Đà Nẵng trao chứng nhận đầu tư cho nhiều dự án lớn
Thành phố Đà Nẵng trao chứng nhận đầu tư cho 4 dự án lớn; trong đó có dự án Dentium Việt Nam có tổng vốn đầu tư 177 triệu USD.
Chiều 17/1, tại Diễn đàn các thành phố hữu nghị và hợp tác Đà Nẵng 2025, TP.Đà Nẵng đã ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác giữa Đà Nẵng với thành phố Genoa (Ý) và Aktau (Kazakhstan).
Đáng chú ý, thành phố Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho nhiều dự án.
Cụ thể, Đà Nẵng đã trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án Trung tâm thương mại Aeon Mall với tổng vốn đầu tư 3 triệu USD.
Đà Nẵng cũng trao chứng nhận đầu tư dự án Dentium Việt Nam của Công ty TNHH ICT VINA (Hàn Quốc), dự án sản xuất pin nhiên liệu 280 tấm/năm và sản xuất răng nhân tạo 260 tấn/nam với tổng giá trị đầu tư 177 triệu USD.
Ngoài ra, Đà Nẵng trao chứng nhận đầu tư cho Dự án của Công ty cổ phần Trung tâm dữ liệu quốc tế Đà Nẵng (Việt Nam), có quy mô đầu tư 1.000 rack, trong đó có 10 rack cung cấp dịch vụ điện toán đám mây, tổng vốn đầu tư 31,4 triệu USD.
Đà Nẵng cũng trao Giấy chứng nhận đầu tư Dự án Nhà máy sản xuất khuôn mẫu công nghệ cao VMR của Công ty TNHH Liên doanh Viedam; với vốn đầu tư 10 triệu USD.
Cũng tại sự kiện này, TP.Đà Nẵng cũng đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác về đào tạo bán dẫn và AI giữa Trung tâm nghiên cứu, đào tạo thiết kế vi mạch và trí tuệ nhân tạo Đà Nẵng với các công ty Synopsys, Intel, Tresemi, ASA holding.
Phát biểu tại Diễn đàn các thành phố hữu nghị và hợp tác Đà Nẵng 2025, Bí thư Đà Nẵng, ông Nguyễn Văn Quảng cho biết sau sự kiện này, bản đồ hợp tác quốc tế của Thành phố được mở rộng đến 50 quốc gia tại 24 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đây là dấu mộc quan trọng trong hợp tác quốc tế của Đà Nẵng.
Theo Bí thư Đà Nẵng, Thành phố hướng đến mục tiêu đối ngoại trong thời đại mới cần dựa trên nền tảng của tình cảm chân thành, sự tin cậy vững chắc, sự tôn trọng bình đẳng và mục tiêu cùng nhau phát triển thịnh vượng.
Thành phố Đà Nẵng được Trung ương trao cho những cơ chế chính sách đặc thù và ưu đãi như xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, Khu thương mại tự do và các chính sách ưu đãi khác dành cho khoa học công nghệ, hạ tầng số và các ngành mới nổi như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo…
Vì vậy, Đà Nẵng xác định ngoại giao kinh tế là mũi nhọn, đẩy mạnh ngoại giao khoa học công nghệ làm trọng tâm; mong muốn nhận được sự kết nối, sự đồng hành từ các địa phương có quan hệ hữu nghị và hợp tác trong việc giới thiệu với các nhà đầu tư chiến lược, nhà đầu tư lớn trong các lĩnh vực mà thành phố ưu tiên.
“Thành phố Đà Nẵng cam kết tạo môi trường đầu tư thông thoáng, minh bạch, hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư và kinh doanh tại Đà Nẵng”, ông Quảng cam kết.
Bí thư Đà Nẵng cũng khẳng định, Thành phố luôn coi trọng hợp tác song phương, duy trì cơ chế đối thoại, thúc đẩy và làm sâu sắc hơn hợp tác quốc tế cấp địa phương của thành phố trên mọi lĩnh vực chính trị- kinh tế- văn hóa.
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, kinh tế tri thức và các lĩnh vực phát triển bền vững…