Đà Nẵng làm gì để phát triển trung tâm tài chính?

Các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Mỹ, Singapore, Trung Đông, Thụy Sĩ rất quan tâm đến phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng.

Các quỹ đầu tư tài chính quốc tế quan tâm

Ngày 16/1, UBND thành phố Đà Nẵng tổ chức Hội thảo “Phát triển Trung tâm tài chính khu vực và quốc tế tại Việt Nam”.

Chia sẻ tại hội thảo, ông Hồ Kỳ Minh, Phó chủ tịch thường trực UBND TP.Đà Nẵng cho biết, các nhà đầu tư, quỹ đầu tư tài chính quốc tế đến từ Mỹ, Singapore, Trung Đông, Thụy Sĩ rất quan tâm đến phát triển trung tâm tài chính tại Đà Nẵng theo hướng gắn với đổi mới sáng tạo, tài chính xanh, công nghệ tài chính, tài chính thương mại.

Về mô hình chung, TP.Đà Nẵng đề xuất phát triển hệ sinh thái của trung tâm tài chính đa thành phần, tập trung theo 3 nhóm dịch vụ.

Thứ nhất là cung cấp các dịch vụ tài chính quốc tế như dịch vụ thanh toán, thương mại quốc tế, dịch vụ quản lý rủi ro và giao dịch ngoại hối, dịch vụ tài chính xanh, trong đó có các dịch vụ tài chính gắn liền với sự phát triển của Khu thương mại tự do Đà Nẵng.

Thứ hai là các dịch vụ fintech và techfin như cung cấp phần mềm, nền tảng ứng dụng để thực hiện dịch vụ thanh toán, giao dịch tài sản mã hóa, các giải pháp đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực tài chính dựa trên trí tuệ nhân tạo, cơ sở dữ liệu lớn, điện toán đám mây, blockchain…; đồng thời cung cấp không gian ươm tạo cho các startup, các công ty fintech tìm kiếm sự tăng trưởng, đổi mới và quốc tế hóa.

Đà Nẵng đang quyết tâm thành lập Trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: BTC

Đà Nẵng đang quyết tâm thành lập Trung tâm tài chính quốc tế. Ảnh: BTC

Thứ ba là các dịch vụ hỗ trợ đầu tư, phát triển doanh nghiệp và dịch vụ tiện ích như kiểm toán, kế toán, dịch vụ pháp lý, tư vấn thuế, hải quan, các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, casino, cho thuê, định giá bất động sản và các tài sản liên quan để tạo hệ sinh thái đa dạng, phát triển Đà Nẵng theo định hướng trung tâm tài chính và giải trí thế giới.

"Để phục vụ cho việc thiết lập khu phức hợp trung tâm tài chính, TP.Đà Nẵng đã quy hoạch quỹ đất 6,17ha với điều kiện vị trí kết nối, hạ tầng thuộc loại tốt nhất của Việt Nam để thiết kế chức năng văn phòng, cung cấp các dịch vụ nghỉ dưỡng, hội nghị, giải trí, tiện ích", ông Minh nói.

Đà Nẵng cũng bố trí khu đất 9,7ha để phát triển các dịch vụ công nghệ tài chính nằm liền kề Khu công viên phần mềm số 2 - một khu vực trọng điểm thu hút các công ty công nghệ tiên tiến với cơ sở hạ tầng và công nghệ thông tin chất lượng cao.

Đà Nẵng đang muốn thúc đẩy tăng trưởng bằng cách khai thác các động lực mới.

Đà Nẵng đang muốn thúc đẩy tăng trưởng bằng cách khai thác các động lực mới.

Đóng góp thêm 3-5 tỷ USD hàng năm vào GDP của Việt Nam

Đóng góp ý kiến cho kế hoạch của Đà Nẵng, ông Andy Khoo, CEO của Terne Holdings cho rằng: "Với Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng, chúng ta có thể đóng góp thêm 3-5 tỷ USD hàng năm vào GDP của Việt Nam và biến tầm nhìn này thành hiện thực".

Theo vị CEO này, ở phía Bắc, Hà Nội là trung tâm chính cho việc hoạch định chính sách và quản lý nhà nước. Ở phía Nam, TPHCM là trung tâm tài chính trọng điểm, đóng vai trò cửa ngõ toàn cầu cho thị trường vốn và tài chính doanh nghiệp. Giờ đây, Đà Nẵng xuất hiện như một cầu nối chiến lược giữa hai đầu tàu kinh tế này.

"Khác với trung tâm tài chính tại TPHCM tập trung vào thị trường vốn, Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng có thể chuyên sâu vào tài chính xanh, tạo thuận lợi thương mại, và đổi mới fintech, phù hợp với các xu hướng thị trường toàn cầu", ông Andy Khoo phân tích.

Vị này khuyến nghị việc tập trung vào tài chính xanh, tài chính thương mại và đổi mới kỹ thuật số sẽ giúp Trung tâm Tài chính quốc tế Đà Nẵng tạo ra sự khác biệt rõ nét. Khu vực kinh tế đặc biệt (SEZ) và Cảng Tự do (Le Freeport) sẽ cung cấp các lợi thế về thuế và giải pháp lưu trữ cho các tài sản có giá trị cao. Vận hành bằng tiếng Anh là bắt buộc để đảm bảo sự tin cậy từ các nhà đầu tư quốc tế.

Để định vị Đà Nẵng trở thành trung tâm tài chính tiếp theo của Đông Nam Á, theo ông Andy Khoo, cần tập trung vào ba trụ cột chiến lược, phù hợp với những thế mạnh và cơ hội độc đáo của thành phố: tài chính xanh, đổi mới Fintech, và tài chính thương mại.

Theo TS Andreas Baumgartner, CEO của Viện Metis, các trung tâm tài chính quốc tế thành công cần có một môi trường quản trị và pháp lý mạnh mẽ, minh bạch và đáng tin cậy. Điều này đòi hỏi sự tin tưởng rằng khung pháp lý mà họ vận hành phải dự đoán được, rõ ràng, ổn định, đáng tin cậy và phù hợp với các tiêu chuẩn toàn cầu. Trung tâm Tài chính quốc tế Dubai và Thị trường Toàn cầu Abu Dhabi tại UAE là những ví dụ điển hình, với hệ thống pháp lý vững chắc dựa trên luật thông lệ Anh, các quy định rõ ràng và một cấu trúc quản lý minh bạch.

Ví xây dựng một trung tâm tài chính quốc tế giống như chạy một cuộc marathon, TS Andreas Baumgartne lưu ý "không phải lúc nào cũng dễ dàng và sẽ đòi hỏi rất nhiều sự kiên trì cũng như sức bền".

"Sẽ có những lúc các bạn tự hỏi liệu điều này có thực sự đáng giá hay không. Nhưng, tôi đảm bảo với các bạn: Nếu nhìn vào những gì mà các trung tâm tài chính đã đạt được ở những nơi khác, những gì họ đã tạo ra và kích hoạt, câu trả lời rõ ràng là: Có, chúng xứng đáng với mọi nỗ lực!

Chúng có thể và chắc chắn sẽ tạo nên sự khác biệt lớn nếu được thực hiện đúng cách!", TS Andreas Baumgartner nhấn mạnh.

Lương Bằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/da-nang-lam-gi-de-phat-trien-trung-tam-tai-chinh-2364003.html
Zalo