'Đá đưa' không có nghĩa là... 'Đưa cục đá'!

Thực ra, riêng hai chữ 'đá đưa' (nghĩa đen = đánh sang bên nọ, đưa sang bên kia) đã có thể độc lập trong hành chức, mà không phụ thuộc vào từ 'đầu lưỡi'. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex) giảng nghĩa 1 của 'đá đưa' là '[mồm miệng] nói năng khéo léo nhưng không thành thật, chỉ cốt làm vừa lòng người nghe' và lấy ví dụ 'Cô ta nói đá đưa để lấy lòng khách'.

Độc giả Hoàng Minh Khanh hỏi:

“Hôm nay tôi đọc được bài của SH mới biết một vị cố vấn của chương trình Vua Tiếng Việt cho rằng “Đá đưa đầu lưỡi” là một câu tục ngữ, và đã giải thích cho người chơi và khán giả hiểu như sau:

“Viên đá nó nặng, nên đặt lên đầu lưỡi nó hay rơi. Ý là những người họ không thật thà, họ nói nhưng mà có khi là cái lời nói của họ không được bảo đảm về cái tính chính xác, hay là tính cam kết của nó”.

Cách giảng giải của vị cố vấn này tôi thấy không ổn, nhưng giải thích thế nào cho đúng thì tôi lại lờ mờ, trong khi tác giả SH viết kiểu hài hước, nên tôi vẫn chưa rõ thành ngữ này được hiểu như thế nào. Là người thường xuyên theo dõi những bài viết trên chuyên mục Cà kê chuyện chữ nghĩa, hôm nay tôi mong muốn chuyên mục giải thích về câu “Đá đưa đầu lưỡi” để tôi và độc giả hiểu thêm và cũng góp phần “nhặt sạn” cho chương trình.

Trân trọng cảm ơn”.

Trả lời:

Đúng như nhận xét của độc giả Hoàng Minh Khanh. Cách giải thích của vị cố vấn nọ “không ổn”.

Thứ nhất, “Đá đưa đầu lưỡi” là một thành ngữ, vì nội dung của nó chỉ là một lối nói ví von; trong khi tục ngữ là sự tổng kết, đúc rút tri thức, kinh nghiệm.

Thứ hai, vị cố vấn nọ đã có một nhầm lẫn tai hại. “Đá” trong câu “Đá đưa đầu lưỡi” là một động từ, đã bị hiểu lầm thành “đá” là “viên đá” (danh từ), rồi hiểu nghĩa hiển ngôn cả câu là “đá đặt ở đầu lưỡi”(!).

Về nghĩa đen, chúng tôi đã nhiều lần lưu ý rằng, dân gian thường dựa vào sự quan sát, nhận thức sự vật, hiện tượng (thường là lặp đi lặp lại) trong thực tế đời sống để đúc kết, khái quát nên thành ngữ, tục ngữ. Bởi thế, không ai đặt “viên đá” “nặng” lên “đầu lưỡi” để làm gì, và khiến nó phải “rơi” xuống, rồi từ đây hình thành nên nghĩa đen “đá đưa đầu lưỡi”. Nếu vậy, phải nói là “đá đặt đầu lưỡi”, hay “đá để đầu lưỡi” chứ, sao lại là “đá đưa đầu lưỡi”?

Thực ra, riêng hai chữ “đá đưa” (nghĩa đen = đánh sang bên nọ, đưa sang bên kia) đã có thể độc lập trong hành chức, mà không phụ thuộc vào từ “đầu lưỡi”. Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê chủ biên - Vietlex) giảng nghĩa 1 của “đá đưa” là “[mồm miệng] nói năng khéo léo nhưng không thành thật, chỉ cốt làm vừa lòng người nghe” và lấy ví dụ “Cô ta nói đá đưa để lấy lòng khách”.

Với từ “đầu lưỡi”, từ điển này giảng nghĩa thứ hai “chỉ là ở lời nói, không thật bụng”, và đưa ra ngữ liệu “Những người (...) chỉ tỏ ra trung thành ở đầu lưỡi thì cũng không thể bênh vực con ...” (Lê Lựu)”.

Như vậy, thành ngữ “Đá đưa đầu lưỡi” có thể hiểu theo nghĩa diễn đạt liền mạch là “đá đưa [ở] đầu lưỡi” hoặc “đá đưa [cái] đầu lưỡi”.

Tuy nhiên, đây là thành ngữ kết cấu theo lối hai vế đăng đối “đá đưa, đầu lưỡi” - một cách nói nhấn mạnh của “đá đưa” hoặc “đầu lưỡi”. Ví dụ, thay vì nói “Thằng ấy chỉ ‘đá đưa’ vậy thôi”, thì người ta chọn cách nói nhấn mạnh hơn: “Thằng ấy chỉ ‘đá đưa đầu lưỡi’ vậy thôi”. Tương tự, thay vì nói “Đó chỉ là chuyện đầu lưỡi...”, thì người ta nói “Đó chỉ là chuyện đá đưa đầu lưỡi...”.

Kết cấu đăng đối của “Đá đưa, đầu lưỡi” giống với các câu “Đầu môi, chót lưỡi”, hoặc “Khua môi, múa mép”, “Khua môi, múa mỏ”...

Bởi vị cố vấn nọ hiểu sai về nghĩa của các yếu tố cấu tạo nên thành ngữ “Đá đưa đầu lưỡi”, nên cách giảng “những người họ không thật thà, họ nói nhưng mà có khi là cái lời nói của họ không được bảo đảm về cái tính chính xác, hay là tính cam kết của nó”, đã không nêu bật được nghĩa cốt lõi mà dân gian muốn nói, đó là: “giọng điệu ĐONG ĐƯA khôn khéo của kẻ xảo trá, GIẢ DỐI” (Đá đưa đầu lưỡi, tinh những trương hoàng/ Sấp ngửa bàn tay, rặt màu phản phúc - Phú thế tục).

Như vậy, nếu vị cố vấn của chương trình không chủ quan, suy diễn, mà chịu khó tra cứu một chút, sẽ hoàn toàn tránh được sai sót đáng tiếc và không đáng có: hiểu lầm “đá đưa” thành “đưa cục đá”!

Hoàng Trinh Sơn (CTV)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/da-dua-khong-co-nghia-la-dua-cuc-da-31877.htm
Zalo