Đà Nẵng lên phương án ứng phó với ngập lụt đô thị khi mưa lớn bất thường

TP. Đà Nẵng có 124 vị trí có nguy cơ ngập úng khi xảy ra mưa lớn cực đoan. Thành phố đã xây dựng kịch bản cụ thể ứng phó với ngập lụt trong mùa mưa bão 2024.

Qua thống kê, hiện nay trên địa bàn TP. Đà Nẵng có 124 vị trí có nguy cơ ngập úng khi xảy ra mưa lớn, cực đoan. Trong đó, quận Hải Châu 12 vị trí, quận Thanh Khê 41 vị trí, quận Liên Chiểu 29 vị trí, quận Sơn Trà 14 vị trí, quận Ngũ Hành Sơn 08 vị trí, quận Cẩm Lệ 18 vị trí và huyện Hòa Vang 02 vị trí.

Đà Nẵng ngập sâu hồi tháng 10/2022

Đà Nẵng ngập sâu hồi tháng 10/2022

Một số vị trí, khu vực trọng điểm thường xuyên xảy ra tình trạng ngập úng nặng khi có mưa như: Khu vực xung quanh hồ Thạc Gián - Vĩnh Trung; Khu vực đường Hải Hồ; Khu vực Kiệt 640 Trưng Nữ Vương; Khu vực kênh Phong Bắc; Khu vực đường Mẹ Suốt; Khu vực đường Núi Thành; Khu vực đường Lê Tấn Trung; Khu vực cổng Khu công nghiệp Hòa Khánh; Khu vực hạ lưu cống Khe Cạn; Khu vực kênh Yên Thế - Bắc Sơn.

Ứng phó với nguy cơ ngập lụt đô thị trong mùa mưa bão năm 2024, TP. Đà Nẵng xây dựng 4 kịch bản gồm: Ứng phó với mưa vừa (lượng mưa dưới 50mm/trận mưa); mưa to đến rất to (lượng mưa từ 50 – 300 mm/trận mưa); mưa lớn bất thường (lượng mưa lớn hơn 300 mm/trận mưa); và ứng phó với dự báo bão có thể xảy ra. Trong đó, thực hiện việc hỗ trợ di dời khẩn cấp người dân đến nơi an toàn khi có dự báo mưa lớn bất thường (lượng mưa trên 300 mm/trận mưa).

Cụ thể, khi có dự báo mưa lớn bất thường, UBND các quận huyện trên địa bàn thành phố triển khai khẩn cấp các biện pháp huy động tổng hợp các nguồn lực trên địa bàn để thực hiện công tác phòng chống và ứng phó, hỗ trợ di dời người dân đến nơi an toàn, bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân.

Song song, tuyên truyền người dân chủ động dự trữ nước sạch, lương thực, thực phẩm cần thiết, thuốc chữa bệnh thông thường để sử dụng. Cung cấp thông tin về tình trạng ngập úng tại khu vực sinh sống cho cơ quan chức năng, báo, đài và chính quyền địa phương để được trợ giúp, ứng cứu kịp thời. Thường xuyên theo dõi tình hình dự báo, cảnh báo, hướng dẫn của cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp phòng, tránh, không đi vào khu vực ngập sâu, nguy hiểm. Quản lý trẻ em, chăm sóc người già, người bệnh, người tàn tật (nếu có) an toàn. Kiểm tra an toàn các thiết bị điện, hàng hóa, vật tư, sắp xếp đồ đạc và tài sản ở những nơi cao ráo. Chấp hành lệnh sơ tán, di dời của chính quyền địa phương đến nơi an toàn.

Triển khai lực lượng phân luồng, điều phối, hướng dẫn giao thông, cắm biển báo tại các khu vực, tuyến đường nguy hiểm, bị ngập sâu để người dân biết và hạn chế đi lại. Huy động và cung ứng phương tiện vận tải để vận chuyển người, hàng hóa qua các khu vực nguy hiểm, ra khỏi vùng ngập sâu, bị chia cắt được an toàn, đảm bảo giao thông huyết mạch tại các tuyến đường quan trọng, cửa ngõ ra vào thành phố, duy trì hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành, chỉ huy thông suốt trong quá trình triển khai thực hiện.

Thực hiện biện pháp huy động khẩn cấp về nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân… trên địa bàn để tổ chức ứng phó.

Các Sở, ngành đơn vị liên quan sẵn sàng chuẩn bị nhân vật lực trong trường hợp thành phố huy động tổng hợp các nguồn lực để thực hiện công tác truyền thông, phòng chống, ứng phó ngập úng và hỗ trợ người dân di dời đến nơi an toàn.

Phối hợp với UBND quận, huyện triển khai lực lượng, phương tiện (xe tải, xe buýt, ca nô, tàu, thuyền, xuồng…) hỗ trợ công tác sơ tán, di dời người dân và tài sản của nhân dân tại các khu vực ngập sâu, bị chia cắt, cô lập đến nơi an toàn, trợ giúp người dân đi lại an toàn và tổ chức việc cứu hộ - cứu nạn khi xảy ra ngập úng. Sẵn sàng phối hợp với các đơn vị, hỗ trợ, tiếp ứng cho các địa phương khi cần thiết.

Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố, Công an thành phố điều lực lượng đến các vị trí trọng điểm, xung yếu: khu vực Khe Cạn (phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê); khu vực đường Mẹ Suốt (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu); khu vực đường Nguyễn Nhàn (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ)...

Phối hợp, hỗ trợ địa phương đưa người dân sơ tán, di dời về nơi ở cũ an toàn, trật tự sau khi nước rút.

Trước đó, đợt mưa ngập lịch sử tháng 10/2022, mưa lớn kéo dài đã gây ngập 52/56 xã, phường thuộc 7 quận huyện trên địa bàn thành phố gây thiệt hại nặng nề cho người và tài sản của thành phố.

Vũ Lê

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/da-nang-len-phuong-an-ung-pho-voi-ngap-lut-do-thi-khi-mua-lon-bat-thuong-345878.html
Zalo