Đã đến thời điểm tốt nhất cho các thương vụ IPO?
Các điều kiện vĩ mô thuận lợi và những thay đổi pháp lý tiến bộ sẽ là những yếu tố hỗ trợ cho các thương vụ IPO trong thời gian tới.
Báo cáo IPO khu vực Đông Nam Á năm 2024 của Deloitte đã cập nhật những số liệu tổng kết sau một năm trầm lắng trên thị trường vốn năm vừa qua.
Deloitte cho biết, năm 2024, trên thị trường Đông Nam Á đã có 136 đợt IPO, huy động được 3,7 tỷ USD vốn và đạt giá trị vốn hóa thị trường 19,1 tỷ USD trong năm 2024.
Thị trường IPO Đông Nam Á vẫn trầm lắng trong năm 2024 với sự sụt giảm tổng số IPO từ 163 trong năm 2023 xuống 136 trong năm nay. Do đó, tổng số tiền huy động từ IPO giảm 36% và tổng vốn hóa thị trường IPO giảm 54%.
Thị trường IPO đã trải qua hai năm liên tiếp suy giảm cả về tổng số tiền huy động và vốn hóa thị trường tổng thể. Ngoài ra, số tiền huy động trung bình cho mỗi IPO đã liên tục giảm kể từ năm 2021, phản ánh môi trường khó khăn cho các đợt chào bán công khai.
Mặc dù số lượng IPO vẫn ở mức khả quan, tổng số vốn huy động đã thấp nhất trong chín năm qua, giảm so với mức 5,8 tỷ USD huy động được từ 163 đợt IPO trong năm 2023.
Khu vực này chứng kiến sự suy giảm hoạt động IPO so với năm trước, chủ yếu do thiếu các đợt niêm yết quy mô lớn. Trong năm 2024, chỉ có một IPO huy động được trên 500 triệu USD, so với bốn đợt niêm yết như vậy trong năm 2023.
Malaysia đã nổi bật như một điểm sáng ở Đông Nam Á. Nước này dẫn đầu khu vực về số lượng IPO và tổng số vốn IPO huy động được. Trong khi đó, Việt Nam chỉ có một đợt IPO niêm yết trong năm 2024 là DNSE, huy động được khoảng 37 triệu USD.
Tại thị trường Việt Nam, số tiền huy động IPO trung bình từ năm 2021 đến 2023 chỉ là 7,09 triệu USD. Lần cuối cùng Việt Nam ghi nhận một thương vụ có giá trị cao hơn 30 triệu USD là vào năm 2019 (Viglacera – huy động 68 triệu USD). Đợt IPO duy nhất năm 2024 cũng là đợt IPO đầu tiên của Việt Nam trong lĩnh vực Công nghệ tài chính, đã vượt qua hiệu suất thị trường của Việt Nam trong cả năm 2023 và gấp khoảng 5 lần số vốn trung bình huy động được từ một đợt IPO trong giai đoạn 2021-2023.
Báo cáo Deloitte cũng đề cập rằng, ngoài con đường truyền thống là IPO để được niêm yết trên sàn chứng khoán, các công ty Việt Nam còn đi theo một hướng không điển hình nhưng phổ biến là IPO theo phương thức chào bán thông thường. Theo hướng này, các công ty trước tiên cần được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước phê duyệt đơn xin trở thành Công ty đại chúng, sau đó đăng ký giao dịch trên sàn giao dịch phụ do HNX giám sát, tức là Upcom. Sau 2 năm, các công ty đại chúng này có thể nộp đơn niêm yết trên một trong hai sàn giao dịch chính là HSX và HNX theo Luật Chứng khoán số 54/2019/QH14.
Ông Bùi Văn Trịnh, Phó Tổng Giám đốc Deloitte Việt Namcho biết: "Mặc dù nền kinh tế Việt Nam gặp phải nhiều thách thức trong năm 2024 nhưng vẫn được đánh giá là thời điểm tốt cho cả nhà đầu tư hiện tại và nhà đầu tư tiềm năng tham gia thị trường. Kỳ vọng này được hỗ trợ không chỉ bởi các điều kiện vĩ mô thuận lợi bao gồm tỷ lệ lạm phát được kiểm soát và lãi suất thấp mà còn từ những thay đổi pháp lý tiến bộ để thu hút thêm đầu tư nước ngoài và hội nhập sâu hơn vào nền kinh tế toàn cầu. Quan điểm chung là thời điểm tích cực nhất vẫn đang ở phía trước”.
Trên thị trường, các kế hoạch IPO cũng đang rục rịch triển khai trong năm 2025.
Ví dụ như kế hoạch đưa cổ phiếu CTCP Hàng tiêu dùng Masan (MCH) lên sàn HoSE vào năm 2025 của Tập đoàn Masan, chủ trương phát hành cổ phiếu ra đại chúng và niêm yết hai công ty con của Tập đoàn Hoa Sen là CTCP Ống thép Hoa Sen và CTCP Nhựa Hoa Sen trên thị trường chứng khoán. Trước đó, tại ĐHĐCĐ thường niên 2024, Chủ tịch HĐQT CTCP Hoàng Anh Gia Lai cũng đã tiết lộ kế hoạch IPO và niêm yết cổ phiếu của CTCP Chăn nuôi Gia Lai….
Hay như CTCP Vinpearl - công ty con của Tập đoàn Vingroup (VIC) cũng đang tiến gần thêm đến kế hoạch quay trở lại sàn chứng khoán sau khi đã hoàn tất trở thành công ty đại chúng vào tháng 11/2024 vừa qua.