Đà Lạt: Công nhận 55 cơ quan, đơn vị đạt 'Đơn vị học tập'
UBND TP Đà Lạt vừa có Quyết định số 304/QĐ-UBND về việc công nhận 55 cơ quan, đơn vị đạt 'Đơn vị học tập'.
![Học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương (Phường 1, TP Đà Lạt) trong ngày khai giảng năm học mới](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_06_439_51408680/a99eca82f5cc1c9245dd.jpg)
Học sinh Trường Tiểu học Trưng Vương (Phường 1, TP Đà Lạt) trong ngày khai giảng năm học mới
Quyết định công nhận 55 cơ quan, đơn vị đạt "Đơn vị học tập” thành phố; trong đó, có 36 “Đơn vị học tập” được xếp mức độ 1 và 19 đơn vị được xếp mức độ 2.
Các cơ quan, đơn vị được công nhận mức độ 1 sau ít nhất 1 năm kể từ ngày ra quyết định công nhận có thể đề nghị đánh giá, công nhận mức độ 2. Kết quả công nhận được bảo lưu trong thời hạn 3 năm tiếp theo năm được công nhận là “Đơn vị học tập” thành phố.
Đơn vị học tập là các cơ quan, đoàn thể mà trong đó mọi người được tạo điều kiện thuận lợi và có nhu cầu tự học, học tập thường xuyên, học cách học cùng nhau nhằm mở rộng hiểu biết trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.
Việc đánh giá, xếp loại "Đơn vị học tập" nhằm tạo cơ hội và điều kiện cho thành viên trong đơn vị được học tập thường xuyên, học tập suốt đời, xây dựng mẫu hình công dân học tập trong các đơn vị, làm nòng cốt trong việc xây dựng các mô hình học tập trong cộng đồng, góp phần xây dựng xã hội học tập.
Trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 24/2023/TT-BGDĐT quy định về đánh giá, công nhận “Đơn vị học tập” cấp huyện, tỉnh. Theo Thông tư, việc đánh giá, công nhận "Đơn vị học tập" cấp huyện, tỉnh nhằm khuyến khích đầu tư và huy động các nguồn lực hỗ trợ cho việc học tập, tạo động lực học tập. Nguyên tắc đánh giá, công nhận là công khai, dân chủ, minh bạch; đúng thẩm quyền, mức độ, tiêu chí, điều kiện, quy trình đánh giá, công nhận quy định tại Thông tư này.