Đa số những clip về cuộc sống giang hồ, xã hội đen trên mạng đều là 'rác phẩm'
Theo nghệ sĩ Đức Thịnh, những clip sai lệch về giới giang hồ là 'rác phẩm'; tác phẩm nghệ thuật phải răn đe, ngăn chặn hành vi xấu chứ không 'tô hồng' nó.
Nghệ sĩ Đức Thịnh lý giải nguyên nhân những clip “giang hồ mạng” hút khán giả và nỗi lo khi có nhiều tác phẩm đi sai hướng, ảnh hưởng xấu tới khán giả trẻ.
- Là đạo diễn từng sản xuất một số phim về giới giang hồ, thế giới ngầm, xã hội đen, anh có thể lý giải vì sao đề tài này rất thu hút khán giả, và tại sao ngày càng có nhiều người làm các clip ngắn về giới giang hồ rồi tung lên mạng?
Đề tài giang hồ, thế giới ngầm luôn có sức hút nhất định vì nó gây tò mò cho khán giả. Chúng ta đều biết thế giới giang hồ hay là thế giới ngầm luôn có những bí ẩn khiến người ta muốn khám phá, tìm hiểu.
Về khía cạnh chuyên môn, thế giới ngầm và giới xã hội đen có rất nhiều “mảng miếng” mà các nhà làm phim có thể khai thác. Một đề tài gây tò mò cho công chúng, lại có nhiều mảng miếng để khai thác thì đương nhiên sẽ thu hút khán giả và những người sản xuất nội dung rồi.
Tuy nhiên, chúng ta đều biết rằng thế giới ngầm đó chứa đựng rất nhiều “mảng tối”. Do đó, khi khai thác đề tài này, những người làm nội dung không chỉ cần có hiểu biết nhất định về xã hội đen, về thế giới ngầm, về luật ngầm của “dân anh chị” mà còn cần có cái tâm, cái tầm để truyền tải được những thông điệp ý nghĩa tới người xem, giúp người ta có cái nhìn đúng đắn, từ đó có lối hành xử thích hợp trước mỗi hành động của mình, tránh gây các hệ lụy xấu.
- Theo anh, ở Việt Nam, thị trường phim trên mạng, clip về đề tài giang hồ, thế giới ngầm liệu đã đi đúng hướng?
Thú thực tôi cảm thấy rất buồn và phải khẳng định rằng đại đa số những clip về cuộc sống giang hồ, xã hội đen trên mạng xã hội thời gian gần đây đều chưa phản ánh đúng, chưa truyền tải đúng thông điệp mà nó nên có. Điều đó khiến nhiều khán giả có cái nhìn sai lệch về những bộ phim, clip mang chủ đề này.
Không ít người nhận xét các clip về đề tài xã hội đen trên mạng bây giờ đều là “rác”, tôi cảm thấy buồn và không khỏi chạnh lòng. Bản thân tôi cũng từng làm khá nhiều phim về thế giới ngầm, nhưng thời gian gần đây tôi chững lại, tạm thời không sản xuất nội dung nào về đề tài này nữa.
Tôi muốn tạm thời lắng lại để nhìn ngắm xem mình nên đi theo hướng nào, các sản phẩm của mình nên có những thông điệp ra sao để sản phẩm ra mắt khán giả được đúng hướng nhất.
- Các clip về xã hội đen, băng đảng, về cuộc sống của “dân anh chị” trên mạng xã hội thường được khai thác theo chiều hướng ca ngợi, thậm chí xem việc đi tù như “thành tích”. Theo anh, điều này gây ra những tác động gì?
Tôi nghĩ thực trạng này chính là hệ lụy lớn từ sự thả nổi những clip (tôi xin nhấn mạnh rằng với tôi đó chỉ là các clip chứ không thể gọi là phim) có nội dung về đời sống giang hồ trên mạng xã hội.
Như tôi đã nói, điều quan trọng nhất khi sản xuất các bộ phim, clip về đề tài thế giới ngầm là thông điệp, phải làm sao để sản phẩm phải có tính răn đe, ngăn chặn các hành vi xấu chứ không phải lan tỏa, “tô hồng” nó. Rất nhiều clip về chủ đề xã hội đen trên mạng đang mắc phải tình trạng này.
Thậm chí, nhiều nhân vật tự nhận mình là “người xã hội”, lấy việc từng đi tù để tăng tương tác, câu kéo thêm sự chú ý cho các clip của mình và PR chính bản thân họ. Đây chỉ là chiêu trò để câu kéo sự chú ý của khán giả mà thôi. Điều này sẽ khiến khán giả có cái nhìn sai lệch về “thế giới ngầm” thật sự.
Tôi cũng từng tiếp xúc và quen biết với một số người thuộc “thế giới ngầm” và nhận thấy “dân xã hội” thực sự không ai tung hê như vậy. Sau khi đã chấp hành án phạt, khôi phục đầy đủ quyền công dân, tất cả những người đó đều không muốn nhắc tới quá khứ theo chiều hướng “ta đây, tự hào” mà sẽ dùng nó để răn đe, cảnh tỉnh những người xung quanh rằng đừng bước vào “vết xe đổ” của họ.
Trên thực tế, Hollywood, Hong Kong cũng làm rất nhiều phim về đề tài này. Đơn cử như phim Bố già, chúng ta có thể thấy được sự khốc liệt, sự trả giá đầy đau đớn, thậm chí bằng cả tính mạng của ông trùm, của các “anh em xã hội” để có được tiền bạc, địa vị trong thế giới ngầm.
Hay như gần đây nhất, VFC ra mắt bộ phim Độc đạo cũng đề cập nhiều đến thế giới ngầm. Người ta có thể thấy trong bộ phim này cuộc sống căng thẳng, mệt mỏi, phải trả giá bằng máu và sự dây dưa đến thế hệ sau của các “ông trùm”.
Từ cái giá lớn mà những người chấp nhận “cuộc sống ngầm” phải trả vì bản thân làm điều phi pháp, khán giả sẽ rút ra được thông điệp rằng chúng ta không nên hành động như họ, chúng ta sẽ phải trả giá rất đắt nếu vi phạm pháp luật. Đó mới là thông điệp đúng đắn mà phim về đề tài xã hội đen cần có.
Đó là lý do vì sao cùng khái thác đề tài thế giới ngầm nhưng các tác phẩm vừa kể được coi là tác phẩm nghệ thuật hay, được đông đảo công chúng đón nhận. Còn đại bộ phận những clip về xã hội đen trên mạng xã hội hiện nay đang đi sai hướng. Chắc chắn những hình ảnh được tô hồng về đời sống của “dân anh chị” đều sẽ có ảnh hưởng nhất định đến suy nghĩ, hành động của khán giả. Thời gian gần đây nhiều nhóm thanh thiếu niên tụ tập cầm hung khí gây rối trật tự công cộng, rất có thể họ cũng bị ảnh hưởng từ chính những clip nói trên.
- Theo anh, làm thế nào để hạn chế tác hại của những clip lệch chuẩn về thế giới ngầm đang tràn lan trên mạng xã hội?
Phải khẳng định rằng những clip mang thông điệp chưa đúng đắn về giới giang hồ, về thế giới ngầm là “rác phẩm”. Chúng ta cũng cần thẳng thắn nhận định những hệ lụy mà nó mang lại cho khán giả để từ đó có cách hành xử và cái nhìn đúng đắn, hợp lý dành cho nó.
Tôi tin rằng khán giả đủ tinh tường để lọc ra đâu là những sản phẩm có đầy đủ chất lượng nghệ thuật, thông điệp tích cực và đâu là những clip “rác”, chỉ biết câu kéo khán giả bằng những câu chuyện giang hồ, những màn bạo lực hay hình xăm.
Trước khi có những chế tài, sự kiểm duyệt của đơn vị có thẩm quyền, mỗi gia đình hãy là “bộ lọc” tích cực nhất để hướng các thành viên tới những tác phẩm thực sự, tránh hệ lụy từ “rác phẩm”.
Jimmi Khánh, diễn viên từng tham gia các bộ phim về đề tài giang hồ do Đức Thịnh đạo diễn, chia sẻ với phóng viên Báo điện tử VTC News: "Phim về giới giang hồ, xã hội đen đã có từ rất lâu, nội dung này xuất hiện trong nhiều bộ phim Mỹ hay Hong Kong từ xưa chứ không phải bây giờ mới có. Vì vậy nên không thể nói phim về giới giang hồ khiến tội phạm bị trẻ hóa.
Tuy nhiên, có những thứ không thể gọi là phim nhưng vẫn bị quy chụp thành phim giang hồ, một phần do mạng xã hội và công nghệ phát triển nên chỉ cần một chiếc điện thoại cũng có thể thành ‘đoàn làm phim’.
Theo tôi, nếu muốn thực sự làm phim về đề tài giang hồ, cần phải biết rõ có đem lại giá trị hay những thông điệp tốt cho khán giả hay không. Với những clip ngắn chỉ muốn câu view bằng nội dung đánh đấm, bạo lực thì cần phải lên án và xử lý".
Thanh Tùng