Đà Nẵng: Bệnh sởi có chiều hướng gia tăng

Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, trên địa bàn TP ghi nhận các ca nghi sởi, mắc bệnh sởi đơn lẻ từ cuối năm 2024 và có chiều hướng tăng liên tục từ tháng 2/2025 đến nay.

Phó Giám đốc Sở Y tế Đà Nẵng Võ Thu Tùng cho biết, từ tháng 6/2024 đến nay các ca bệnh sốt phát ban nghi sởi và mắc sởi được báo cáo gia tăng trên phạm vi cả nước. Tại Đà Nẵng ghi nhận các ca bệnh đơn lẻ từ cuối năm 2024 và có chiều hướng tăng liên tục từ tháng 2/2025.

Ngành y tế Đà Nẵng triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắn xin phòng sởi cho trẻ chưa tiêm đủ 2 liều (Ảnh: CDC Đà Nẵng)

Ngành y tế Đà Nẵng triển khai chiến dịch tiêm bổ sung vắn xin phòng sởi cho trẻ chưa tiêm đủ 2 liều (Ảnh: CDC Đà Nẵng)

Tính từ đầu năm đến ngày 6/4, toàn TP ghi nhận 3.700 ca nghi sởi (cùng kỳ năm 2024 có 11 ca báo cáo); 973 trường hợp có kết quả xét nghiệm dương tính với sởi (chiếm gần 84% các trường hợp lấy mẫu xét nghiệm). Số bệnh nhân sởi điều trị nội trú tại các sở sở y tế cũng gia tăng, giữ mức cao với 550 trường hợp trong tháng 3/2025 và hiện có 317 bệnh nhân (khoảng 20% là bệnh nhân ngoại tỉnh) đang điều trị, trong đó có 21 ca bệnh phân loại mức độ nặng (gần 36% là bệnh nhân ngoại tỉnh).

Qua phân tích, Sở Y tế Đà Nẵng ghi nhận gần 60% bệnh nhân là trẻ đã đến tuổi nhưng chưa tiêm đủ mũi vắc xin có chứa thành phần sởi, 8,5% bệnh nhân đã tiêm 2 liều vắc xin phòng sởi. Về độ tuổi, gần 13% bệnh nhân dưới 9 tháng tuổi; 16,5% bệnh nhân 9 - 24 tháng tuổi; gần 22% bệnh nhân trên 2 - 5 tuổi; hơn 27% bệnh nhân trên 5 - 11 tuổi và gần 22% bệnh nhân trên 11 tuổi; có hơn 57% bệnh nhân là trẻ trong độ tuổi đi học.

Sở Y tế Đà Nẵng cho biết, từ ngày 25 - 31/3, ngành y tế TP đã triển khai chiến dịch tiêm vắc xin sởi tại 47/47 xã, phường. Theo đó, có 21.560 trẻ em từ 6 – 9 tháng tuổi và trẻ em từ 1 – 10 tuổi chưa tiêm đủ 2 liều vắc xin phòng sởi được tiêm bổ sung, đạt tỷ lệ 96,23% (đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra); trong đó có hơn 5.000 trẻ tiêm vắc xin dịch vụ.

Hiện hệ thống khám chữa bệnh của Đà Nẵng đủ khả năng đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân sởi. Bên cạnh khám chữa bệnh thường xuyên theo phân công, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên địa bàn bố trí sẵn sàng 650 – 700 giường bệnh điều trị nội trú cho bệnh nhân nghi sởi, sởi và khoảng 30 giường điều trị bệnh nhân sởi nặng; nhân lực, trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để điều trị bệnh sởi được bảo đảm.

Từ đầu năm 2025 đến nay, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Đà Nẵng đã cấp phát gần 7.000 liều vitamin A liều cao cho các cơ sở khám, chữa bệnh phục vụ điều trị bệnh nhân sởi; hiện còn 12.800 liều vitamin A liều cao đủ cung cấp cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong 6 tháng tới theo và tiếp tục đề nghị Bộ Y tế cấp phát thêm.

Theo CDC Đà Nẵng, hiện nay bệnh sởi chưa có thuốc điều trị đặc hiệu; chủ yếu là điều trị triệu chứng và biến chứng, bổ sung vitamin A và bảo đảm dinh dưỡng. Việc phòng bệnh chủ động chủ yếu là nhờ tiêm 2 mũi vắc xin khi trẻ đủ 9 tháng tuổi và liều thứ 2 khi trẻ được 18 tháng tuổi. Hiệu quả của vắc xin phòng bệnh sởi là rất cao khi tiêm đủ mũi theo quy định, còn nếu chỉ tiêm một mũi thì hiệu quả phòng bệnh chỉ đạt 85%. Khi đã tiêm đủ mũi vắc xin, trẻ sẽ không có nguy cơ mắc sởi hoặc nếu nhiễm sởi sẽ biểu hiện rất nhẹ.

Hải Châu

Nguồn Doanh Nghiệp: https://doanhnghiepvn.vn/tin-tuc/da-nang-benh-soi-co-chieu-huong-gia-tang/20250406040811058
Zalo