát vọng vươn tới cuộc sống ấm no, an lành, hạnh phúc, mà nó còn là một sản phẩm mỹ thuật thể hiện tài nghệ trang trí, điêu khắc của nghệ nhân dân gian người dân tộc Co.

Cây nêu của người Co thường có nhiều loại, ứng với mỗi sinh hoạt văn hóa xã hội khác nhau, như: nêu phướn (xa glấk), nêu thượng (xa cô), nêu xa cóh, nêu lá (xa xje), nêu bắp chuối (cót kjá), nêu dù (gâk đlu), nêu đu đủ (pa lay đu)... Trong các loại cây nêu, nêu phướn được dựng vào ngày Tết Ngã rạ (cao khoảng 10 - 15m), là loại nêu tròn có hình vẽ hoa văn đẹp nhất, cầu kỳ nhất. Đồng bào gọi là nêu phướn vì có đan lá phướn treo từ đỉnh nêu thòng xuống, có đẽo hình chim chèo bẻo treo trên đầu nêu.

Cây nêu thượng giống như nêu phướn, nhưng không có lá phướn. Nêu lá làm từ cây chò, chặt về để nguyên lá, không khắc vạch hoa văn, đầu nêu không có hình chim chèo bẻo. Nêu bắp chuối là cây nêu dựng trong lễ cúng ông bà, cao khoảng 6m, đầu nêu có hình bắp chuối chỉa thẳng lên trời. Nêu dù là cây nêu dùng trong lễ ăn trâu cúng giải hạn, cao độ 5m, có tán như cái dù (lọng) và có hình tia mặt trời trên đỉnh nêu. Loại nêu này chỉ thấy có ở vùng người Cor Đường Rừng. Nêu đu đủ là cây nêu tạo dựng trong lễ ăn trâu để cầu an và cầu phước lộc, cao trên 4m, đỉnh nêu có tia mặt trời, gần đỉnh có những quả đu đủ điêu khắc bằng gỗ.

Một công trình nghệ thuật

Theo các nghệ nhân và già làng ở huyện Trà Bồng, làm cây nêu có rất nhiều công đoạn, phần việc, đòi hỏi nhiều người cùng đóng góp công sức, thời gian, sự khéo léo, tài năng nghệ thuật. Để làm được cây nêu đẹp, đúng, thời gian chuẩn bị khoảng một tháng và cần sự tham gia của ít nhất 10 người. Theo truyền thống của đồng bào Co, khi làm cây nêu, thanh niên sẽ đảm nhận nhiệm vụ lên rừng lấy các loại cây; phụ nữ đập thân cây làm tua hoa, xỏ cườm; còn các nghệ nhân, già làng sẽ tạo hình, vẽ hoa văn...

Nghi thức dâng lễ vật dâng cúng thần linh dưới gốc cây nêu. Ảnh: Thủy Lê

Nghi thức dâng lễ vật dâng cúng thần linh dưới gốc cây nêu. Ảnh: Thủy Lê

Người nghệ nhân dân gian muốn hoàn thành được cây nêu đẹp hoàn hảo thì công đoạn quan trọng nhất chính là chọn được cây gỗ có thân thẳng, tròn, đúng kích thước, chiều cao; khi vẽ hình phải đều, đẹp, màu không bị lem. Được biết, cách lễ hội khoảng một tháng, những thanh niên người Co khỏe mạnh, khéo léo trong làng sẽ vào rừng đi tìm cây thân gỗ để làm cây nêu. Cây nêu cũng có thể từ cây chò, mọc thẳng, không bị dây bò quấn hoặc bị kiến đục lỗ trên thân. Sau khi đã chọn được cây gỗ thẳng, đúng kích thước mang về, các già làng và nghệ nhân trong làng bắt tay vào chế tác làm cây nêu. Cây nêu được trang trí thành 3 phần: đế, thân và ngọn. Thông thường, cây cao khoảng từ 5-15m và trang trí với họa tiết, hoa văn, màu sắc gần gũi thiên nhiên và con người, bao giờ nó cũng được dựng vào buổi sáng sớm.

Khắp chiều cao cây nêu được vẽ những dải hoa văn với ba màu truyền thống: đỏ, đen, trắng, kết hợp với tạo hình mâm thần, gu thần, đơm cá, lá phướn. Đặc biệt, màu và tạo hình cây nêu đều sử dụng các sản phẩm từ tự nhiên như cỏ, cây, đá, vỏ ốc... Điểm đặc sắc trong tạo tác cây nêu là đồng bào thường sử dụng những con số lẻ 3-5-7-9 để trang trí. Vì người Co cho rằng, số lẻ là những con số may mắn. Trên đỉnh cây nêu cũng có gắn một con chim chèo bẻo, loài chim luôn bắt sâu, châu chấu, cào cào để bảo vệ cây lúa, bởi đồng bào coi đây là chim trời do thần linh phái xuống giúp họ. Chính vì thế, người Co không bao giờ săn bắt hay ăn chim chèo bẻo.

Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, cây nêu đã in sâu vào trong tiềm thức mỗi người dân đồng bào dân tộc Co. Nhìn cây nêu, người ta thấy ngay được bàn tay khéo léo, óc sáng tạo tuyệt vời của những nghệ nhân dân gian dân tộc Co làm nên những bức tranh nghệ thuật sinh động và qua đó, thể hiện khát vọng về một cuộc sống bình an, hạnh phúc, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, cây cối đầm chồi nảy lộc trên dãy Trường Sơn hùng vĩ.

Cây nêu của dân tộc Co là linh vật gắn với lễ hội truyền thống, biểu tượng văn hóa tộc người, mang nhiều giá trị nhân văn sâu sắc. Với ý nghĩa đó, ngày 9/8/2024, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Quyết định số 2323/QĐ-BVHTTDL công nhận “Nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co” huyện Trà Bồng, tỉnh Quảng Ngãi là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Tối 17/3 vừa qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Ngãi đã phối hợp UBND huyện Trà Bồng tổ chức Lễ đón nhận bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghệ thuật trang trí cây nêu của người Co, huyện Trà Bồng.

Thủy Lê

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/dac-sac-nghe-thuat-trang-tri-cay-neu-cua-dong-bao-co-post488062.html
Zalo