Đà Nẵng xử phạt gần 1,5 tỷ đồng vi phạm về thương mại điện tử
Qua 2 năm thực hiện đề án của Chính phủ về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong thương mại điện tử (TMĐT) đến năm 2025, Cục Quản lý thị trường (QLTT) Đà Nẵng cho biết đã xử phạt gần 1,5 tỷ đồng các hành vi vi phạm.
Cục trưởng Cục QLTT Đà Nẵng Phạm Ngọc Sơn cho biết, đề án về chống hàng giả và bảo vệ người tiêu dùng trong TMĐT đến năm 2025 được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định 319/QĐ-TTg (ngày 29/3/2023). Bộ Công Thương và UBND TP Đà Nẵng đã ban hành kế hoạch, văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức thực hiện đề án.
Theo đó, Cục QLTT Đà Nẵng đã triển khai kiểm tra, phát hiện, xử phạt vi phạm hành chính nhằm ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm trên môi trường TMĐT; lợi dụng hoạt động TMĐT để buôn bán hàng lậu, hàng cấm, hàng xâm phạm bản quyền và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Qua 2 năm thực hiện đề án, Cục QLTT Đà Nẵng đã kiểm tra, xử lý 84 vụ vi phạm trong lĩnh vực TMĐT với số tiền xử phạt gần 1,5 tỷ đồng. Trong đó, tính riêng trong năm 2024, Cục QLTT Đà Nẵng đã xử phạt 69 vụ vi phạm trong lĩnh vực TMĐT, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 1,1 tỷ đồng.
Cùng với đó, theo Phòng Nghiệp vụ - Tổng hợp (Cục QLTT Đà Nẵng), các Đội QLTT trực thuộc đã tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật trong hoạt động TMĐT đến các tổ chức, cá nhân để nâng cao nhận thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật của chủ sở hữu các website, ứng dụng cung cấp dịch vụ TMĐT.
Đồng thời yêu cầu các tổ chức, cá nhân ký cam kết chấp hành các quy định của pháp luật trong hoạt động TMĐT; không cung cấp các dịch vụ TMĐT khi chưa đăng ký theo quy định của pháp luật; không lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh hàng giả, hàng hóa vi phạm quyền sở hữu trí tuệ; hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục hàng hóa, dịch vụ cấm kinh doanh.
Tuy nhiên công tác chống hàng giả trên môi trường TMĐT đang gặp không ít khó khăn. Các website TMĐT không hiển thị thông tin về đơn vị đang sở hữu website; hoặc không công khai địa điểm kinh doanh; không cung cấp địa chỉ hoặc cung cấp địa chỉ không đúng; hoặc sử dụng nhiều tài khoản mạng xã hội khác nhau, xóa bỏ dấu vết giao dịch. Điều này khiến các lực lượng chức năng rất khó khăn trong công tác xác minh thông tin để tổ chức kiểm tra, xử lý.
Ông Phạm Ngọc Sơn cho biết, Cục QLTT Đà Nẵng đang tiếp tục tăng cường các biện pháp nghiệp vụ; tổng hợp, đánh giá, phân loại đối tượng, mặt hàng; nhận diện các hành vi, phương thức, thủ đoạn để có kế hoạch đấu tranh phù hợp trong từng thời điểm. Kịp thời kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có vi phạm trong hoạt động TMĐT, các đối tượng lợi dụng hoạt động TMĐT để thực hiện hành vi buôn lậu, buôn bán hàng cấm, hàng giả và gian lận thương mại.