Đa dạng hóa sản phẩm du lịch để hút du khách

Qua hơn nửa năm triển khai các giải pháp phục hồi kinh tế - xã hội, TP.HCM đã ghi nhận sự chuyển biến tích cực trên nhiều ngành, nghề, lĩnh vực. Riêng ngành Du lịch đang có sự phục hồi mạnh mẽ với chiến lược đa dạng hóa các loại hình du lịch, sản phẩm du lịch để thu hút khách quốc tế, nhằm nhanh chóng đạt mục tiêu đón 5 triệu lượt khách quốc tế trong năm 2023.

Tạo sức hút khách quốc tế

Theo thống kê của Sở Du lịch TP.HCM, khách quốc tế đến Thành phố trong 7 tháng năm 2023 ước đạt 2,3 triệu lượt, tăng 208,3% so cùng kỳ năm 2022 và đạt 47,2% so với kế hoạch năm 2023. Tính riêng trong tháng 7/2023, ước đạt 419.100 lượt khách quốc tế, tăng 45,7% so cùng kỳ năm 2022.

Từ đầu năm đến nay, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách du lịch cũng như cập nhật tình hình du lịch kinh doanh trên phạm vi thế giới, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp cùng doanh nghiệp đẩy mạnh loại hình du lịch MICE (du lịch kết hợp giữa hội thảo, hội nghị, khen thưởng, hội họp và triển lãm của các công ty, doanh nghiệp cho nhân viên, đối tác)...

TP.HCM đặt mục tiêu phát triển du lịch đường thủy là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng. (trong ảnh là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhìn từ trên cao). Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM

TP.HCM đặt mục tiêu phát triển du lịch đường thủy là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng. (trong ảnh là kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè nhìn từ trên cao). Ảnh: Sở Du lịch TP.HCM

Sản phẩm du lịch này đã thu hút những đoàn khách quốc tế lớn từ Thái Lan, Indonesia, Malaysia, Singapore, Trung Quốc... với khoảng 1.000 khách. Gần đây nhất, TP.HCM đã đón đoàn khách MICE hơn 450 người từ Ấn Độ. Đây là tín hiệu cho thấy thị trường du lịch quốc tế có tín hiệu khởi sắc và nhộn nhịp trở lại tại Việt Nam cũng như TP.HCM.

Để đạt được thành quả đó, Sở Du lịch TP.HCM đã phối hợp cùng thành phố Thủ Đức và các quận, huyện triển khai các sản phẩm du lịch đặc trưng, phát huy thế mạnh của từng địa phương. Ví dụ như phối hợp với quận 1 giới thiệu sản phẩm “Hành trình đến các di tích lịch sử văn hóa”; công bố các điểm đến du lịch đặc trưng quận 7; giới thiệu “quận 8 - Vùng đất của những câu chuyện”...Riêng tại huyện Cần Giờ, nổi bật với sản phẩm du lịch cộng đồng ở ấp Thiềng Liềng (xã đảo Thạnh An).

Song song đó, ngành Du lịch TP.HCM cũng đẩy mạnh phát triển sản phẩm du lịch y tế, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều kiều bào, khách quốc tế đến TP.HCM để tìm kiếm các dịch vụ y tế. Theo thống kê, hàng năm lượng khách du lịch đến Việt Nam khám chữa bệnh tăng dần đều qua các năm, doanh thu khoảng 2 tỷ USD/năm. Gần đây, trung bình mỗi năm có khoảng 300.000 khách nước ngoài đến Việt Nam khám chữa bệnh, trong đó 40% lượng khách tập trung tại TP.HCM.

Mặt khác, hàng loạt tour du lịch thú vị cũng được các doanh nghiệp lữ hành triển khai thành công thời gian qua. Chẳng hạn, Lữ hành Saigontourist có chùm tour “Tôi yêu Sài Gòn”, “Sài Gòn rong ca chiều thứ 7”, “Một thoáng Sài Gòn với Vespa”, “Món Việt từ chợ Bến Thành”… Hay Công ty Du lịch Vietravel có các tour “Sài Gòn đẹp lắm!”, “Trải nghiệm xe buýt hai tầng - Xuôi dòng Bình Trị giang”…

Nói về tiềm năng thu hút khách quốc tế, ông Lê Trương Hiền Hòa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP.HCM cho biết, ngày 15/8, Nghị quyết số 127/NQ-CP của Chính phủ quyết nghị thực hiện cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước, vùng lãnh thổ chính thức có hiệu lực. Những điều chỉnh mới về chính sách thị thực đã tạo điều kiện thuận lợi cho du khách quốc tế đến với Việt Nam.

Tuy nhiên, ông Hòa cho rằng, đây mới chỉ là điều kiện cần, còn điều kiện đủ để du lịch Việt Nam hấp dẫn hơn, tạo được sức hút mạnh mẽ hơn với các thị trường quốc tế thì còn cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn nữa. Do đó, ngành Du lịch TP.HCM sẽ tập trung quảng bá, xúc tiến các hoạt động thương mại nhằm kết nối với các thị trường du lịch trọng điểm cũng như mở rộng thị trường mới.

"Hy vọng, với sự đầu tư quy mô, bài bản du lịch Việt Nam sẽ nhanh chóng bứt phá, phát triển có trọng tâm, trọng điểm, góp phần đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đưa Việt Nam vào nhóm 30 quốc gia có năng lực cạnh tranh du lịch hàng đầu thế giới”, ông Lê Trương Hiền Hòa cho biết.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch

Để tạo sức hút cũng như giữ chân du khách, ngành Du lịch TP.HCM thời gian qua đã nỗ lực triển khai nhiều sản phẩm du lịch mới, gắn liền với bản sắc TP.HCM. Ví dụ, trong dịp lễ 30/4 vừa qua, lần đầu tiên TP.HCM ra mắt sản phẩm du lịch “Chương trình tham quan Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia Trụ sở HĐND và UBND TP.HCM”, chương trình đã thu hút 51 đoàn với gần 1.500 khách tham quan trong nước và quốc tế.

Hay mới đây nhất, Lễ hội sông nước TP.HCM lần thứ nhất đã diễn ra với điểm nhấn của sự kiện là Chương trình nghệ thuật với chủ đề “Dòng sông kể chuyện” tại Cảng Sài Gòn - Cảng Hành khách tàu biển. Đây là sự kiện du lịch, văn hóa gắn với sông nước được đánh giá có quy mô lớn nhất TP.HCM năm nay, thu hút sự quan tâm của đông đảo du khách quốc tế.

Chương trình đã tái hiện sự hình thành của tự nhiên, con người qua các thời kỳ Sài Gòn - Gia Định - Chợ Lớn - TPHCM trong 5 chương Khẩn hoang - Xây thành - Trên bến dưới thuyền - Thương cảng phồn vinh - Rực rỡ Thành phố bên sông với sự tham gia của gần 700 diễn viên và nghệ nhân dân gian cùng ekip các đạo diễn, chuyên gia, cố vấn, nghệ sỹ hàng đầu trong ngành nghệ thuật.

Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Giám đốc Sở Du lịch nhấn mạnh, chương trình không chỉ quảng bá lịch sử, đặc trưng văn hóa của TP.HCM mà còn khai thác các giá trị từ tài nguyên sông, biển của Thành phố, góp phần định vị thương hiệu của TP.HCM - một đô thị sông nước giàu bản sắc văn hóa. Qua đó truyền cảm hứng du lịch, khám phá điểm đến TP.HCM tới du khách trong nước và quốc tế, góp phần thúc đẩy và phát triển kinh tế xã hội.

Sau sự thành công của Lễ hội sông nước, TP.HCM đã đặt mục tiêu đến năm 2025, sản phẩm du lịch đường thủy được khai thác trên tất cả các tuyến sông lớn chảy qua Thành phố như sông Sài Gòn, Soài Rạp, Lòng Tàu... liên kết Đồng Nai, Bình Dương, Tiền Giang, Long An, Bến Tre và các tuyến kênh nội đô với ít nhất 10 chương trình du lịch. Đây là một nỗ lực nhằm đa dạng hóa sản phẩm du lịch, hướng đến phát triển du lịch đường thủy là một trong những sản phẩm du lịch đặc trưng của TP.HCM.

Với mục tiêu đó, TP.HCM dự kiến trong năm 2023 và 2024 sẽ đón khoảng 500.000 lượt khách/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo qua du lịch đường thủy. Doanh thu du lịch đường thủy năm 2023 và 2024 đặt mục tiêu đạt 300 tỉ đồng/năm và tăng khoảng 10% trong những năm tiếp theo…

Để hoàn thành mục tiêu trên, TP.HCM đặt ra các nhiệm vụ trọng tâm giai đoạn 2023 - 2024 như cải thiện và nâng cao chất lượng các sản phẩm du lịch đường thủy hiện có gồm nhóm các sản phẩm du lịch tầm ngắn (các tour trên sông, tuyến du lịch đường thủy nội đô có bán kính dưới 10 km) như tuyến du lịch đi Bình Quới, tuyến nội đô Nhiêu Lộc - Thị Nghè; nhóm các sản phẩm tầm trung gồm tuyến du lịch đi Củ Chi, Cần Giờ.

M.Tuấn

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/da-dang-hoa-san-pham-du-lich-de-hut-du-khach-159534.html
Zalo