Đà Nẵng thông qua những quyết sách lịch sử
Kỳ họp chuyên đề của Hội đồng nhân dân TP Đà Nẵng ngày 26-4 đã thông qua 15 nghị quyết, trong đó có những nghị quyết mang tính lịch sử liên quan đến việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã.

Toàn cảnh kỳ họp chuyên đề của HĐND TP.
Kỳ họp đã xem xét đề án sáp nhập tỉnh, hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam; đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố Đà Nẵng. 100% đại biểu có mặt tại kỳ họp đã tán thành chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã. Cụ thể, tán thành chủ trương hợp nhất toàn bộ diện tích tự nhiên, quy mô dân số của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng thành một đơn vị hành chính cấp tỉnh mới có tên là thành phố Đà Nẵng, trung tâm chính trị-hành chính đặt tại Đà Nẵng hiện nay.
Theo đề án, tổng diện tích tự nhiên của thành phố Đà Nẵng sau khi hợp nhất sẽ là 11.867,18 km², đạt khoảng 791,15% tiêu chuẩn diện tích của một thành phố trực thuộc Trung ương theo quy định hiện hành. Về dân số, tổng quy mô dân số sau khi sáp nhập là hơn 3 triệu người, tương đương 306,56% tiêu chuẩn dân số của thành phố trực thuộc Trung ương. Việc hợp nhất Đà Nẵng và Quảng Nam được kỳ vọng sẽ mở rộng không gian phát triển, tăng cường liên kết vùng, tối ưu nguồn lực đất đai, dân cư và hạ tầng, tạo động lực phát triển mới, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững trong giai đoạn tới.
Đề án cũng nêu lý do vì sao đơn vị hành chính cấp tỉnh mới có tên Đà Nẵng và nơi đặt trung tâm chính trị-hành chính là Đà Nẵng. Cụ thể, về tên gọi, thực hiện đúng nguyên tắc lựa chọn tên gọi tại Điều 7 Nghị quyết số 76/2025/UBTVQH15 ngày 14/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đà Nẵng là 1 trong 6 thành phố trực thuộc Trung ương, có tính thương hiệu cao và là một đô thị năng động, hiện đại, văn minh, với vị thế là trung tâm kinh tế, văn hóa, du lịch hàng đầu của khu vực miền Trung - Tây Nguyên và cả nước. Việc lựa chọn tên gọi Đà Nẵng sẽ góp phần khẳng định rõ hơn tầm vóc, vai trò hạt nhân của thành phố, tạo động lực mạnh mẽ để tiếp tục thu hút đầu tư, nguồn lực, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập. Thành phố Đà Nẵng đã khẳng định được thương hiệu du lịch quốc gia, với các danh lam thắng cảnh nổi tiếng như Bãi biển Mỹ Khê, Ngũ Hành Sơn và các di sản văn hóa như Thành cổ Đà Nẵng (Thành Chămpa) và Chùa Linh Ứng, Ngũ Hành Sơn. Việc chọn tên Đà Nẵng cho tỉnh mới sẽ giúp khai thác tối đa tiềm năng du lịch và dịch vụ, đóng góp mạnh mẽ vào sự phát triển kinh tế của khu vực. Việc lựa chọn tên thành phố mới là một trong hai tên gọi đã tồn tại trước khi sáp nhập là giải pháp phù hợp nhằm hạn chế tối đa các tác động phát sinh đối với người dân và doanh nghiệp, đặc biệt trong việc chuyển đổi giấy tờ, cập nhật thông tin địa lý và các thủ tục hành chính liên quan.
Về nơi đặt trung tâm chính trị-hành chính, thực hiện đúng nguyên tắc lựa chọn Trung tâm chính trị - hành chính tại Quyết định số 759/QĐ-TTg ngày 14/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt “Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 02 cấp". Đà Nẵng từng là trung tâm hành chính - chính trị trong giai đoạn lịch sử (thời điểm tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng). Đà Nẵng có hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại với hệ thống bến cảng, đường sắt, đường bộ, sân bay kết nối với các vùng và hội nhập quốc tế. Hệ thống giao thông liên kết vùng của thành phố Đà Nẵng sẽ giúp tối ưu hóa các cơ hội phát triển cho tỉnh mới, từ việc kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị đến phát triển du lịch và thương mại. Đà Nẵng là thành phố trực thuộc Trung ương, có hạ tầng hành chính đồng bộ; hạ tầng đô thị hiện đại, phát triển với vị thế là trung tâm du lịch, công nghiệp và dịch vụ quan trọng của khu vực. Đà Nẵng đáp ứng các điều kiện về quy hoạch và mở rộng không gian phát triển đô thị trong tương lai. Thành phố được quy hoạch theo hướng phát triển thành một đô thị lớn, sinh thái, thông minh và bền vững, có vị thế ngang tầm quốc tế. Mục tiêu quy hoạch đặt ra là xây dựng Đà Nẵng trở thành trung tâm kinh tế -xã hội quan trọng của cả nước, đóng vai trò kết nối với mạng lưới đô thị trong khu vực và thế giới.
Việc lấy ý kiến cử tri về đề án nhập tỉnh và sắp xếp đơn vị hành chính cũng đã được thực hiện rộng rãi. Tại thành phố Đà Nẵng, có 223.000/224.259 cử tri tham gia lấy ý kiến, đạt tỷ lệ 99,44%; trong đó, 99,77% cử tri đồng thuận việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Tại tỉnh Quảng Nam, có 424.060/428.270 cử tri tham gia lấy ý kiến, đạt 99,02%; trong đó, 98,52% cử tri đồng thuận với phương án nhập tỉnh.
Cũng tại kỳ họp, HĐND thành phố Đà Nẵng đã thống nhất Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn. Theo phương án sắp xếp, thành phố Đà Nẵng sau khi tổ chức lại sẽ còn 12 phường, 3 xã và 1 đặc khu. Dự kiến, sau khi HĐND TP Đà Nẵng và HĐND tỉnh Quảng Nam thông qua, các đề án sắp xếp tỉnh, xã thì các đề án này sẽ được trình Bộ Nội vụ thẩm định và trình Chính phủ báo cáo Quốc hội xem xét trước ngày 30-4-2025.

Trung tâm chính trị-hành chính của tỉnh mới sau sáp nhập đặt tại thành phố Đà Nẵng hiện nay.
Phát biểu bế mạc kỳ họp, Chủ tịch HĐND TP Ngô Xuân Thắng đề nghị UBND TP khẩn trương hoàn thiện Đề án hợp nhất thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, Đề án sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn thành phố, báo cáo Trung ương đảm bảo thời gian, tiến độ theo yêu cầu. Bên cạnh đó, các đơn vị cần phối hợp đảm bảo chất lượng, tiến độ sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy, cơ cấu đội ngũ cán bộ, công chức phù hợp với tình hình mới khi hợp nhất đơn vị hành chính cấp tỉnh, không tổ chức cấp huyện, sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính cấp xã và tổ chức hệ thống chính quyền địa phương 2 cấp theo chủ trương của Trung ương, gắn với chuẩn bị bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2026 -2031. Đồng thời, phải đảm bảo hoạt động của HĐND, UBND thường xuyên, liên tục, không gián đoạn, không ảnh hưởng đến các hoạt động của cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp.
Tại kỳ họp, HĐND TP thống nhất thành lập Sở Văn hóa thể thao và Du lịch TP Đà Nẵng trên cơ sở hợp nhất Sở Văn hóa Thể thao và Sở Du lịch, chính thức hoạt động từ 1-5-2025. HĐND TP tiến hành miễn nhiệm chức danh Ủy viên UBND thành phố đối với ông Phạm Tấn Xử, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao với lý do nghỉ hưu trước tuổi; ông Phan Thanh Long, nguyên Chánh thanh tra thành phố do chuyển công tác về Ban Nội chính Thành ủy; bầu ông Huỳnh Duy Phúc, Chánh thanh tra thành phố giữ chức danh Ủy viên UBND thành phố. Ngoài ra, HĐND TP cũng thông qua nghị quyết công nhận FPT và Marvell là đối tác chiến lược ngành vi mạch; thống nhất chuyển đổi hơn 19 ha rừng làm cụm công nghiệp Hòa Nhơn và Hòa Liên; thống nhất chủ trương đầu tư dự án Không gian đổi mới sáng tạo Đà Nẵng hơn 489 tỷ đồng...