Đa dạng hóa hoạt động phòng, chống HIV/AIDS

Được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban ngành và đặc biệt là sự nỗ lực của đơn vị đầu mối, công tác phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Đồ họa: YÊN LAN

Đồ họa: YÊN LAN

Báo Phú Yên phỏng vấn BSCKI Châu Trọng Phát, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Phú Yên (Phú Yên CDC) về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS. Bác sĩ Châu Trọng Phát cho biết:

- Tình hình dịch AIDS ở Phú Yên giai đoạn 2015-2020 có xu hướng ổn định, ở mức thấp, hằng năm toàn tỉnh phát hiện từ 28-43 trường hợp nhiễm HIV mới. Tuy nhiên từ năm 2020 đến nay, Phú Yên ghi nhận sự gia tăng số ca nhiễm HIV/AIDS, tăng từ 40-45 ca/năm. Tỉ lệ nhiễm HIV ở nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới, người trẻ tuổi có xu hướng tăng trong những năm gần đây, khá tương đồng với xu hướng và tình hình chung của cả nước.

* Việc giảm số người nhiễm HIV là tín hiệu đáng mừng. Thời gian qua, việc thức hiện Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh được triển khai như thế nào, thưa bác sĩ?

- Tỉ lệ nhiễm HIV/AIDS trong cộng đồng dân cư hiện vẫn duy trì ở mức thấp: dưới 0,11% dân số. Đến thời điểm này, 88 xã, phường, thị trấn thuộc các huyện, thị xã, thành phố có người nhiễm HIV, chiếm 80%. Tỉ lệ lây nhiễm HIV qua đường tình dục chiếm 52,4%, bao gồm tình dục đồng giới và tình dục khác giới; qua đường máu chiếm 15,8%, chủ yếu do dùng chung bơm kim tiêm khi tiêm chích ma túy; lây truyền từ mẹ sang con chiếm 5,2%; không rõ đường lây truyền chiếm 26,6%.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn tỉnh phát hiện 27 trường hợp nhiễm HIV/AIDS; số ca nhiễm giảm so với cùng kỳ các năm trước. Lũy tích nhiễm HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh là 1.005 trường hợp, trong đó có 229 trường hợp tử vong do AIDS, chiếm 22,8%. Số người nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS là 329 người. Từ đầu năm đến nay, Phú Yên ghi nhận 4 ca tử vong do AIDS.

Thời gian qua, các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã tích cực lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện các nội dung của Chiến lược quốc gia chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030 trên địa bàn tỉnh; các sở, ban ngành có sự phối hợp. Vì vậy, công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt được nhiều kết quả.

Hoạt động truyền thông được đẩy mạnh, phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức. Bên cạnh các kênh truyền thông truyền thống, hoạt động truyền thông còn được thực hiện thông qua mạng xã hội, cung cấp thông tin đến nhiều đối tượng hơn. Các hoạt động can thiệp giảm tác hại được duy trì, như cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm cho các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao.

Về can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, hầu hết phụ nữ mang thai đều được tư vấn xét nghiệm sàng lọc HIV. Và trước khi sinh, 100% thai phụ đều được làm xét nghiệm sàng lọc HIV. Nếu thai phụ được chẩn đoán nhiễm HIV, các biện pháp điều trị bằng thuốc kháng virus (ARV) sẽ được áp dụng sớm để giảm thiểu nguy cơ lây truyền từ mẹ sang con. Trẻ sơ sinh từ mẹ nhiễm HIV cũng được điều trị dự phòng sau sinh bằng ARV.

Đáng chú ý, các loại hình xét nghiệm phát hiện HIV được mở rộng và đa dạng hóa; người dân có thể đến các cơ sở y tế công lập hoặc tư nhân để làm xét nghiệm HIV, ngoài ra còn có thể làm xét nghiệm tại cộng đồng. Hoạt động điều trị HIV/AIDS bảo đảm chất lượng. Về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone, bên cạnh điểm uống Methadone tại đơn vị, trung tâm đã mở thêm 2 điểm uống tại Trung tâm Y tế TX Đông Hòa và Trung tâm Y tế huyện Sông Hinh để bệnh nhân tiếp cận việc điều trị được thuận lợi....

Từ những nỗ lực trên, tình hình dịch AIDS trên địa bàn tỉnh từng bước được kiểm soát; số người nhiễm HIV mới, số trường hợp chuyển sang AIDS và tử vong liên quan đến HIV/AIDS hằng năm liên tiếp giảm.

Đồ họa: YÊN LAN

Đồ họa: YÊN LAN

* Theo ông, hoạt động điều trị được triển khai tốt có ý nghĩa như thế nào đối với người nhiễm HIV/AIDS?

- Toàn tỉnh có 326 người nhiễm HIV/AIDS được điều trị bằng thuốc kháng virus, trong đó 296 người sống tại cộng đồng, 30 người là phạm nhân trong các trại giam. Qua giám sát, đa số bệnh nhân tuân thủ điều trị tốt. Và khi làm các xét nghiệm đánh giá, chúng tôi thấy rằng hiệu quả điều trị tương đối tốt, thể hiện ở tải lượng virus dưới ngưỡng.

Sau một thời gian điều trị, nhiều người nhiễm HIV/AIDS có tải lượng virus dưới ngưỡng.

Các yếu tố nguy cơ chuyển sang AIDS giảm rất nhiều nếu người nhiễm tuân thủ điều trị tốt. Đặc biệt, Đề án phòng chống HIV/AIDS có hỗ trợ thẻ BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS, cho nên 100% số người đang điều trị có thẻ BHYT, giảm được chi phí cho họ.

* Trong thời gian tới, Phú Yên CDC sẽ làm những gì để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống HIV/AIDS, thưa ông?

- Là đơn vị đầu mối của chương trình phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh, trước hết, trung tâm tiếp tục làm tốt công tác tham mưu lãnh đạo Sở Y tế về các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS.

Giải pháp đầu tiên trong phòng, chống HIV/AIDS vẫn là thông tin tuyên truyền. Hoạt động truyền thông tiếp tục được đẩy mạnh nhằm chuyển tải các nội dung phòng, chống HIV/AIDS đến với cộng đồng, để người dân hiểu rõ hơn về dịch bệnh này, đặc biệt là truyền thông về việc xóa bỏ sự kỳ thị, phân biệt đối xử với người nhiễm HIV/AIDS giúp họ bớt mặc cảm, tiếp cận được các dịch vụ can thiệp, điều trị. Điều đó sẽ góp phần để công tác phòng, chống HIV/AIDS đạt được mục tiêu hướng tới chấm dứt dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Dịch vụ tư vấn và xét nghiệm HIV tiếp tục được đa dạng hóa; đẩy mạnh các hoạt động xét nghiệm HIV tại cộng đồng, xét nghiệm HIV lưu động; mở rộng các điểm xét nghiệm thuộc y tế tư nhân.

Bên cạnh đó, trung tâm duy trì các hoạt động can thiệp giảm tác hại, như củng cố, mở rộng nhóm giáo dục viên đồng đẳng ở các địa phương nhằm tiếp cận được các nhóm đối tượng có hành vi nguy cơ cao và hỗ trợ họ phương tiện can thiệp giảm tác hại, như cung cấp bao cao su, bơm kim tiêm...

Trong công tác điều trị, ngoài việc động viên người nhiễm HIV/AIDS tuân thủ điều trị tốt, trung tâm tăng cường các hoạt động giám sát nhằm đảm bảo chất lượng và nâng cao hiệu quả điều trị.

Ứng dụng CNTT trong phòng, chống HIV/AIDS, trung tâm đã sử dụng phần mềm quản lý người nhiễm HIV INFO 4.1 của Cục Phòng, chống HIV/AIDS. Từ các số liệu thống kê và phân tích, đánh giá tình hình, trung tâm sẽ có biện pháp can thiệp kịp thời.

Phú Yên đã phê duyệt Đề án đảm bảo tài chính cho công tác phòng, chống HIV/AIDS đến năm 2030. Đó cũng là điều thuận lợi để triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh.

* Xin cảm ơn ông!

Theo Bộ Y tế, thời gian qua, Việt Nam đã nỗ lực huy động nguồn lực tài chính trong nước cho công tác phòng, chống HIV/AIDS, nhất là việc chi trả các dịch vụ điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ BHYT. Các địa phương cũng đã tăng cường ngân sách cho chương trình thông qua các đề án hoặc kế hoạch đảm bảo tài chính, đẩy mạnh sự tham gia của khu vực tư nhân vào phòng, chống HIV/AIDS.

YÊN LAN (thực hiện)

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/95/323442/da-dang-hoa-hoat-dong-phong-chong-hiv-aids.html
Zalo