Chương trình nghệ thuật có tên gọi "Trăm năm, ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông" gồm 3 chương: "Cơ duyên với nghề thuốc", "Dấn thân sự nghiệp" và "Thênh thang một cánh diều" được thể hiện dưới dạng hoạt cảnh có sử dụng các làn điệu dân ca ví, giặm, xen lẫn lời bình và các ca khúc, tập trung tái hiện lại cuộc đời, sự nghiệp, tài năng và nhân cách lỗi lạc của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác.
Bằng giọng hát nội lực, phong cách biểu diễn lôi cuốn, ca sỹ Tùng Dương cùng các nghệ sỹ mở đầu chương trình bằng ca khúc "Danh nhân sinh ra từ hai vùng văn hóa" của nhạc sỹ Lê Anh Thủy. Ca khúc mang âm hưởng hào sảng ca ngợi nhân cách, tài năng của vị Đại danh y dân tộc Lê Hữu Trác, người con của quê hương Hà Tĩnh và Hưng Yên.
Mở đầu chương 1 "Cơ duyên với nghề thuốc" là màn tái hiện thời điểm Lê Hữu Trác trở về Hương Sơn (Hà Tĩnh) chăm sóc mẹ già và bắt đầu học nghề làm thuốc chữa bệnh cứu người. Ông bồi hồi nhớ về cố hương Phố Hiến, quê cha ở Hưng Yên với những ký ức tuổi trẻ và khúc hát trống quân rộn ràng đêm hội.
Thông qua các hoạt cảnh dân ca ví, giặm, màn đối thoại giữa Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác và người dân cho thấy những tâm sự của ông về nguyên do giã từ đất kinh kỳ, tìm về quê mẹ Hương Sơn nghiên cứu y thuật. Màn đối đáp cũng chính là những tự vấn trong lòng Đại danh y về hoài bão một thời tuổi trẻ, trong đó có mối duyên tình dở dang với người con gái Huê Cầu.
Cơ duyên nghề thuốc đến với Lê Hữu Trác còn bởi nhân duyên từ cuộc gặp gỡ với người thầy Danh y Trần Độc (vùng đất Thanh Chương, Nghệ An), người đã nhận ra tài năng xuất chúng của Lê Hữu Trác và tâm huyết truyền dạy y thuật cho ông.
Kế thừa và phát huy những kiến thức y học từ người thầy Trần Độc, Lê Hữu Trác miệt mài hết lòng chữa bệnh cứu người không phân biệt sang hèn.
Ông như "Cánh diều Truông Mung" thỏa sức thể hiện tài năng y thuật, y đức của mình trên quê mẹ Hương Sơn. Ảnh: Ca sỹ Vũ Thắng Lợi khép lại chương 1 với ca khúc "Cánh diều Truông Mung".
"Dấn thân vào sự nghiệp" Lê Hữu Trác bắt đầu nghiên cứu các phương thuốc nam với tinh thần "Nam dược chữa Nam nhân" (thuốc của người Nam chữa bệnh cho người Nam). Ông đã cùng bạn hữu vượt núi, băng rừng đi tìm nguồn thuốc quý.
Trong sự nghiệp của mình, Lê Hữu Trác đã tìm và sưu tập hàng ngàn phương thuốc quý.
Ca sỹ Thanh Tài và Minh Ngọc thể hiện ca khúc "Hương Sơn Hải Thượng" ca ngợi y đức của Đại danh y Lê Hữu Trác.
Theo lời thầy, Lê Hữu Trác thượng kinh chữa bệnh cho thế tử và học hỏi mở rộng học vấn y thuật.
Tại đất kinh kỳ, ông đã gặp lại người con gái Huê Cầu, giờ đã đi tu. Cuộc hội ngộ giúp cả hai cởi bỏ được những "nút thắt" về một mối tình dang dở bởi thời cuộc. Người con gái Huê Cầu cảm thông và ủng hộ khi thấy Lê Hữu Trác đang xây dựng sự nghiệp mang lại sự an vui cho dân chúng.
Chán nản với chốn phủ Chúa xa hoa, phù phiếm, Lê Hữu Trác trở về Hương Sơn tiếp tục nghiên cứu y thuật. Nghệ sỹ ưu tú Hồ Minh Thông đã thể hiện xuất sắc hình tượng Lê Hữu Trác ở nhiều giai đoạn cuộc đời. Trong ảnh: Niềm vui của Hải Thượng Lãn Ông khi trở về với quê mẹ.
Và niềm vui đón Đại danh y của người dân Hương Sơn sau nhiều ngày ông lên kinh thành chữa bệnh cho Chúa.
Nghệ sỹ ưu tú Tân Nhàn thể hiện ca khúc “Trăm năm, ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông” mở ra chương 3 của chương trình nghệ thuật với tên gọi “Thênh thang một cánh diều”.
Chương 3 tập trung tái hiện giai đoạn về già và những ngày cuối đời của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác. Trong đó, những ký ức đằm sâu về hình ảnh người mẹ Hương Sơn có sự ảnh hưởng mạnh mẽ đến cuộc đời và sự nghiệp của Đại danh y. Trong ảnh: Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác bên ngôi mộ mẹ ông là bà Bùi Thị Thưởng ở xã Quang Diệm (Hương Sơn).
Những năm tháng cuối đời, Lê Hữu Trác đã dành hết tâm huyết để hoàn thành bộ sách "Hải Thượng Y tông tâm lĩnh", công trình là cuốn bách khoa toàn thư y học vĩ đại nhất của y học dân tộc thời Trung đại, là di sản quý giá của Việt Nam.
Giây phút lâm chung, ông ước nguyện được yên nghỉ trên quê mẹ Hương Sơn, nơi cánh diều của mình rơi xuống.
Học trò và người dân Hương Sơn đã đáp ứng mong muốn của Đại danh y, đắp mộ ông trên núi Minh Tự thuộc xã Sơn Trung ngày nay.
Kế thừa và phát huy di sản của Hải Thượng Lãn Ông, dưới sự lãnh đạo của Đảng ngày nay, Hà Tĩnh – Hưng Yên đã và đang nỗ lực tạo nên những thành quả đáng tự hào trong xây dựng quê hương đất nước. Ảnh: Ca sỹ Đức Tuấn khép lại chương trình bằng ca khúc “Sáng ngời y đức Việt Nam”.
Dù thời tiết không mấy thuận lợi, nhưng đã có hàng nghìn khán giả đến trực tiếp tại Quảng trường Thành Sen (TP Hà Tĩnh) để theo dõi chương trình nghệ thuật "Trăm năm, ngàn năm Hải Thượng Lãn Ông".
Thiên Vỹ - Đình Nhất - Kiều Minh