Đạ Huoai chuyển đổi cơ cấu cây trồng hiệu quả cao
Từ đầu năm 2025 tới nay, các đơn vị, địa phương tại huyện Đạ Huoai đã tích cực vận động, khuyến khích Nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng nhằm tăng giá trị nông sản.

Tổ nghiệm thu của xã Quảng Trị nghiệm thu 5.000 m2 chuyển đổi cây trồng của gia đình ông Phạm Văn Lương
Gia đình ông Phạm Văn Lương (59 tuổi, ngụ Thôn 4, xã Quảng Trị) vừa được tổ kiểm tra của chính quyền xã nghiệm thu đủ điều kiện chuyển đổi cây trồng trên diện tích 5.000 m2 với mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha cây trồng chuyển đổi. Ông Lương cho biết, trước đây, 5 sào đất sình lầy, nhiễm phèn, gia đình trồng một số loại cây ngắn ngày nhưng đạt hiệu quả không cao. Khoảng 1 năm nay, ông quyết định chuyển qua trồng cây măng cụt. Cây trồng mới phát triển khá tốt, dự kiến khoảng hơn 1 năm nữa sẽ cho trái bói. “Loại cây ăn trái này, một số hộ tại địa phương đã trồng cho hiệu quả, đầu ra ổn định cao nên tôi mạnh dạn chuyển đổi. Với sự hỗ trợ, khuyến khích từ địa phương, gia đình hi vọng việc chuyển đổi cây trồng sẽ sớm đem lại giá trị kinh tế cao hơn”, ông Lương chia sẻ.
Ông Hà Vĩnh Du - Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Trị cho biết, với mục tiêu cùng với cả huyện tiếp tục chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý, hiệu quả cao hơn, năm 2025, xã Quảng Trị đăng ký chuyển đổi 58,2 ha, tăng mạnh so với năm 2024 (20 ha). Các cây trồng sau khi được rà soát, nghiệm thu đủ điều kiện chuyển đổi của nông dân chủ yếu từ diện tích cây trồng hiệu quả thấp dưới 50 triệu đồng/ha/năm sang các cây trồng như: sầu riêng, cà phê, măng cụt, chôm chôm,…với mức hỗ trợ của huyện là 8 triệu đồng mỗi ha đối với cây sầu riêng, các loại cây còn lại được hỗ trợ chuyển đổi 5 triệu đồng/ha.
Phòng Nông nghiệp và Môi trường huyện Đạ Huoai cho biết, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng là nhiệm vụ được thực hiện liên tục, xuyên suốt trong nhiều năm qua. Như trong năm 2021, địa phương đã tập trung chuyển đổi 127 ha cao su sang trồng cây ăn quả theo hướng thâm canh tăng năng suất và chất lượng sản phẩm và hơn 995,6 ha cây điều già cỗi sang trồng các loại cây sầu riêng, cam, mít... có giá trị kinh tế cao hơn. Trong năm, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành quyết định công nhận vùng sản xuất sầu riêng ứng dụng công nghệ cao xã Hà Lâm với quy mô 300 ha, tạo bước đột phá mới trong tái cơ cấu trồng trọt của toàn ngành Nông nghiệp địa phương.
Riêng năm 2025, kế hoạch chuyển giao khoa học, công nghệ trong sản xuất nông nghiệp và hỗ trợ chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả kinh tế và phát triển bền vững đặt ra chuyển đổi khoảng 884,62 ha đất trồng kém hiệu quả sang các loại cây trồng hiệu quả cao với tổng dự toán hỗ trợ trên 6,5 tỷ đồng từ nguồn chi thực hiện các chương trình nông nghiệp thuộc sự nghiệp kinh tế của địa phương. Cụ thể, chuyển sang trồng nhiều nhất là cây sầu riêng ghép (trên 545 ha), cà phê (145,8 ha), cao su (105,3 ha), cây trồng khác (60,53 ha) và cây dâu tằm (27,77 ha).
Trong đó, Đạ Huoai tập trung tuyên truyền, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng với việc đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm nước để đảm bảo thích ứng với biến đổi khí hậu. Đồng thời, phổ biến, hướng dẫn, đào tạo, nâng cao nhận thức, kỹ năng cho nông dân về giống cây trồng (giống mới, giống ghép...) cũng như quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, phòng, chống dịch hại; sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường (VietGAP, hữu cơ), truy xuất nguồn gốc, xây dựng mã số vùng trồng; ứng dụng các thiết bị tiên tiến, hiện đại trong sản xuất.
Bên cạnh đó, huyện đã và đang xây dựng các mô hình ứng dụng, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, có điều kiện phù hợp để người dân tham khảo phát triển và khả năng nhân rộng trên địa bàn như: Mô hình Thâm canh tăng năng suất cà phê, Mô hình Phòng trừ bệnh nứt thân xì mủ trên cây sầu riêng, Mô hình Trình diễn giống lúa nếp A Sào và Mô hình Trình diễn giống lúa mới HG12.
Theo đánh giá từ ngành Nông nghiệp huyện, chuyển đổi cơ cấu cây trồng là một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững. Qua 3 năm thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng kém hiệu quả sang cây trồng khác mang lại hiệu quả kinh tế khả quan, giúp người nông dân biết cách khai thác nguồn tài nguyên đất một cách hợp lý, ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật trong sản xuất, đồng thời sử dụng cơ giới hóa nhằm giảm công lao động trong nông nghiệp, hướng đến xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, phát triển bền vững.