Đa dạng, linh hoạt hình thức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND

Sáng 24/9, tại phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét dự thảo hai Nghị quyết liên tịch giữa Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam quy định chi tiết việc tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Trình bày Tờ trình về dự thảo Nghị quyết liên tịch tổ chức tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thanh Hải nêu rõ, việc xây dựng dự thảo Nghị quyết là thực sự cần thiết nhằm tạo khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất trong công tác tiếp xúc cử tri (TXCT) của đại biểu HDNĐ các cấp trên phạm vi cả nước. Bảo đảm tính thống nhất, hiệu lực, hiệu quả và nâng cao chất lượng trong hoạt động TXCT của đại biểu HĐND; bảo đảm mọi cử tri được trực tiếp gặp gỡ, bày tỏ, tâm tư, nguyện vọng đối với đại biểu HĐND…

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Dự thảo Nghị quyết gồm 6 chương, 43 điều, quy định một số nội dung mới. Trong đó, để phù hợp với thực tế, dự thảo Nghị quyết không quy định “cứng” việc tiếp xúc cử tri sau kỳ họp HĐND, mà có thể đa dạng hình thức báo cáo với cử tri. Việc lựa chọn hình thức báo cáo do Thường trực HĐND quyết định. Để nâng cao hiệu quả trong công tác tiếp xúc cử tri, một giải pháp được các địa phương áp dụng là cùng tổ chức tiếp xúc cử tri giữa đại biểu HĐND các cấp; tương tự như việc đại biểu Quốc hội cùng tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND. Từ thực tế đó, Ban Công tác đại biểu đã quy định đại biểu HĐND cấp trên và cấp dưới cùng tổ chức tiếp xúc cử tri nhưng không quá hai cấp.

Ban Công tác đại biểu đã quy định về trách nhiệm của Ban Công tác Mặt trận tại thôn, tổ dân phố trong việc phối hợp với đại biểu HĐND và trách nhiệm tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri đến cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết.

Dự thảo Nghị quyết đã quy định về trình tự, thủ tục để đại biểu HĐND thực hiện tiếp xúc cử tri trực tuyến, tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến và được thực hiện khi bảo đảm các điều kiện kĩ thuật, an toàn thông tin mạng, an ninh mạng.

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải trình bày tờ trình. Ảnh: Quochoi.vn

Đối với Dự thảo Nghị quyết quy định chi tiết việc tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đã được tiếp thu và chỉnh sửa gồm 7 chương, 49 điều. Tại Dự thảo đã bổ sung nhiều quy định mới về: Khái niệm “Tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội”, “Kiến nghị của cử tri”; “Tiếp xúc cử tri trực tuyến”; Quy định cụ thể hóa nguyên tắc tiếp xúc cử tri và hình thức tiếp xúc cử tri để làm cơ sở cho việc quy định xuyên suốt việc tổ chức tiếp xúc cử tri; bổ sung, làm rõ trường hợp quy định về trách nhiệm tiếp xúc cử tri ở địa phương mà đại biểu Quốc hội chuyển sinh hoạt đến, bên cạnh tiếp xúc cử tri ở địa phương đại biểu Quốc hội ứng cử…

Về tổ chức tiếp xúc cử tri, dự thảo đã bổ sung quy định về hình thức tiếp xúc cử tri trực tuyến; tiếp xúc cử tri trực tiếp kết hợp với trực tuyến; tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội; tổ chức tiếp xúc cử tri trong tình hình thiên tai, dịch bệnh hoặc bất khả kháng; việc thu thập, tổng hợp kiến nghị cử tri trước và sau kỳ họp bất thường của Quốc hội… nhằm khắc phục tình trạng “đại cử tri”, “cử tri chuyên nghiệp” hay tiếp xúc cử tri còn “hình thức”, “đơn điệu”.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo thẩm tra. Ảnh: Quochoi.vn

Thẩm tra 2 dự thảo Nghị quyết, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban tán thành với sự cần thiết ban hành Nghị quyết để thực hiện nhiệm vụ được giao tại Luật MTTQ Việt Nam, tiếp tục thể chế hóa các yêu cầu, quy định về hoạt động tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp; khắc phục những vướng mắc, bất cập; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động tiếp xúc cử tri nói riêng và công tác dân nguyện nói chung, đáp ứng kỳ vọng của cử tri và Nhân dân.

Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần hợp nhất hai dự thảo Nghị quyết liên tịch, bởi có nhiều nội dung quy định có tính chất tương đồng và đều có cùng cơ sở pháp lý là Luật MTTQ Việt Nam giao quy định chi tiết nên việc hợp nhất giúp giảm bớt số lượng văn bản cần ban hành, thuận lợi hơn cho việc bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long cũng bày tỏ đồng tình với nội dung hợp nhất hai Dự thảo Nghị quyết liên tịch bởi tính chất công việc, các chủ thể ban hành các Nghị quyết cơ bản như nhau.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam rất quan tâm đến việc tiếp xúc cử tri bốn cấp: cấp T.Ư, cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã. Đồng ý gộp hai nghị quyết thành một, Chủ tịch Quốc hội cho rằng tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội, HĐND cũng là một bảo đảm gọn, rõ, có trọng tâm, trọng điểm.

Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị cần chú trọng đổi mới cái hình thức tổ chức, nội dung, địa điểm tiếp xúc cử tri bảo đảm yêu cầu; tiếp tục phát huy vai trò tổ chức, chủ trì, điều hành tiếp xúc cử tri của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp.

PV

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/da-dang-linh-hoat-hinh-thuc-tiep-xuc-cu-tri-cua-dai-bieu-quoc-hoi-hdnd.html
Zalo