Đà Nẵng: Xuất nhập khẩu chuyển biến tích cực

Thời gian qua, thành phố Đà Nẵng đã nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Theo Cục thống kê thành phố Đà Nẵng, tháng 8/2024, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp thành phố có xu hướng thấp hơn so với tháng trước nhưng tăng trưởng hơn so với cùng kỳ năm 2023. Mức tăng khá so với cùng kỳ năm 2023 thể hiện tinh thần quyết tâm, nỗ lực vượt khó của cộng đồng doanh nghiệp và các hộ kinh doanh trước bối cảnh kinh tế thế giới vẫn còn nhiều biến động phức tạp, khó lường.

Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 8/2024 ước bằng 98% so với tháng trước và tăng 3,8% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Trong đó, nhóm ngành chủ lực công nghiệp chế biến, chế tạo có chỉ số so với tháng trước và so với cùng kỳ năm trước lần lượt là (-2,3%) và (+5,1%); công nghiệp sản xuất và phân phối điện (- 0,7%) và (+3,8%); cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải giảm (+2,0%) và (+1,3%); hoạt động khai khoáng trong tháng giảm 15,2% so với tháng trước và chỉ bằng 18,6% so với tháng cùng kỳ năm 2023.

8 tháng năm 2024, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp của Đà Nẵng tăng 4,3% so với cùng kỳ.

8 tháng năm 2024, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp của Đà Nẵng tăng 4,3% so với cùng kỳ.

Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số IIP toàn ngành công nghiệp tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó, có 3/4 nhóm ngành cấp 1 có mức tăng trưởng dương, gồm: sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 12,8%; công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 4,2%; ngành cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 3,5%; riêng hoạt động khai khoáng tiếp tục đà giảm (-43,9%) so với cùng kỳ năm 2023.

Trong các nhóm ngành công nghiệp, hoạt động công nghiệp chế biến chế tạo mặc dù mức tăng chưa đạt được như kỳ vọng nhưng đã có những tín hiệu phục hồi khá tích cực. Ở chiều ngược lại, một số ngành sản xuất hiện vẫn còn gặp không ít khó khăn trong quá trình tìm đầu ra cho sản phẩm, có những ngành, hàng giảm sâu do đối tác lâu năm tạm ngưng ký kết hợp đồng. Bên cạnh đó, giá nguyên vật liệu đầu vào tăng cao cũng là một trong những nguyên nhân khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp thường xuyên bị gián đoạn.

Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tháng 8/2024 giảm 1,5% so với tháng 07/2024 nhưng tăng 8,9% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo ước ước tăng 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Chỉ số tồn kho ngành chế biến, chế tạo tại thời điểm cuối tháng 8 năm 2024 ước tính tăng 4,5% so với tháng 7/2024 và tăng 11,7% so với cùng kỳ năm 2023, đây là mức tăng tồn kho thấp nhất tính từ đầu năm 2024 đến nay.

Chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp tháng 8 năm 2024 ước giảm 0,3% so với tháng trước nhưng tăng 4,3% so với tháng cùng kỳ năm 2023. Tính chung 8 tháng năm 2024 chỉ số sử dụng lao động tăng nhẹ 0,2% so với cùng kỳ.

Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng cũng cho biết, tình hình xuất nhập khẩu trên địa bàn trong 8 tháng năm 2024 đang có những chuyển biến tích cực. Thành phố tiếp tục nỗ lực triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương.

Ước tính tháng 8/2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa hai chiều của Đà Nẵng đạt 280 triệu USD, tăng 0,5% so với tháng trước và giảm 2,2% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu ước đạt 170 triệu USD, tăng 1,0% so với tháng trước và tăng 0,3% so với cùng kỳ năm 2023; nhập khẩu đạt 110 triệu USD, giảm 0,2% so với tháng trước và giảm 5,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 2.148 triệu USD, tăng 9,3% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu hàng hóa ước đạt 1.269 triệu USD, tăng 3%; nhập khẩu hàng hóa ước đạt 878,7 triệu USD, tăng 20,0%. Cán cân thương mại hàng hóa 8 tháng năm 2024 tiếp tục duy trì xuất siêu gần 390,9 triệu USD.

Về hoạt động thương mại dịch vụ trong tháng 8 tiếp tục diễn ra sôi động, tuy nhiên có xu hướng giảm nhẹ so với tháng trước. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2024 ước đạt 12.420 tỷ đồng, giảm 0,22% so với tháng trước và tăng 11,1% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 91.471 tỷ đồng, tăng 14,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, doanh thu du lịch lữ hành tăng cao nhất với 49,3%.

8 tháng năm 2024 (tính đến ngày 25/8/2024), thành phố Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.752 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tổng vốn điều lệ đăng ký 8.845 tỷ đồng; giảm 6,2% về số doanh nghiệp và giảm 28,6% về số vốn so với cùng kỳ 2023.

Số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng tăng 10,7% so với cùng kỳ. Từ đầu năm đến nay, thành phố đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 499 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tăng 13,2% so với cùng kỳ năm 2023 (tương đương 441 doanh nghiệp và đơn vị trực thuộc).

Đối với lĩnh vực đầu tư, tình hình thực hiện vốn đầu tư công trên địa bàn Đà Nẵng trong 8 tháng năm 2024 vẫn còn nhiều khó khăn như: khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng, thủ tục hành chính còn phức tạp, năng lực của một số chủ đầu tư còn hạn chế.

Hiện, thành phố Đà Nẵng đang tập trung chỉ đạo quyết liệt để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công trong những tháng cuối năm. Một số giải pháp cụ thể bao gồm: tăng cường kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn cho các dự án; đơn giản hóa thủ tục hành chính; tăng cường năng lực cho các chủ đầu tư.

Hạ Vĩ

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/da-nang--xuat-nhap-khau-chuyen-bien-tich-cuc-126188.htm
Zalo