Đã đến lúc chốt lời cổ phiếu thủy sản?

Trong giai đoạn đánh giá thuế vừa qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã được hạ thuế về 0%. Diễn biến này tác động tích cực đến nhiều công ty xuất khẩu thủy sản trên sàn niêm yết.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Thị trường đang phản ứng với những kỳ vọng về mức thuế quan mà Mỹ sẽ chính thức áp cho Việt Nam vào ngày 9/7 tới đây. Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố các quốc gia đã trao đổi với Mỹ sẽ nhận được mức thuế khá khác biệt, thấp hơn so với những đã tuyên bố ngày 2/4.

Trong tuần vừa qua, ông Trump cũng tuyên bố đã đạt mục tiêu thuế quan với Trung Quốc và hai nước đã ký kết thỏa thuận. Tuy nhiên, con số cụ thể vẫn chưa được thông báo.

Còn đối với những quốc gia chưa có trao đổi, ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS), đưa ra lưu ý cho nhà đầu tư rằng ông Trump có thể áp đặt mức thuế quan mới, dự kiến không giảm hoặc vẫn rất cao. Ngoài ra, ông Trump cũng có quyền tạm hoãn việc áp thuế ngày 9/7, thêm một số thời gian để tiếp tục đàm phán.

Ông Sơn cho rằng khi ngày 9/7 đến, các quốc gia đã đàm phán sớm có thể kỳ vọng kết quả tích cực. Những quốc gia đàm phán muộn hoặc chưa đàm phán sẽ phải đối mặt với rủi ro thuế quan cao hoặc có thể được hoãn áp thuế trong 1 – 2 tháng để đàm phán (nếu có mặt hàng xuất khẩu quan trọng).

Theo một số tổ chức tài chính lớn như Nomura, HSBC, mức thuế áp lên Việt Nam sẽ vào khoảng 23-24%. Theo dự báo và một số thông tin mà VPBankS có được, có thể mức thuế Việt Nam chỉ ở khoảng 15 – 18%.

Nếu trường hợp thứ hai trở thành hiện thực, cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, thủy sản, dệt may sẽ tăng rất tốt. Với thuế quan thấp như vậy, khả năng cạnh tranh của Việt Nam so với các quốc gia khác, đặc biệt là so với Trung Quốc sẽ cải thiện hơn rất nhiều. Với thuế quan ở mức cạnh tranh, Việt Nam sẽ dễ thở hơn trong việc xuất khẩu sang Mỹ.

Đồng thời, dòng vốn FDI có thể tiếp tục tìm đến Việt Nam. Lần này, dòng vốn sẽ không chuyển dịch một cách cơ học mà sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa ở Việt Nam nhằm đảm bảo được hưởng lợi từ thuế quan đối ứng. Những hàng hóa có tỷ lệ nội địa hóa thấp, xuất xứ nguồn gốc không hoàn toàn từ Việt Nam có thể vẫn sẽ chịu thuế cao.

Yếu tố này được kỳ vọng trở thành lực đẩy giúp doanh nghiệp FDI tăng tỷ lệ nội địa hóa, chuyển giao công nghệ. Nhờ đó, Việt Nam có thể tiếp cận công nghệ mới, tăng năng suất lao động và tạo động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS).

Ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc Chiến lược thị trường, Công ty Cổ phần Chứng khoán VPBank (VPBankS).

Đánh giá về nhóm thủy sản và xuất khẩu, theo ông Trần Hoàng Sơn, trong giai đoạn đánh giá thuế vừa qua, nhiều doanh nghiệp thủy sản đã được hạ thuế về 0%. Diễn biến này tác động tích cực đến nhiều công ty xuất khẩu thủy sản trên sàn niêm yết.

Thứ hai, nhà đầu tư cũng rất kỳ vọng đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và Mỹ sẽ đạt được kết quả tích cực.

Trong tuần vừa qua, nhóm thủy sản và dệt may tăng rất tốt. Riêng ANV có nhịp tăng mạnh mẽ sau phiên 20/6, từ 16.500 đồng/cổ phiếu lên gần sát đỉnh năm 2024 (tăng 28%). Với đà tăng mạnh mẽ như vậy, áp lực chốt lời sẽ xoay quanh 21.200 – 21.500 đồng/cổ phiếu.

Nhà đầu tư có thể chú ý, quan sát vùng giá kháng cự gần nhất là 21.600 và 23.900 đồng/cổ phiếu. Nếu vùng kháng cự đầu tiên có rung lắc, có thể xem xét chốt lời một phần. Nếu rung lắc không lớn, có thể chốt lời phần còn lại ở vùng giá 23.900 đồng/cổ phiếu.

Về diễn biến Vn-Index, ông Trần Hoàng Sơn cho rằng trong xu hướng tăng ở giai đoạn này, phần lớn sẽ liên quan nhiều đến nhóm cổ phiếu chỉ số, đặc biệt trong rổ VN-30. Những cổ phiếu vốn hóa lớn có thể tích cực, giúp chỉ số vượt qua những vùng cản mạnh, lên đỉnh cao mới.

Ở đầu sóng, để vượt qua những vùng khó khăn, những cổ phiếu như VIC, VHM đã hỗ trợ cho VN-Index. Sau đó, nhóm cổ phiếu ngân hàng trở lại dẫn sóng, giúp thị trường đi lên nhịp mới. Đến giai đoạn hiện nay, đà lan tỏa ra các nhóm ngành đã xuất hiện rất rõ. Tuy nhiên, trong giai đoạn tới, có thể xảy ra hiện tượng chỉ số tăng nhanh hơn thanh khoản. Trong hai tuần vừa qua, điểm số đi lên rất tốt nhưng vì sự lan tỏa chưa rõ ràng, thanh khoản chi tăng ở mức thấp, từ 5 - 7%.

"Việc vượt qua được các vùng kháng cự sẽ là yếu tố tiên quyết, giúp cho thanh khoản thị trường tăng trở lại, hỗ trợ các nhóm cổ phiếu khác đi lên, sau khi nhóm vốn hóa lớn đã dẫn dắt xu hướng", ông Sơn kỳ vọng.

Thu Minh

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/da-den-luc-chot-loi-co-phieu-thuy-san.htm
Zalo