Đặc sắc Lễ hội đền Trần Thương

Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024 diễn ra từ ngày 18 - 22/9, nhân kỷ niệm 724 năm ngày mất của Đức Thánh Trần.

Lễ hội truyền thống đền Trần Thương diễn ra từ ngày 18 - 22/9.

Lễ hội truyền thống đền Trần Thương diễn ra từ ngày 18 - 22/9.

Lễ hội truyền thống đền Trần Thương (Lý Nhân, Hà Nam) năm 2024 diễn ra từ ngày 18 - 22/9 (tức ngày 16 - 20/8 năm Giáp Thìn), nhân kỷ niệm 724 năm ngày mất của Đức Thánh Trần.

Theo Ban Quản lý di tích quốc gia đặc biệt đền Trần Thương, Lễ hội truyền thống đền Trần Thương là sự kiện thường niên được tổ chức vào dịp tưởng niệm ngày mất của Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn (“Tháng 8 giỗ Cha”). Đây là hoạt động có ý nghĩa truyền thống, nhắc nhở các thế hệ về đạo lý uống nước nhớ nguồn, tưởng nhớ ân đức của Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương.

Lễ hội truyền thống đền Trần Thương được Bộ VH,TT&DL đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2017. Với giá trị lịch sử và những nét đặc trưng riêng, đền Trần Thương trở thành điểm đến tâm linh đối với nhân dân và du khách thập phương trong và ngoài nước.

Các tư liệu lịch sử còn lưu lại cho biết, đền Trần Thương là một trong 3 ngôi đền lớn thờ chính Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn. Tương truyền trên đường đi đánh quân Nguyên Mông, Trần Hưng Đạo thấy địa thế nơi đây hiểm yếu, bèn đặt 6 kho lương để phục vụ cuộc kháng chiến.

Địa điểm ngôi đền hiện nay là kho lương chính. Sau khi chiến thắng trở về, Ngài đã cắm sinh phần, lấy đây làm dân “tạo lệ” và từ đó xuất hiện thôn Trần Thương và các thôn khác như: Đội Xuyên, Hoàng Xá, Khu Mật… những tên cổ gắn với việc đồn trú của quân đội nhà Trần.

Đền Trần Thương là di tích tiêu biểu, có quy mô kiến trúc lớn, tọa lạc trên thế đất “hình nhân bái tướng” và “ngũ mã thất tinh”, được xây kiểu “tứ thủy quy đường”. Tổng thể kiến trúc, cảnh quan đền Trần Thương đã gợi lên bóng dáng phủ đệ của Hưng Đạo Đại vương.

Hưng Đạo Đại vương là trụ cột của vương triều Trần. Ông được vua Trần phong chức Quốc công Tiết chế tổng chỉ huy quân đội nhà Trần 3 lần đánh thắng quân xâm lược Nguyên Mông. Do có công lao to lớn với dân tộc, nhân dân cả nước tôn kính, vinh danh ông là Đức Thánh Trần, trong tâm thức là “Đức thánh Cha” của muôn dân.

Lễ hội truyền thống đền Trần Thương năm 2024 được thiết kế tổ chức nhiều hoạt động: Thực hành nghi lễ và hát Chầu văn với sự tham gia của các nghệ nhân, nghệ sĩ, thanh đồng ở nhiều vùng miền trong cả nước; đêm hội Trần Thương; thi nấu cỗ cúng Thánh.

Những hoạt động tâm linh long trọng của lễ hội còn để nâng cao ý thức bảo tồn, quảng bá và phát huy các giá trị tốt đẹp của văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu, nghi lễ hầu Thánh nói riêng và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đền Trần Thương nói chung.

Trần Kiệt

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/dac-sac-le-hoi-den-tran-thuong-post701556.html
Zalo