Đà Nẵng: Tu bổ, phục hồi di tích quốc gia đình làng Hải Châu

Đại diện Bảo tàng Đà Nẵng cho biết đang phối hợp với quận Hải Châu lập dự án đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi một số hạng mục bị xuống cấp tại khu di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình làng Hải Châu sau gần 22 năm trùng tu quy mô lớn.

Ngày 1/8, Giám đốc Bảo tàng Đà Nẵng Huỳnh Đình Quốc Thiện cho biết sau hơn 22 năm trùng tu quy mô lớn, một số hạng mục của di tích đình làng Hải Châu đã bị xuống cấp. Bảo tàng Đà Nẵng vừa báo cáo lần 2 với Quận ủy Hải Châu về chủ trương đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình này.

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình làng Hải Châu.

Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đình làng Hải Châu.

Theo đó, qua khảo sát thực tế, thảo luận cùng chủ đầu tư và ban, ngành, địa phương, dự kiến dự án sẽ bảo tồn, tu bổ, phục hồi 13 hạng mục với kinh phí gần 15 tỷ đồng. Trong đó tu bổ, phục hồi nhiều hạng mục quan trọng như: đình Hải Châu sẽ tháo dỡ, phục hồi mái lợp âm dương và bờ mái, giao giống.

Phục hồi hệ thống liên ba, cửa võng tại khu vực thờ tự chính đình, chỉnh lại hình thức các chân đế bia hai bên hành lang bằng đá; phục hồi bình phong theo dạng cuốn thư, trang trí có khảm sành sứ; phục hồi lầu chuông, nhà bia trên trục chính công trình. Bia di tích được di chuyển để phục vụ hoàn nguyên cổng tam quan (cổng chính), phục hồi đế bia bằng đá tự nhiên…

Tại cuộc họp do Quận ủy Hải Châu tổ chức ngày 31/7, các đại biểu thống nhất việc bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích đình làng Hải Châu. Đồng thời đề xuất phục hồi đình làng theo đúng nguyên bản, căn cứ nguồn tư liệu, mốc thời gian lịch sử cụ thể; mở rộng quy mô khu di tích đúng theo quy hoạch chung của TP Đà Nẵng, bảo đảm khớp nối đồng bộ với cảnh quan, hạ tầng xung quanh, hình thành bảo tàng sống tại khu vực.

Sau khi nghe báo cáo đề xuất của Bảo tàng Đà Nẵng và các ý kiến góp ý, Bí thư Quận ủy Hải Châu Cao Thị Huyền Trân đề nghị Bảo tàng Đà Nẵng nghiên cứu kỹ các phương án bảo tồn, trùng tu; tổ chức hội thảo, hội nghị phản biện để có sự góp ý, đồng tình của người dân trước khi chính thức đề nghị cấp có thẩm quyền thông qua phương án đầu tư bảo tồn, tu bổ, phục hồi di tích đình làng Hải Châu.

Đình làng Hải Châu được xây dựng lần đầu vào năm Gia Long thứ 3 (1804) để thể hiện lòng tôn kính và biết ơn các bậc tiền nhân đã có công khai phá đất đai, lập nên làng Hải Châu vào cuối thế kỷ XV. Đến lần xây dựng thứ 3 (năm 1903) có thêm nhà thờ chư phái tộc (thờ 42 bài vị của 42 tộc họ lập làng Hải Châu), nhờ thờ tiền hiền, miếu Bà Thiêng Y A Na, cổng tam quan và hồ sen.

Đây là cụm kiến trúc tôn giáo tín ngưỡng được xây dựng sớm ở nội thành Đà Nẵng và là một trong những cái nôi văn hóa của quận Hải Châu, phản ánh quá trình xây dựng và phát triển của làng Hải Châu từ xưa đến nay theo những chặng đường lịch sử của dân tộc.

Năm 2001 đình làng Hải Châu được Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ VH-TT&DL) công nhận là di tích lịch sử văn hóa quốc gia. Do bị chắp vá qua nhiều lần tu sửa nên năm 2005 di tích đã được nhà nước đã đầu tư trùng tu với quy mô lớn.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/da-nang-tu-bo-phuc-hoi-di-tich-quoc-gia-dinh-lang-hai-chau/20240801030817250
Zalo