Đặc sắc lễ hội văn hóa - du lịch Dinh Thầy Thím tại Bình Thuận

Lễ hội Dinh Thầy Thím từ lâu được coi là lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương, mà còn là di sản văn hóa chung của nhiều tỉnh, thành lân cận ở khu vực phía Nam.

Ngày 16/10, tại thị xã La Gi (tỉnh Bình Thuận) đã diễn ra Lễ hội văn hóa - du lịch Dinh Thầy Thím năm 2024. Hàng nghìn khách du lịch cùng người dân trong và ngoài tỉnh rộn ràng, phấn khởi khi tham gia lễ hội.

Đông đảo du khách hành hương

Diễn ra trong 3 ngày (16 - 18/10), lễ hội văn hóa - du lịch Dinh Thầy Thím năm 2024 được tổ chức trong không gian văn hóa đặc trưng, đậm nét dân gian với nhiều hoạt động đặc sắc. Đây là một trong 5 lễ hội văn hóa tiêu biểu được tỉnh Bình Thuận chọn để phục vụ phát triển du lịch của địa phương.

Lễ hội mang ý nghĩa lịch sử văn hóa, ghi khắc công đức của các bậc tiền nhân hơn 130 năm qua, trong đó có nhân vật Thầy Thím. Theo truyền thuyết, hai vợ chồng đạo sĩ được người dân địa phương gọi là Thầy Thím đã có nhiều công lao to lớn giúp đỡ dân nghèo bốc thuốc chữa bệnh, đóng ghe thuyền giúp ngư dân, khai hoang đồng ruộng…

Lễ nghinh Thần, rước Sắc Phong về đến Dinh Thầy Thím.

Lễ nghinh Thần, rước Sắc Phong về đến Dinh Thầy Thím.

Không gian lễ hội còn là nơi củng cố, tăng cường mối đoàn kết, tương thân tương ái trong cộng đồng dân cư; nâng cao ý thức về cội nguồn dân tộc, giá trị đạo đức, nhân cách sống, tinh thần hòa hợp để gắn kết các thành viên trong cộng đồng lại với nhau, hình thành nên một nếp sống cao đẹp và tình làng nghĩa xóm ngày càng bền chặt hơn.

Năm 1997, Dinh Thầy Thím được công nhận Di tích cấp Quốc gia. Năm 2022, Lễ hội văn hóa - du lịch Dinh Thầy Thím được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản Văn hóa phi vật thể quốc gia.

Lễ nghinh Thần, rước Sắc Phong về đến Dinh Thầy Thím.

Lễ nghinh Thần, rước Sắc Phong về đến Dinh Thầy Thím.

Lễ hội truyền thống đặc sắc

Trao đổi với PV Người Đưa Tin, ông Nguyễn Văn Hai, Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy thím cho biết, lễ hội có phần lễ là một chuỗi các nghi thức truyền thống như: Lễ nghinh Thần, rước sắc phong và bằng công nhận di tích, lễ nhập điện an vị, dâng cỗ bánh cúng Thầy Thím, giỗ Tiền Hiền và cúng binh gia,..

Phần hội gồm các trò chơi dân gian đậm nét miền biển như: trò chơi khiêng thúng ra khơi, hội thi gánh cá, đan lưới, kéo co, thi đấu cờ người, làm bánh… Ngoài ra, lễ hội còn diễn ra các hoạt động giao lưu văn hóa, ca nhạc tạp kỹ và trưng bày hình ảnh về sự tích Thầy Thím…

Để đảm bảo an toàn cho du khách, Ban Tổ chức lễ hội bố trí lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, an toàn giao thông, chấn chỉnh tình trạng ăn xin, bán hàng rong chèo kéo du khách; đồng thời tăng cường tuyên truyền, giới thiệu về giá trị, ý nghĩa và nét đặc sắc của lễ hội.

Đông đảo người dân và du khách đến với lễ hội.

Đông đảo người dân và du khách đến với lễ hội.

Lễ hội Dinh Thầy Thím từ lâu được coi là lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu không chỉ của cộng đồng người dân địa phương mà còn là di sản văn hóa chung của nhiều tỉnh, thành lân cận ở khu vực phía Nam.

Tọa lạc tại xã Tân Tiến (thị xã La Gi, tỉnh Bình Thuận), Dinh Thầy Thím tôn nghiêm giữa khung cảnh thiên nhiên huyền ảo. Kiểu dáng kiến trúc và những họa tiết trang trí nghệ thuật ở ngoại thất cũng như cách bài trí, thờ phụng ở nội thất thể hiện rõ nét tính tôn giáo.

Đặc biệt là nội dung của sự tích Thầy Thím, tôn thờ và các hình thức sinh hoạt, lễ hội dân gian hằng năm tại Dinh gắn liền với tập quán, tín ngưỡng và đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân địa phương.

Ông Nguyễn Văn Hai, Trưởng ban Quản lý Di tích lịch sử văn hóa Dinh Thầy Thím, cho biết: “Để bảo tồn và phát huy nền di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia, Ban Quản lý di tích Dinh Thầy Thím, cần phải dồn hết nhân lực và vật lực để giữ gìn di tích và trùng tu xây dựng phát triển di tích. Bên cạnh đó, phải bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp nhằm mời gọi du khách đến với di tích ngày càng nhiều hơn".

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/dac-sac-le-hoi-van-hoa-du-lich-dinh-thay-thim-tai-binh-thuan-204241016135744739.htm
Zalo