Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát

Ngày 27.12, Báo Lao động phối hợp với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) tổ chức Tọa đàm 'Đa dạng hóa nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát'. Từ thực tế hiệu quả công tác hỗ trợ trong thời gian qua, tọa đàm tập trung phân tích và đưa ra các giải pháp đa dạng hóa, tạo thêm các nguồn lực để xóa nhà tạm, nhà dột nát theo hướng toàn dân, toàn diện, rộng khắp, bao trùm.

Xóa nhà tạm, nhà dột nát - chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước là chính sách an sinh xã hội quan trọng đang được cả hệ thống chính trị quyết liệt thực hiện; nhưng để thực hiện được mục tiêu vẫn còn rất nhiều thách thức.

Thông tin tại tọa đàm, trên cả nước còn khoảng 315.000 hộ có khó khăn về nhà ở (bao gồm các đối tượng người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo,…) cần được hỗ trợ để cải thiện nhà ở bảo đảm an toàn, ổn định để "an cư, lạc nghiệp", yên tâm lao động sản xuất, phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, góp phần thực hiện mục tiêu xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội.

 Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Toàn cảnh tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Với vai trò tiên phong, hưởng ứng lời kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ tại chương trình "Mái ấm cho đồng bào tôi" vào đầu tháng 10.2024, Petrovietnam đã trao 150 tỷ đồng hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho các địa phương trên cả nước.

Ngoài công việc sản xuất, kinh doanh, Petrovietnam đã tham gia rất tích cực vào công tác an sinh xã hội ở nhiều lĩnh vực trên khắp cả nước. Theo thống kê từ năm 2021 - 2023, Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã tích cực hỗ trợ xây dựng hơn 3.100 căn nhà đại đoàn kết và nhà cho người nghèo trên cả nước với tổng kinh phí lên tới 160 tỷ đồng.

Tính đến tháng 9.2024, Petrovietnam và các đơn vị thành viên đã trao ủng hộ số kinh phí là 113,84 tỷ đồng để xây dựng 2.161 nhà đại đoàn kết, nhà cho người nghèo ở nhiều địa phương. Hoạt động này càng ý nghĩa hơn trong bối cảnh thiên tai, bão lũ vừa qua, khiến nhiều người dân rơi vào cảnh mất nhà, thiếu thốn nơi ở.

Bên cạnh đó, Petrovietnam đã phối hợp với chính quyền địa phương để tái thiết khu dân cư thôn Kho Vàng, xã Cốc Lầu, tỉnh Lào Cai – nơi bị ảnh hưởng trực tiếp và thiệt hại to lớn từ cơn bão số 3 lịch sử. Trong 2 năm 2024 - 2025, Tập đoàn và các đơn vị thành viên dành nguồn kinh phí an sinh xã hội là 138 tỷ đồng để tài trợ xây dựng 2.760 căn nhà đại đoàn kết, nhà cho người nghèo.

 Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, TS. Nguyễn Viết Chức chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội, TS. Nguyễn Viết Chức chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Văn hóa - Xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam), Đại biểu Quốc hội Khóa XI, TS. Nguyễn Viết Chức chia sẻ, trong thời gian qua, vấn đề này đã được triển khai mạnh mẽ, xóa được nhiều nghìn ngôi nhà dột nát nhưng vẫn còn nhiều hộ gia đình phải sống trong cảnh khó khăn.

Thời gian tới, khi nước ta bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nêu, người dân không thể sống trong những ngôi nhà dột nát. Từ đó, Đảng và Nhà nước đã quan tâm ưu tiên bố trí nguồn lực, chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp từ hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao mức sống của người dân và đã đạt được những thành quả quan trọng.

Trong năm 2025, phải hoàn thành 3 nhiệm vụ: Hỗ trợ nhà ở cho người có công khó khăn về nhà ở (khoảng 200 nghìn căn) do ngân sách nhà nước bảo đảm; hỗ trợ nhà ở cho người dân theo các chương trình mục tiêu quốc gia (khoảng 88.000 căn nhà); xóa nhà tạm, nhà dột nát cho người dân. Để làm được điều này đòi một nguồn lực tài chính và nhân lực rất lớn.

Hướng đến mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, TS. Nguyễn Minh Phong nhấn mạnh, cần phải có cơ chế tuyên truyền, công khai minh bạch, từ đó khơi gợi tinh thần "bầu ơi thương lấy bí cùng", kết nối tình cảm cộng đồng mạnh mẽ. Đặc biệt, chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát không làm tự phát mà phải có quy hoạch, có định hướng cụ thể, phân cấp rõ ràng, có quy trình, có đánh giá, có tôn vinh, khen thưởng các tổ chức, cá nhân tham gia đóng góp.

 Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, TS. Nguyễn Minh Phong phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Nguyên Trưởng phòng Nghiên cứu kinh tế, Viện Nghiên cứu phát triển Kinh tế - Xã hội Hà Nội, TS. Nguyễn Minh Phong phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Hải Nguyễn

Từ đó, thành lập các ban chỉ đạo xã hội hóa các nguồn lực, các cơ quan chức năng cũng nên có các tiêu chuẩn cụ thể về nhà xây mới. Ngoài ra, để việc xóa nhà tạm, cần phải nghiên cứu, chuẩn hóa nhà xây mới ở từng khu vực, chất lượng công trình; khuyến khích thành lập những tài khoản điện tử công khai quy mô đóng góp, người đóng góp, tổ chức uy tín có thể mở tài khoản để nhận đóng góp cùng xóa nhà tạm, nhà dột nát.

Để thu hút các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào việc xây dựng nhà ở bền vững, đặc biệt đối với việc xóa nhà tạm, nhà dột nát, chuyên gia kinh tế, giảng viên Cao cấp Học viện Tài chính PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, chúng ta đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có giải pháp là giảm số tiền chịu thuế của doanh nghiệp trong năm.

Song, muốn các nhà đầu tư tư nhân tham gia vào nhiều hơn đối với việc phát triển nhà ở xã hội, xóa nhà tạm, nhà dột nát, quan trọng nhất là vấn đề công khai, minh bạch và tạo niềm tin; xác định mức độ ưu tiên với tùy ngôi nhà, chia tiến độ thực hiện, cái nào cần làm ngay, cái nào cần để lâu hơn. Việc kết nối từ địa phương đến trung ương, giữa doanh nghiệp và mạnh thường quân cũng rất quan trọng, vì sự phát triển chung của địa phương.

Đặc biệt trong xu thế mới, kỷ nguyên vươn mình, đã đến lúc các tập đoàn Nhà nước lẫn tư nhân phải trở thành đầu tàu, hạt nhân trong tổ chức sản xuất, từ đó, tạo ra được sản phẩm, hàng hóa, năng lực, khả năng cạnh tranh với thế giới. Trong công tác xóa đói giảm nghèo, cần tạo ra sự phát triển bền vững chính là mục tiêu lâu dài để phát triển nhân lực có chất lượng, kỹ thuật, hiệu quả trong tương lai.

Cũng theo TS. Nguyễn Viết Chức, vai trò của người đứng đầu địa phương trong rà soát, xác định đối tượng hỗ trợ và tổ chức thực hiện cũng rất quan trọng. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt việc kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện các chính sách hỗ trợ nhà ở cho người có công với cách mạng, hộ nghèo, hộ cận nghèo và các Chương trình mục tiêu quốc gia theo quy định, không để trùng lắp đối tượng, không để bị lợi dụng, trục lợi, tiêu cực, lãng phí.

Hoàng Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/da-dang-hoa-nguon-luc-de-xoa-nha-tam-nha-dot-nat-post400484.html
Zalo