Đà Nẵng: Hiệu quả đề án thành phố thông minh
Đề án xây dựng thành phố thông minh tại Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025 xác định 19 nhóm mục tiêu, 38 nhiệm vụ cụ thể và 53 chương trình, dự án ưu tiên.
Các chương trình, dự án được triển khai đồng bộ, toàn diện trên 6 trụ cột và 16 lĩnh vực chuyên ngành.
Trong quá trình triển khai phát triển kinh tế - xã hội, TP Đà Nẵng đã triển khai thêm nhiều dự án khác để phục vụ quản lý đô thị theo hướng thông minh.
UBND TP Đà Nẵng đã huy động nguồn lực từ các tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế đồng hành triển khai đề án thành phố thông minh. Nhất là Chính phủ Hàn Quốc đã viện trợ không hoàn lại để triển khai dự án trung tâm tích hợp kiểm soát khả năng phục hồi đô thị xanh và thông minh - Trung tâm ENSURE, hướng đến bổ sung, hoàn thiện các hợp phần của Trung tâm Giám sát điều hành thành phố thông minh - Trung tâm IOC.
Đà Nẵng triển khai tiếp cận thành phố thông minh theo 3 trục: hạ tầng - dữ liệu - ứng dụng thông minh. Trong đó, chính sách, khung kiến trúc để định hướng; hạ tầng, dữ liệu làm nền tảng; ứng dụng thông minh lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm để đánh giá hiệu quả.
Các ứng dụng dựa theo 6 trụ cột gồm: quản trị thông minh, giao thông thông minh, môi trường thông minh, giao thông thông minh, kinh tế thông minh, công dân thông minh.
Trong ứng dụng quản trị thông minh, thành phố đã hoàn thiện nền tảng tích hợp chia sẻ dữ liệu thành phố theo tiêu chuẩn, quy chuẩn của Bộ Thông tin và Truyền thông, kết nối với nền tảng tích hợp dữ liệu quốc gia. Từ tháng 8-2023, thành phố đã đưa vào vận hành Trung tâm IOC gồm 1 trung tâm IOC cấp thành phố và 7 trung tâm cấp huyện, cung cấp 15 nhóm dịch vụ thông minh với 159 dịch vụ giám sát và 52 dịch vụ phân tích, cảnh báo sớm phục vụ chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo thành phố, đặc biệt trong tình huống khẩn cấp. Đồng thời, thành phố đang triển khai thực hiện dự án xây dựng Trung tâm ENSURE Đà Nẵng - Module quản lý thiên tai thông minh từ nguồn viện trợ không hoàn lại, 10,5 triệu USD từ Chính phủ Hàn Quốc.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông TP Đà Nẵng, từ việc triển khai ứng dụng quản trị thông minh đã mang lại nhiều kết quả tích cực. Đến nay, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của thành phố đang dần được chuyển đổi từ môi trường truyền thống sang môi trường số dựa trên dữ liệu số và công nghệ số. Bước đầu sử dụng các nhóm dịch vụ đô thị thông minh, dịch vụ giám sát và dịch vụ phân tích, cảnh báo trên Trung tâm IOC thành phố. Một số kết quả đạt được như: theo dõi, chỉ đạo xử lý kịp thời công tác tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính; cung cấp dịch vụ công, công tác xử lý các phản ánh, kiến nghị của người dân, doanh nghiệp; theo dõi tình hình mưa ngập, kịp thời phát hiện, xử lý các điểm ngập sâu và có phương án sơ tán dân hiệu quả…
Theo đánh giá của Bộ Thông tin và Truyền thông, kinh tế số năm 2023 chiếm tỉ trọng 20,69% GRDP thành phố, tỉ lệ doanh nghiệp công nghệ số đạt 2,3 doanh nghiệp/1.000 công dân, có 2 doanh nghiệp doanh thu trên 1.000 tỉ đồng.
Ở ứng dụng công dân thông minh, tỉ lệ người dân sử dụng điện thoại di động đứng đầu toàn quốc với 276 máy/100 dân, trung bình gần 2 tài khoản mạng xã hội/người dân.
Trong giai đoạn 2026 đến 2030, thành phố tập trung nguồn lực xây dựng phát triển ngành vi mạch bán dẫn, trí tuệ nhân tạo. Phấn đấu đến năm 2030, quy mô kinh tế số chiếm 35%-40% GRDP thành phố.