Đà Nẵng triển khai quyết liệt chống khai thác IUU
Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đến nay chưa có tàu cá của TP Đà Nẵng vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật cho ngư dân
Theo UBND TP Đà Nẵng, triển khai thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 10-4-2024 của Ban Bí thư, Nghị quyết số 52/NQ-CP ngày 22-4-2024 của Chính phủ, Nghị quyết số 04/2004/NQ-HĐTP ngày 12-6-2024 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao và các văn bản của Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với Thanh tra của EC lần thứ 5, UBND thành phố đã ban hành trên 19 văn bản chỉ đạo, điều hành; huy động các nguồn lực tập trung tuyên truyền, nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, không vi phạm khai thác IUU cho ngư dân, chủ tàu thuyền. Các đơn vị đã phối hợp tổ chức 19 buổi tuyên truyền cho hơn 1.050 lượt ngư dân về hướng dẫn các quy định mới trong lĩnh vực thủy sản và chống khai thác IUU.
Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND TP Đà Nẵng, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các cơ quan, đơn vị, địa phương đã chủ động quán triệt và triển khai quyết liệt, kịp thời ban hành trên 52 văn bản chỉ đạo, điều hành các đơn vị, phòng chuyên môn trực thuộc khẩn trương tập trung tối đa nguồn lực triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách về chống khai thác IUU.
Đồng thời tổng hợp các văn bản của Trung ương và thành phố liên quan đến công tác chống khai thác IUU, tổ chức thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW gửi Ban Tuyên giáo Thành ủy; cung cấp cho Sở Thông tin và Truyền thông, UBND các quận, Cổng Thông tin điện tử TP Đà Nẵng, Trang Thông tin điện tử các quận, các cơ quan báo chí... các thông tin về công tác chống khai thác IUU để viết bài, làm phóng sự, in tờ rơi...
Chi cục Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Đà Nẵng), UBND các phường, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng, Ban Quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang đã làm việc trực tiếp với hơn 2.200 lượt chủ tàu, thuyền trưởng để tuyên truyền các quy định pháp luật về quản lý tàu cá, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực thủy sản và hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cấp các loại giấy tờ cho tàu cá theo quy định, cài đặt và sử dụng ứng dụng “CDT VN” để khai báo các thông tin về tàu cá cập, rời cảng và truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Kiểm soát, quản lý chặt chẽ tàu cá
Theo thống kê, đến nay, trên địa bàn TP Đà Nẵng tổng số tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 6 mét trở lên là 1.545 tàu cá, trong đó tàu cá ven bờ có 716 chiếc (chiếm 46%); tàu cá vùng lộng có 227 chiếc (chiếm 15%); tàu cá vùng khơi có 602 chiếc (chiếm 39%). Hiện có 126 tàu cá/1.545 tàu cá không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản, trong đó có 36 tàu cá 3 không (tàu phát sinh không đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản) và 90 tàu cá đã đăng ký (tàu cá trễ hạn đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản).
Các cơ quan chức năng đã hoàn thành cập nhật đầy đủ dữ liệu 1.509 tàu cá đã đăng ký của thành phố vào Cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia (còn 36 tàu cá sẽ cập nhật ngay sau khi được cấp đăng ký). Hiện tại, 100% tàu cá TP Đà Nẵng đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản đã thực hiện sơn đánh dấu tàu cá, kẻ số đăng ký theo quy định tại Thông tư số 23/2018/TT-BNNPTNT.
Theo UBND TP Đà Nẵng, số lượng tàu cá hiện nay có sự biến động lớn so với cùng kỳ năm 2023 do các nguyên nhân chính như: Phát sinh 579 tàu cá (cấp đăng ký theo Thông tư số 06/2024/TT-BNNPTNT), xóa đăng ký cho 254 tàu cá đã đăng ký, tàu cá có chiều dài trên 15 mét được mua mới chuyển từ các địa phương khác về.
TP Đà Nẵng đã hoàn thành rà soát, lập danh sách 1.036 tàu cá (457 tàu đã đăng ký nhưng trễ hạn đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản và 579 tàu cá 3 không) không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản, tổ chức kiểm tra thực tế hiện trạng hoạt động các tàu cá và làm việc trực tiếp với từng chủ tàu để hỗ trợ, hướng dẫn thủ tục cấp các loại giấy tờ cho tàu cá theo quy định.
Đến nay đã xử lý, đưa ra khỏi danh sách 910 tàu cá gồm 656 tàu được cấp đầy đủ giấy tờ để hoạt động khai thác thủy sản và xóa đăng ký 254 tàu cá (theo dõi, lập danh sách chi tiết từng tàu cá Đà Nẵng đã xóa đăng ký gửi các cơ quan chức năng để biết, theo dõi quản lý). Hiện nay, các đơn vị đang tập trung đẩy nhanh tiến độ cấp giấy tờ 126 tàu cá còn lại không đủ điều kiện hoạt động khai thác thủy sản.
Đối với 36 tàu cá 3 không (tàu phát sinh không đăng ký, đăng kiểm, giấy phép khai thác thủy sản): có 16 tàu cá đang làm đăng kiểm; 15 tàu cá đang làm thủ tục cấp đăng ký tàu cá, giấy phép khai thác thủy sản; 4 tàu đang sửa chữa, đánh dấu tàu cá và làm hồ sơ đăng ký tàu cá; 1 tàu cá chưa làm đăng kiểm.
Đối với 90 tàu cá đã đăng ký (tàu cá trễ hạn đăng kiểm, chưa cấp giấy phép khai thác thủy sản): có 52 tàu cá đang làm đăng kiểm; 3 tàu cá đang liên hệ các đơn vị làm đăng kiểm; 10 tàu đang tạm ngừng hoạt động; 9 tàu đang làm thủ tục sang tên, xóa đăng ký; 2 tàu đang làm thủ tục cấp các giấy tờ; 14 tàu cá chưa thực hiện đăng kiểm tàu cá.
Hiện nay, Chi cục Thủy sản, các địa phương và Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng đang tập trung làm việc với từng chủ tàu yêu cầu thực hiện đúng cam kết (có xác nhận của Chi cục Thủy sản, UBND phường, lực lượng Biên phòng địa phương) thực hiện cấp các loại giấy tờ theo quy định và không đưa tàu cá đi hoạt động khai thác thủy sản khi chưa đầy đủ giấy tờ, không để ngư cụ, trang thiết bị khai thác thủy sản trên tàu.
Sử dụng hệ thống giám sát tàu cá (VMS) trên biển
Hiện nay, có 594/602 tàu cá TP Đà Nẵng có chiều lớn nhất từ 15 mét trở lên đã lắp đặt thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá. Đối với 8 phương tiện đang tạm ngừng hoạt động, chưa lắp đặt thiết bị giám sát hành trình Chi cục Thủy sản đã mời các chủ tàu làm việc và kiểm tra xác minh nguyên nhân, hàng tuần cập nhật hiện trạng hoạt động, vị trí neo đậu của từng tàu cá gửi các địa phương, Bộ đội Biên phòng TP Đà Nẵng theo dõi, giám sát.
Để tăng cường công tác theo dõi hoạt động tàu cá, xác nhận thủy sản, phòng chống thiên tai, xử lý tranh chấp trên biển, ngăn ngừa tàu vi phạm vùng biển nước ngoài, TP Đà Nẵng đã phân quyền quản lý khai thác, sử dụng, xử lý dữ liệu giám sát tàu cá cho các đơn vị gồm: Chi cục Thủy sản, Ban quản lý Âu thuyền và Cảng cá Thọ Quang, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố, Đồn Biên phòng Sơn Trà, Đồn Biên phòng Phú Lộc, Sở Thông tin và Truyền thông, Công an thành phố (phòng An ninh Kinh tế), Văn phòng đại diện Kiểm soát nghề cá và Trung tâm Giám sát, điều hành thông minh TP Đà Nẵng (Trung tâm IOC) cùng phối thực hiện theo dõi, giám sát 24/24 giờ hoạt động tàu cá Đà Nẵng trên biển.
Nhờ triển khai đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, đến nay tại TP Đà Nẵng chưa phát hiện các trường hợp vi phạm nghiêm trọng khai thác IUU (chưa có tàu cá của thành phố vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý; gửi, vận chuyển thiết bị VMS; môi giới, móc nối, vi phạm khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài).