Đặc sắc Lễ hội đền cô Tân An 2025
Trong khuôn khổ Lễ hội đền cô Tân An sẽ diễn ra chương trình nghệ thuật chào mừng với sự tham gia của các nghệ sĩ: NSƯT Đăng Dương, Sèn Hoàng Mỹ Lam, Việt Tú, Ngọc Ký,...
Đã thành thông lệ, vào ngày 17 tháng Giêng hằng năm, du khách thập phương lại nô nức đến với Lễ hội đền Cô Tân An (thuộc xã Tân An, huyện Văn Bàn, tỉnh Lào Cai). Đền Cô Tân An thờ bà Chúa thượng ngàn Nguyễn Hoàng Bà Xa, người có công cùng cha là "Thần vệ quốc Hoàng Bảy" đánh giặc, bảo vệ biên cương Tổ quốc.
Bà Nguyễn Hoàng Bà Xa luôn được coi là cánh tay đắc lực sát cánh cùng cha chiêu dụ các thổ ty, tộc trưởng, luyện tập binh sỹ, rèn giũa khí giới, dự trữ lương thảo, chữa bệnh cho dân lành… và sau khi vắng bóng quân giặc thì bà lại có công lớn trong việc khẩn điền khai mỏ, xây dựng quê hương. Với lòng yêu nước, thương dân ấy, khi bà mất, nhân dân nơi đây đã suy tôn bà là Thánh Mẫu, lập đền thờ ngay bên bờ sông Hồng để hương khói phụng thờ, đời đời tri ân công lao của người đã có công với quê hương, đất nước.
Năm 2010, đền được công nhận là di tích lịch sử cấp tỉnh. Đến tháng 10 năm 2016, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã công nhận đền Cô Tân An là di tích lịch sử cấp Quốc gia. Lễ hội đền Cô được tổ chức vào ngày 17 tháng Giêng hằng năm trong tiết trời mùa xuân ấm áp với các nghi lễ và hoạt động văn hóa mang đậm bản sắc và những giá trị tâm linh. Thông qua lễ hội là cơ hội quảng bá tiềm năng du lịch và các sản phẩm văn hóa du lịch đặc sắc của huyện Văn Bàn, Bảo Yên và các địa phương trên địa bàn tỉnh.
Năm nay, Lễ hội đền Cô Tân An sẽ diễn ra trong 2 ngày 16 và 17 tháng Giêng (tức 14 và 15 tháng 2). Trong Lễ hội đền Cô Tân An, phần lễ được chuẩn bị công phu, bài bản, trang trọng với ước muốn "cầu cho Quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, dân làng mạnh khỏe, an vui". Nghi lễ rước kiệu từ đền Cô sang đền Ông (đền Bảo Hà) lộng lẫy hoa, cờ, kiệu, ô, lọng nhằm tái hiện hình ảnh hội binh của tướng Hoàng Bẩy trong tiếng chiêng, tiếng trống rạo rực, hùng dũng.
Trong đó, điểm nhấn là chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ hội đền Cô Tân An diễn ra vào lúc 20h ngày 16 tháng Giêng tại sân khấu chính của lễ hội.
Chương trình được chia làm 3 phần: Phần mở màn với 2 ca khúc: Yêu lắm quê em Văn Bàn và Văn Bàn quê em nghĩa tình. Phần 2 với chủ đề "Về miền di sản" được mở đầu với làn điệu quan họ nổi tiếng như: Chảy hội Xuân, Vào đền, Người ơi người ở đường về; Nghệ sĩ Quốc Phòng của Nhà hát chèo Hà Nội mang đến làn điệu chèo Tình xuân Văn Bàn, Điệu đường trường thu không; Hát văn Giá cô Tân An.
Phần 3 là chủ đề về quê hương, đất nước, bản sắc người Lào Cai và vùng Tây Bắc, với các ca khúc nổi tiếng: Mời anh về Tây Bắc, Lào Cai thành phố trên mây, Cung đàn mùa xuân, Mùa xuân nho nhỏ, Nắng có còn xuân, Tình ca mùa xuân, Chiếc khăn Piêu… và rất nhiều ca khúc nổi tiếng khác do các ca sĩ thể hiện như: NSƯT Đăng Dương, Sèn Hoàng Mỹ Lam, Việt Tú, Ngọc Ký, Ngọc Liên, Minh Cường, Thành Trung, vũ đoàn Sao Việt…
Sáng ngày 17 tháng Giêng là chương trình khai mạc Lễ hội đền Cô Tân An năm 2025. NSƯT Đăng Dương sẽ mang đến hai ca khúc nổi tiếng là: Đất nước trọn niềm vui, Tổ quốc yêu thương. Ca sĩ Sèn Hoàng Mỹ Lam biểu diễn Mời anh về Tây Bắc, Hoa rừng nhớ anh. Nhà hát chèo Hà Nội sẽ dàn dựng và biểu diễn hoạt cảnh chèo "Mùa Xuân về với đền Cô".
Trong khuôn khổ chương trình còn có Lễ hội người Dao huyện Văn Bàn với chủ đề: "Sắc đỏ nơi rẻo cao" với quy mô 220 diễn viên là 220 nghệ nhân người Dao xã Tân An, huyện Văn Bàn biểu diễn. Chương trình là sự kết hợp giữa âm nhạc, trang phục, âm thanh, ánh sáng và các hình tượng nghệ thuật trên sân khấu với những đạo cụ đặc sắc, tiêu biểu của dân tộc Dao huyện Văn Bàn.
Tại Ngày hội, người dân và du khách được tìm hiểu những nét đặc sắc, riêng có của dân tộc Dao; thưởng thức các tiết mục văn nghệ, hoạt động giao lưu văn hóa, thi đấu các môn thể thao, các trò chơi dân gian; tham quan các gian hàng giới thiệu các sản vật nông, lâm sản đặc sản, độc đáo của đồng bào Dao…
Ngày hội là dịp tôn vinh những giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc Dao trong nền văn hóa thống nhất, đa dạng của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam; là hoạt động giới thiệu, quảng bá, phát triển du lịch; đồng thời tạo không gian văn hóa để các nghệ nhân, diễn viên quần chúng và người dân gặp gỡ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao nhận thức, ý thức trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Dao trên địa bàn.