Đặc sắc mỹ tục 'xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ' ở Nam Định

Tục 'xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ, xông nhà' đêm giao thừa làng Gạo ở tỉnh Nam Định vừa được Bộ VHTT&DL công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Làng Kẻ Gạo (xã Thành Lợi, huyện Vụ Bản, tỉnh Nam Định) tên chữ là Cảo Linh, sau đổi thành Quả Linh, là một làng Việt cổ được hình thành từ thời Hùng Vương, gắn liền với sự tích 18 dòng họ về khai điền lập ấp.

Tại đây còn lưu giữ được nhiều phong tục tập quán, thuần phong mỹ tục và tín ngưỡng văn hóa dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Trong đó, tục xông đền, xông điện, xông nhà thờ (gọi tắt là xông nhà) vào đêm giao thừa là nét độc đáo riêng biệt của văn hóa làng Gạo.

 Người dân làng Gạo tham gia đoàn rước xông đền đêm giao thừa. Ảnh: TL

Người dân làng Gạo tham gia đoàn rước xông đền đêm giao thừa. Ảnh: TL

Nói đến văn hóa làng Gạo, trước hết phải nói đến lễ Chạp Tổ. Trong ngày Chạp Tổ, con cháu xa gần trở về từ đường, thành kính dâng lễ vật hương hoa tinh khiết, thực hiện nghi lễ tế Tổ theo các nghi thức truyền thống, ôn lại nguồn gốc của tổ tiên, các quy ước của dòng họ, làm lễ vào họ cho các cháu mới sinh.

Đặc biệt trong ngày Chạp Tổ, mỗi dòng họ sẽ lựa chọn người có đủ tiêu chuẩn để mở cửa (xông) nhà thờ trong đêm giao thừa đón năm mới.

Vào sáng 30 Tết, từng dòng người hối hả đi chợ mua sắm tấp nập, trang trí ban thờ và chuẩn bị mâm cơm cúng gia tiên, các gia đình tổ chức ra nghĩa trang thắp hương mời gia tiên về đón Tết cùng con cháu.

Chiều 30 Tết, gia đình người được xông nhà sắm sửa lễ đến các di tích kính cáo với Thành hoàng, tổ tiên xin được bao sái, trang hoàng nơi hành lễ và rước nhang án, nghi trượng về để chuẩn bị cho buổi rước.

Tối 30 Tết, anh em, họ hàng, làng xóm, bạn bè cùng nhau sang nhà người được mở xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ chúc mừng, cùng nhau uống nước và chuẩn bị mọi việc cho lễ rước. Các lễ vật được sử được chuẩn bị kỹ: hương, hoa, quả, gà, xôi, chè, rượu, cây vàng cây bạc, câu đối đỏ…

Đúng 21 giờ, sau hồi trống lệnh của làng, gia đình người được xông nhà mới bắt tay vào việc mổ gà, đồ xôi, nấu chè... chuẩn bị lễ vật cho đêm giao thừa.

Khoảng 23 giờ, đám rước bắt đầu. Cả làng có tới 20 đoàn rước xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ kéo dài nối tiếp nhau trên trục đường làng. Đi đầu là đoàn rước xông đền; xông điện, rồi lần lượt đến các đoàn rước xông nhà thờ họ.

Đi đầu mỗi đoàn rước là người rước đuốc, cờ, chiêng, trống, nhang án… Đoàn rước gồm có nhang án, đỉnh hương, cây vàng, cây bạc, mâm xôi gà, hoa, quả… do các thanh niên đầu chít khăn đỏ, mặc trang phục lễ hội rước. Người xông đền, xông điện vận lễ phục áo đỏ, đầu đội mũ cánh chuồn đi sau nhang án, phía sau là đoàn tế nam quan và nhân dân.

Ngọn đuốc đi đầu là ngọn lửa thiêng mang lại những điều tốt lành cho năm mới, là ngọn lửa soi đường chỉ lối cho 18 cụ Tổ về đây khai cơ lập ấp, là ngọn lửa xua tan màn đêm giá lạnh, xua đuổi thú dữ; vừa là ngọn lửa của tinh thần đoàn kết của dân làng, anh em dòng họ vượt qua khó khăn thử thách.

Trong khí đất trời hòa quyện, phảng phất mưa xuân, mùi hương trầm hòa cùng âm thanh của chiêng, trống, tiếng nhạc lưu thủy, ánh sáng của đuốc, đèn màu, đèn trời, tạo nên cảnh sắc riêng hiếm có, trong lòng mỗi người đều bồi hồi, trang nghiêm, thiêng liêng và ấm cúng về những ước nguyện tốt đẹp trong năm mới.

Giờ phút giao thừa sắp đến cũng là lúc các đoàn rước đến đền Đông, điện Đức Thánh Trần và các nhà thờ họ. Đúng thời phút thiêng liêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, tiếng trống điểm sang canh báo hiệu một năm mới bắt đầu, mọi người tiến vào mở cửa với lời chúc dâng lên Thành Hoàng, tổ tiên với ước nguyện một năm mới dân làng khỏe mạnh, nhà nhà ấm no, hạnh phúc.

Tại đền Đông, điện Đức Thánh Trần, người xông cùng đội tế nam quan thực hiện nghi lễ chúc Thánh, còn các từ đường dòng họ, người xông từ đường thực hiện các nghi lễ tế Tổ theo nghi thức truyền thống.

 Đoàn rước nhang án xông đền vào thời khắc giao thừa. Ảnh: TL

Đoàn rước nhang án xông đền vào thời khắc giao thừa. Ảnh: TL

Trong giờ phút thiêng liêng của năm mới, người người vui vẻ ngồi quây quần bên nhau, những câu chuyện làm ăn, những dự tính trong tương lai được đưa ra chân tình cởi mở, gác bỏ những khúc mắc trong năm cũ và hy vọng trong năm mới được ấm no, hạnh phúc.

Sau khi thực hiện các nghi lễ, người xông đền, xông điện, xông nhà thờ mừng tuổi những người tham gia đoàn rước để lấy may, lấy lộc cho cả năm và cùng nhau ngồi nhâm nhi chén rượu lộc, miệng tươi cười phấn khởi, cầu mong những điều tốt đẹp nhất cho bản thân và gia đình trong năm mới.

Khi thụ lộc xong, mọi người trở về gia đình xông nhà, thắp nén hương thơm thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân công đức của tổ tiên.

Có thể nói, tục xông đền, xông điện, xông nhà thờ họ là phong tục dân gian truyền thống được nhân dân làng Gạo duy trì, gìn giữ nguyên bản từ thế hệ này sang thế hệ khác, ăn sâu vào tiềm thức của mỗi người dân.

Đây là tục lệ có giá trị về lịch sử, thể hiện tấm lòng thành kính, tri ân công đức của nhân dân đối với 18 cụ Tổ có công khai nền lập ấp, vị Thành hoàng làng có công bảo vệ nhân dân, gắn với nền nông nghiệp trồng lúa nước truyền thống.

Bên cạnh đó, tục lệ mang nhiều giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc thể hiện truyền thống đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân địa phương đối với Trời đất, Thành hoàng và tổ tiên. Tục lệ này chứa đựng những giá trị tâm linh sâu sắc, về niềm tin, khát vọng vào một năm mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân khang vật thịnh, mọi điều tốt đẹp nhất đến với mọi người, đến với bản thân, gia đình vào năm mới.

Các hoạt động lễ nghi còn thể hiện tính cộng đồng làng xã, tinh thần đoàn kết vượt qua khó khăn, thử thách để bảo vệ và cùng nhau xây dựng gia đình, quê hương giàu mạnh.

Khánh Ngọc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/dac-sac-my-tuc-xong-den-xong-dien-xong-nha-tho-ho-o-nam-dinh-post326269.html
Zalo