Đã đến lúc TPHCM khai thác 'mỏ vàng' sông Sài Gòn bằng các đại lộ, metro ven sông

Quy hoạch sông Sài Gòn phải dựa trên các nguyên tắc: hài hòa với thiên nhiên, đặt người dân làm trung tâm, đặc biệt không thể tách rời mục tiêu chống ngập.

Lời tòa soạn:

Sau 50 năm kể từ ngày thống nhất đất nước, TPHCM đã chuyển mình. Từ một thành phố mang nhiều vết hằn chiến tranh, ngày nay, TPHCM trở thành trung tâm kinh tế năng động bậc nhất cả nước, khoác lên diện mạo hiện đại. Nơi đây, dòng chảy đổi mới không ngừng len lỏi vào từng lĩnh vực - từ hạ tầng, công nghệ cho đến cách người dân sống, làm việc và kết nối với thế giới.

Tuy nhiên, sự phát triển nhanh chóng cũng kéo theo những "bài toán" không dễ giải: áp lực dân số, hạ tầng quá tải, biến đổi khí hậu, khoảng cách phát triển giữa nội thành và vùng ven…

Trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang triển khai nhiều quyết sách lớn để tạo thế và lực mới cho đất nước, TPHCM - với vai trò là đầu tàu - cũng cần nhanh chóng giải những "bài toán" của riêng mình với một tầm nhìn dài hạn, bao quát và thực tiễn.

VietNamNet giới thiệu loạt bài “TPHCM: Tháo gỡ những điểm nghẽn để vươn mình trong tương lai”. Đây là tập hợp những chia sẻ, đề xuất và tư vấn chiến lược từ các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực. Họ là những người đã và đang làm việc lâu năm ở các quốc gia phát triển, có góc nhìn toàn cầu nhưng luôn đau đáu với tương lai của thành phố. Tất cả đều chung một mong muốn: TPHCM sẽ trở thành một đô thị thông minh, đáng sống, hài hòa với thiên nhiên, mang bản sắc riêng trong dòng chảy toàn cầu hóa.

Bài 1: TPHCM: Nửa thế kỷ phát triển quá nhanh và những 'vết thương' cần 'chữa lành'

Bài 2: Chuyên gia tập đoàn đa quốc gia hiến kế định vị thương hiệu cho TPHCM

Bài 3: Để TPHCM trở thành trung tâm tài chính quốc tế hội tụ giới siêu giàu như Dubai

TPHCM đang đặt mục tiêu trở thành điểm đến hàng đầu châu Á vào năm 2030. Để hiện thực hóa tham vọng này, các chuyên gia cho rằng quy hoạch sông Sài Gòn cần được xem là chiến lược trọng tâm trong giai đoạn 2021-2030.

Đầu năm 2024 vừa qua, TPHCM công bố báo cáo định hướng quy hoạch sông Sài Gòn trong tổng thể phát triển đô thị.

Một trong những dự án cụ thể là tuyến đường ven sông dài khoảng 4km, từ cầu Ba Son đến cầu Bình Triệu, với tổng vốn đầu tư hơn 3.380 tỷ đồng (triển khai từ 2024-2030). Xa hơn, ý tưởng quy hoạch toàn bộ không gian ven sông dài 80km chảy qua thành phố cũng đang được các chuyên gia tích cực đề xuất và thảo luận.

Khơi dậy tiềm năng từ dòng chảy lịch sử

TS Huỳnh Đạt Vũ Khoa (Viện Địa kỹ thuật Na Uy), thành viên nhóm tư vấn quy hoạch hành lang sông Sài Gòn thuộc Tổ chức Khoa học và Chuyên gia toàn cầu (AVSE Global), cho rằng sông Sài Gòn cần được khai thác đúng cách.

Quy hoạch sông Sài Gòn cần được xem là chiến lược trọng tâm của phát triển TPHCM trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Hoàng Hà

Quy hoạch sông Sài Gòn cần được xem là chiến lược trọng tâm của phát triển TPHCM trong giai đoạn 2021-2030. Ảnh: Hoàng Hà

Ông cho rằng để quy hoạch sông Sài Gòn thành công, TPHCM cần một tầm nhìn dài hạn dựa trên sự đồng thuận giữa chính quyền, chuyên gia và cộng đồng. Đồng thời, thành phố phải học hỏi kinh nghiệm quốc tế để đảm bảo hài hòa giữa phát triển hiện đại và bảo tồn sinh thái.

Lấy cảm hứng từ các dòng sông danh tiếng như Seine (Paris) hay Thames (London), ông đề xuất hình thành không gian công cộng ven sông với lối đi bộ, đường xe đạp, công viên, quảng trường, quán cafe, tổ chức triển lãm nghệ thuật - nơi người dân và du khách có thể tận hưởng nhịp sống đô thị bên dòng nước hiền hòa.

Ý tưởng thứ hai là phát triển các khu đô thị tích hợp - gồm nhà ở, thương mại, văn phòng - được quy hoạch phân tầng, giảm dần chiều cao và mật độ về phía mép sông (từ 20, 50 đến 100 mét tùy khu vực). Cách làm này, theo ông Khoa, sẽ tạo không gian thoáng đãng, tránh cảm giác “bức tường bê tông” ven sông. Mô hình tương tự đã được London áp dụng hiệu quả.

Giao thông đường thủy cũng cần được chú trọng hơn. “Sông Sài Gòn có thể trở thành một trục giao thông quan trọng, nơi hoạt động của các tuyến phà, tàu du lịch, taxi nước phát triển như trên sông Seine” - vị chuyên gia nhận định. Điều này không chỉ giúp giảm tải giao thông đường bộ mà còn tăng khả năng kết nối giữa các khu vực đô thị.

Một điểm nhấn khác trong đề xuất của AVSE là việc khai thác chiều sâu văn hóa - lịch sử của dòng sông. Những di sản như bến Nhà Rồng, bến Bạch Đằng cần được tôn vinh để góp phần định hình bản sắc sông Sài Gòn trong mắt người dân và du khách.

“TPHCM cũng nên nghĩ đến việc tạo ra các biểu tượng mang tính nhận diện, giống như tháp Eiffel ở Paris hay London Eye ở Anh” - ông Khoa đề xuất.

“TPHCM cũng nên nghĩ đến việc tạo ra các biểu tượng mang tính nhận diện giống như tháp Eiffel ở Paris hay London Eye ở Anh khi quy hoạch sông Sài Gòn" - TS Khoa đề xuất. Ảnh: Hoàng Hà

“TPHCM cũng nên nghĩ đến việc tạo ra các biểu tượng mang tính nhận diện giống như tháp Eiffel ở Paris hay London Eye ở Anh khi quy hoạch sông Sài Gòn" - TS Khoa đề xuất. Ảnh: Hoàng Hà

Đặc biệt, một đảo vườn nổi trên sông ở khu vực trung tâm quận 1 cũng đã được đề cập trong báo cáo.

Theo đề xuất này, đây không chỉ là không gian công cộng mà còn góp phần kết nối hai bờ sông, tạo điểm nhấn đô thị độc đáo. Được biết, dù cần thêm nghiên cứu về tác động với dòng sông nhưng mô hình này đã thành công ở nhiều quốc gia như Hàn Quốc.

Phát triển hiện đại nhưng không quên tính bền vững

Không gian đô thị ven sông không thể chỉ là bê tông và kính. Nhóm chuyên gia AVSE nhấn mạnh tầm quan trọng của các hành lang xanh và vùng ngập nước tự nhiên - yếu tố giúp hấp thụ nước mưa, giảm ngập, và bảo tồn hệ sinh thái.

“Chúng ta có thể học tập cách điều tiết nước thông minh từ sông Thames” - ông Khoa nói. Ở đó không chỉ hệ thống thoát nước được thiết kế khoa học mà còn có các “vườn mưa”, là khu vực được thiết kế để thấm hút nước nhanh chóng trong những cơn mưa lớn.

Còn với bờ kè, thay vì những khối bê tông thô cứng, thành phố có thể tham khảo cách một số nước châu Âu quy hoạch ven sông Danube: dùng đá tự nhiên, trồng cây thủy sinh để vừa bảo vệ dòng chảy tự nhiên, vừa tạo cảnh quan sinh thái.

Sông Sài Gòn không chỉ là dòng chảy vật lý mà còn là dòng chảy văn hóa, lịch sử, kinh tế và cảm xúc. Việc quy hoạch bài bản, tôn trọng thiên nhiên, lắng nghe cộng đồng và học hỏi thế giới sẽ giúp dòng sông thực sự trở thành điểm tựa phát triển mới cho TPHCM trong tương lai.

Không thể tách rời chống ngập ra khỏi quy hoạch

TS Bùi Mẫn nhận định quy hoạch sông Sài Gòn không thể tách rời mục tiêu chống ngập. Ảnh: Hoàng Hà

TS Bùi Mẫn nhận định quy hoạch sông Sài Gòn không thể tách rời mục tiêu chống ngập. Ảnh: Hoàng Hà

TS Bùi Mẫn – Kỹ sư cao cấp, Giám đốc Phòng Thí nghiệm GTC Soil Analysis Services, Dubai (Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất) – đồng tình với quan điểm của TS Huỳnh Đạt Vũ Khoa về bài toán quy hoạch sông Sài Gòn. Ông cho rằng việc quy hoạch sông Sài Gòn cần tuân thủ các nguyên tắc nền tảng: hài hòa với thiên nhiên, lấy con người làm trung tâm, áp dụng cách tiếp cận toàn diện trong quản lý tài nguyên nước, đồng thời bảo tồn văn hóa và di sản đô thị.

Theo TS Mẫn, TPHCM cần nhìn nhận toàn bộ hệ thống sông ngòi và kênh rạch như là “linh hồn đô thị” – vừa là di sản cần được bảo vệ, vừa là tài sản thương hiệu có thể khai thác một cách chiến lược và bền vững.

TS Mẫn nhấn mạnh, bài toán chống ngập không thể tách rời khỏi công tác quy hoạch sông Sài Gòn và toàn bộ hệ thống sông nước thành phố. Với đặc trưng địa hình sông rạch chằng chịt, việc chống ngập không thể dựa vào các tuyến cống riêng lẻ. Giải pháp căn cơ là “trả lại không gian cho nước” – tức là tăng tối đa diện tích mặt nước, kết hợp với hệ thống cống ngang hiệu quả.

Khác với cống dọc tuyến thoát nước truyền thống, cống ngang là các tuyến ngắn xả trực tiếp vào kênh rạch và hồ điều hòa, giúp rút ngắn thời gian tiêu thoát nước. Vì vậy, thành phố cần đẩy nhanh xây dựng hệ thống hồ điều hòa có kết nối ngầm, nhằm gia tăng khả năng điều tiết trong mùa mưa.

Tăng thể tích chứa nước – nhiệm vụ đồng bộ từ cộng đồng tới quy hoạch đô thị

TPHCM cần nhìn nhận toàn bộ hệ thống sông nước như linh hồn đô thị, vừa là di sản, vừa là tài sản thương hiệu cần được khai thác chiến lược và bền vững. TS Bùi Mẫn

Có nhiều giải pháp để tăng thể tích chứa nước: nạo vét định kỳ sông Sài Gòn và các tuyến kênh rạch chính, mở rộng lòng kênh, tăng độ sâu dòng chảy, xây dựng bờ kè thẳng đứng, và nâng cấp hệ thống thoát nước ngầm hiện tại bằng việc thay thế các tuyến cống có tiết diện lớn hơn.

Ở quy mô hộ gia đình, người dân cũng có thể góp phần bằng cách lắp đặt các bồn thu nước mưa, giúp tăng khả năng trữ nước cục bộ và giảm áp lực thoát nước cho hệ thống chung. Ưu tiên máy bơm tại các điểm trũng – nhưng phải đủ hồ và kênh để tăng tốc độ thoát nước tại các điểm ngập cục bộ, TS Mẫn đề xuất.

Tuy nhiên, ông lưu ý rằng các giải pháp tăng tốc thoát nước chỉ thực sự phát huy hiệu quả khi đi kèm với hệ thống hồ điều hòa và kênh mương đủ sức tiếp nhận và chứa nước.

“Giải quyết ngập lụt phải được đặt lên hàng đầu, vì ngập ảnh hưởng nghiêm trọng tới du lịch, hoạt động kinh doanh và chất lượng sống của người dân. Cụ thể, thay vì làm việc 9 giờ/ngày, nhưng do ngập lụt, giảm một giờ có thể gây thiệt hại tương đương lên đến 10% GDP của ngày hôm đó” – TS Bùi Mẫn nhấn mạnh.

Theo sông hướng ra biển

TS Bùi Mẫn hiện làm việc ở Dubai. Ảnh: NVCC

TS Bùi Mẫn hiện làm việc ở Dubai. Ảnh: NVCC

Về qui hoạch giao thông dọc Sông Sài Gòn, theo ông, cần xây dựng các đại lộ ven sông và metro dọc theo sông Sài Gòn, xuôi về hướng hạ lưu. Các tuyến này sẽ tiếp tục chạy xuôi theo 2 dòng sông Soài Rạp và sông Lòng Tàu để nối với biển.

TS Mẫn cho rằng, cần xác lập đây là một trong các trục giao thông “xương sống” chiến lược của thành phố ở thế kỷ 21, bởi không gian phát triển đô thị và kinh tế của TPHCM trong tương lai chuyển dịch về hướng biển phù hợp chiến lược phát triển kinh tế xanh dương (Blue Economy). Các tuyến này còn tạo ra các không gian ven sông đặc sắc, là động lực phát triển du lịch biển, không gian văn hóa, và bất động sản cao cấp ven sông ven biển – TS Bùi Mẫn nhận định và đề xuất.

Bài tiếp: Chuyên gia Việt khắp thế giới lộ bí quyết để TPHCM ‘kéo’ nhân tài về thành phố

Nguyễn Thảo

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/da-den-luc-tphcm-khai-thac-mo-vang-song-sai-gon-bang-cac-dai-lo-metro-ven-song-2390252.html
Zalo