Đa dạng hóa các sản phẩm du lịch xứ Thanh

Theo báo cáo của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa (VHTT&DL), 9 tháng đầu năm 2024, toàn tỉnh đón hơn 14,4 triệu lượt khách, doanh thu gần 32.000 tỷ đồng, xếp thứ 4 cả nước về thu hút lượt khách du lịch. Thanh Hóa đã và đang đa dạng hóa các 'sản phẩm' du lịch, trong đó đặc biệt là du lịch chất lượng cao, gắn với xây dựng thương hiệu du lịch.

Một trong những sản phẩm du lịch nổi bật xứ Thanh là du lịch biển, các bãi biển Sầm Sơn (TP Sầm Sơn), bãi biển Hải Tiến (Hoằng Hóa), bãi biển Hải Hòa (TX Nghi Sơn)… đã làm nên thương hiệu khu vực phía Bắc và Bắc Trung Bộ, trở thành sản phẩm có quy mô, sức cạnh tranh, khả năng thu hút khách cao.

Lễ hội đồng bào các dân tộc ở tỉnh Thanh Hóa luôn mang những nét văn hóa đặc sắc.

Lễ hội đồng bào các dân tộc ở tỉnh Thanh Hóa luôn mang những nét văn hóa đặc sắc.

Cùng với đó, các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, nghệ thuật độc đáo, ấn tượng được tổ chức thành công hằng năm tại các khu du lịch biển, như: Lễ hội du lịch biển Hải Tiến, Lễ hội Du lịch biển Nghi Sơn, Lễ hội Du lịch biển Sầm Sơn với chương trình bắn pháo hoa tầm thấp. Chuỗi các sự kiện hấp dẫn như: Các hoạt động hoạt náo và diễu hành đường phố; Lễ hội tình yêu, Lễ hội Carnival đường phố, Diễu hành môtô phân khối lớn, Chương trình nghệ thuật thứ 7 hằng tuần SunFest Thanh Hóa, Giải golf, Giải bóng bàn, cầu lông, quần vợt hè, Giải chạy Sun - Marathon, Giải Marathon Vietjungle, Giải vật bãi biển vô địch quốc gia, nhạc nước tại quảng trường biển Sầm Sơn...

Đáng chú ý, nhiều sản phẩm dịch vụ du lịch biển mới được đưa vào khai thác, tạo điểm nhấn nổi bật, hấp dẫn, đem lại cú hích mạnh mẽ, như: Chèo thuyền kayak, đu Zipline, đua xe Gokark, bắn súng sơn, tour du lịch Đảo Mê (thị xã Nghi Sơn); tour du lịch ra đảo Nẹ, dù lượn, tuyến phố lễ hội lớn với hàng loạt dịch vụ đa dạng, đáp ứng xu hướng nghỉ dưỡng…

Với 1.535 di tích lịch sử văn hóa được công nhận, "sản phẩm" du lịch văn hóa - lịch sử - tâm linh cũng đang hút du khách về với xứ Thanh. Hằng năm, tỉnh Thanh Hóa phê duyệt hàng loạt danh mục và triển khai các dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo di tích, tập trung ưu tiên các di tích cách mạng, di tích lịch sử văn hóa có giá trị khai thác phục vụ du lịch. Nhiều dự án đầu tư, tu bổ di tích được triển khai thực hiện, góp phần nâng cao giá trị di tích và tạo điểm đến hấp dẫn về văn hóa, lịch sử.

Nhiều lễ hội truyền thống được tổ chức quy mô, bài bản, chuyên nghiệp, như: Lễ hội Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), lễ hội Đền Bà Triệu (huyện Hậu Lộc), lễ hội Đền Sòng Sơn (thị xã Bỉm Sơn), lễ hội Bánh chưng Bánh dày (thành phố Sầm Sơn), lễ hội đền Đồng Cổ (huyện Yên Định), Lễ hội Lê Hoàn (huyện Thọ Xuân), lễ hội Mai An Tiêm (huyện Nga Sơn), lễ hội Mường Khô (huyện Bá Thước), lễ hội Mường Xia (huyện Quan Sơn), lễ hội Pôồn Pôông (huyện Ngọc Lặc), lễ hội Mường Ca Da (huyện Quan Hóa)...

Cùng với các loại hình văn hóa phi vật thể, sản phẩm văn hóa dân gian, trò chơi, các làng nghề truyền thống, trò diễn, các loại hình nghệ thuật truyền thống được khôi phục, duy trì, góp phần nâng cao chất lượng, làm phong phú thêm sản phẩm du lịch văn hóa. Đặc biệt, trong giai đoạn 2021 đến nay, nhiều sự kiện văn hóa lớn được Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quan tâm tổ chức tại tỉnh Thanh Hóa, như: Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào (năm 2021); Kỷ niệm 55 năm hợp tác hữu nghị giữa 2 tỉnh Thanh Hóa và Hủa Phăn (2021); Lễ kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Hàn Quốc tại tỉnh Thanh Hóa (năm 2022); Lễ kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Nhật Bản tại Thanh Hóa (năm 2023)…

Xứ Thanh còn là nơi cư trú lâu đời của đồng bào các tộc người Kinh, Mường, Thái, Thổ... với đa dạng bản sắc văn hóa. Cùng với đó, hệ sinh thái rừng phong phú, với nhiều khu rừng nguyên sinh, suối, thác tự nhiên... đã tạo nên sức hút đối với du khách trong nước và quốc tế. Các hoạt động leo núi, cắm trại, các hoạt động tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên; các trò chơi dân gian; trình diễn trang phục dân tộc, cùng với lễ hội của đồng bào các dân tộc; các sự kiện văn hóa, thể thao ngày càng được du khách đón nhận và đánh giá cao; góp phần quan trọng trong việc cải thiện yếu tố mùa vụ.

Ngoài tiềm năng, lợi thế thiên nhiên ban tặng, nhiều sản phẩm du lịch mới đã và đang hút khách ở xứ Thanh, như: Du lịch MICE (du lịch kết hợp hội nghị, hội thảo, khen thưởng); du lịch nghề, làng nghề truyền thống; phát triển trang trại nông nghiệp kết hợp với phát triển du lịch; tuyến du lịch đường thủy Hải Tiến - Đảo Nẹ (huyện Hoằng Hóa); Nghi Sơn - Đảo Mê (thị xã Nghi Sơn); trải nghiệm đồng quê, các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, phố đi bộ Phan Chu Trinh và không gian văn hóa Quảng trường Lam Sơn…, góp phần đa dạng hóa sản phẩm du lịch, đem lại nhiều trải nghiệm hấp dẫn cho du khách khi đến Thanh Hóa.

Đại diện Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa cho biết, với những kết quả đã đạt được, giai đoạn từ năm 2021 - 2025, toàn tỉnh ước đón trên 58,2 triệu lượt khách, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 16,9%/năm; đạt 91,4% kế hoạch. Tổng thu du lịch ước đạt 128.886 tỷ đồng, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 34,4%/năm; đạt 90,2% kế hoạch.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Sở VHTT&DL tỉnh Thanh Hóa cũng nhìn nhận: Một số ngành, địa phương chưa chủ động, tích cực triển khai thực hiện chương trình phát triển du lịch; chỉ tiêu tổng lượt khách du lịch và tổng thu du lịch trong giai đoạn chưa đạt kế hoạch; khách du lịch quốc tế, mức chi tiêu bình quân của khách du lịch còn thấp so với bình quân cả nước; đầu tư cơ sở hạ tầng du lịch, tu bổ tôn tạo khai thác di tích chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển; thiếu sản phẩm du lịch chất lượng cao; các hoạt động tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch nước ngoài chưa được triển khai hiệu quả; môi trường du lịch, hiệu lực quản lý nhà nước, chất lượng nguồn nhân lực du lịch còn nhiều bất cập...

Để phát huy tiềm năng, lợi thế sẵn có phát triển du lịch, tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo triển khai có hiệu quả các quy hoạch du lịch được duyệt, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư có tiềm năng đầu tư các dự án du lịch, hạ tầng du lịch nhằm phát triển đột phá ngành du lịch của tỉnh. Đề ra các giải pháp định hướng tư duy mới trong phát triển sản phẩm du lịch tránh trùng lắp dẫn đến đơn điệu.

Tiếp tục đầu tư xây dựng các sản phẩm du lịch mới có sự khác biệt, mang tính lan tỏa và có sức cạnh tranh cao, đáp ứng nhu cầu thị hiếu của du khách, đặc biệt thu hút khách du lịch có khả năng chi tiêu cao và du khách quốc tế. Đồng thời, nâng cao chất lượng các làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với việc gìn giữ văn hóa, tín ngưỡng truyền thống của đồng bào; bảo tồn và khôi phục các làng nghề thủ công truyền thống; khai thác và nâng tầm văn hóa ẩm thực của đồng bào các dân tộc thành sản phẩm du lịch độc đáo…

Trần Thắng

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/thi-truong/da-dang-hoa-cac-san-pham-du-lich-xu-thanh-i750019/
Zalo