Đà Nẵng: Khẩn trương 'hiện thực hóa 'chính sách đặc thù về khoa học công nghệ hỗ trợ doanh nghiệp
Sở KH&CN Đà Nẵng khẩn trương xây dựng các Nghị quyết của HĐND TP về các chính sách đặc thù phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo để triển khai ngay sau khi Nghị quyết 136/2024/QH15 của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ 1/1/2025.
Những chính sách đột phá, tháo gỡ nhiều vướng mắc
Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) TP Lê Thị Thục cho biết, Nghị quyết 136/2024/QH15 ngày 26/6/2024 của Quốc hội về tổ chức chính quyền đô thị và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng có 4 nhóm chính sách đặc thù về KHCN, đổi mới sáng tạo mang tính đột phá, tháo gỡ nhiều điểm nghẽn, vướng mắc hiện nay.
Thứ nhất là nhóm chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp (DN), thuế thu nhập cá nhân để tạo môi trường thuận lợi, tăng tính cạnh tranh quốc tế, thúc đẩy sự phát triển DN khởi nghiệp sáng tạo trên địa bàn Đà Nẵng. Đồng thời thu hút các DN khởi nghiệp sáng tạo, DN công nghệ, các chuyên gia, nhà khoa học, quỹ đầu tư, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp đến với TP.
Thứ hai là nhóm các chính sách về hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp sáng tạo để thúc đẩy hình thành và phát triển DN khởi nghiệp sáng tạo, đặc biệt là ở giai đoạn còn non yếu, đối mặt với nhiều rủi ro thách thức của thị trường. Qua đó góp phần giúp DN vượt qua giai đoạn khó khăn ban đầu, tạo đà phát triển cho giai đoạn tiếp theo.
“Khi triển khai chính sách này, chúng tôi sẽ chú trọng thêm nhóm các dự án được phát hiện qua các cuộc thi khởi nghiệp đổi mới sáng tạo để hỗ trợ ươm tạo, phát triển dự án, kể cả đối với các dự án được phát hiện qua các cuộc thi tại các trường đại học”, bà Lê Thị Thục cho biết.
Thứ ba là chính sách cho phép thử nghiệm có kiểm soát, dưới hình thức cấp phép có thời hạn đối với công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có tính đổi mới sáng tạo để tạo điều kiện, môi trường thuận lợi đánh giá, hoàn thiện công nghệ trong điều kiện thực tế.
Khuyến khích tư duy sáng tạo, cách làm đột phá trong một số lĩnh vực, vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, nhằm mang lại giá trị, hiệu quả để phát triển DN, sản phẩm dịch vụ và đóng góp vào sự phát triển chung của TP.
Thứ tư là chính sách khai thác tài sản kết cấu hạ tầng KH&CN phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo với nội dung quy định về cơ chế chính sách hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân khởi nghiệp sáng tạo được sử dụng các không gian đổi mới sáng tạo, cơ sở vật chất và các trang thiết bị phục vụ nghiên cứu phát triển.
Đây cơ chế rất cần thiết giúp các dự án, DN khởi nghiệp sáng tạo còn non trẻ, các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các vườn ươm DN có không gian để làm việc, sản xuất thử sản phẩm, phát triển dự án, hoàn thiện công nghệ. Đồng thời có cơ hội tiếp cận, kết nối với các nguồn lực chuyên gia, nguồn lực tài chính để phát triển DN.
Theo bà Lê Thị Thục, tất cả các chính sách nêu trên đều nhằm tạo thuận lợi cho các các tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, DN khởi nghiệp đổi mới sáng tạo hầu hết còn non yếu và đang gặp rất nhiều khó khăn có thể được “chăm bón” trong 5 năm đầu như cây mới trồng, để có điều kiện tốt nhất phát triển thành những cây xanh mạnh mẽ.
Triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2025
Theo bà Lê Thị Thục, hiện nay Sở KH&CN Đà Nẵng đang phối hợp với Cục Thuế TP nghiên cứu, trình HĐND TP nghị quyết về tiêu chí, điều kiện, các trình tự thủ tục có liên quan để thực hiện các chính sách về miễn thuế theo điều 14 Nghị quyết 136 mà Quốc hội đã thông qua.
Đối với nhóm chính sách hỗ trợ phát triển các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, Sở KH&CN Đà Nẵng đang xây dựng theo hai phân khúc: Thứ nhất là các dự án được hỗ trợ thông qua các vườn ươm hoặc các tổ chức hỗ trợ tại các trường đại học. Thứ hai là các dự án đã hình thành DN, có mong muốn mở rộng phát triển sản phẩm thì Sở KHCN Đà Nẵng sẽ hỗ trợ trực tiếp.
Đối với nhóm chính sách thử nghiệm có kiểm soát dưới hình thức cấp phép có thời hạn, Sở KH&CN Đà Nẵng cũng đang xây dựng Nghị quyết của HĐND TP về việc cấp phép; loại hình, lĩnh vực được ưu tiên… Thời gian thử nghiệm 3 năm và có thể được gia hạn trong trường hợp đặc biệt. Tập trung vào các lĩnh vực công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới… trong phạm vi Khu công nghệ cao, Khu CNTT tập trung và các khu đổi mới sáng tạo của TP Đà Nẵng.
Đối với nhóm chính sách về khai thác tài sản kết cấu hạ tầng KHCN, theo bà Lê Thị Thục, hiện nay Sở KH&CN Đà Nẵng có các cơ sở với các trang thiết bị hiện đại nhưng lâu nay bị vướng, không có cơ chế để cho các DN, các vườn ươm ở bên ngoài khai thác, sử dụng. Đây cũng là tình hình chung của cả nước, liên quan đến việc sử dụng tài sản công.
Tại Nghị quyết 136, Quốc hội đã cho TP Đà Nẵng được thí điểm và Sở KH&CN Đà Nẵng đang xây dựng Nghị quyết trình HĐND TP về tiếu chí, trình tự, thủ tục… để cho các dự án của DN khởi nghiệp, các tổ chức ươm tạo, hỗ trợ khởi nghiệp được sử dụng tài sản kết cấu hạ tầng KHCN một cách trực tiếp, không qua đấu giá và có một phần hỗ trợ của nhà nước khi sử dụng.
“Theo yêu cầu của lãnh đạo TP trong năm 2024 phải hoàn thành hết việc xây dựng các Nghị quyết của HĐND TP đối với các chính sách đặc thù đặc thù về KHCN, đổi mới sáng tạo, để khi Nghị quyết 136 của Quốc hội có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2025 thì các chính sách của TP đã sẵn sàng để triển khai ngay chứ không có khoảng thời gian trống”, bà Lê Thị Thục nhấn mạnh.