Đa dạng giải pháp phòng ngừa bệnh khảm lá mì

Nhằm hạn chế thiệt hại do bệnh khảm lá mì gây ra, nhiều địa phương trong tỉnh Gia Lai tích cực nhân rộng các giống mì sạch bệnh để thay thế các loại giống cũ có năng suất thấp, dễ nhiễm bệnh và hướng dẫn người dân về quy trình kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá trên cây mì.

Huyện Krông Pa có diện tích mì lớn nhất tỉnh với trên 21 ngàn ha. Từ năm 2021 đến nay, huyện đã triển khai 4 dự án trình diễn sản xuất giống mì sạch bệnh với diện tích hơn 98,4 ha gồm các giống: HN1, HN3 và HN5. Đến năm 2024, huyện đã nhân rộng diện tích mì sử dụng giống mới sạch bệnh lên 458 ha.

Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Võ Ngọc Châu cho biết: Qua kiểm tra, diện tích mì sử dụng giống sạch bệnh không xuất hiện bệnh khảm lá, năng suất ước đạt 40-45 tấn/ha. Riêng đối với diện tích sử dụng giống cũ chỉ có khoảng 724 ha bị nhiễm bệnh khảm lá mức độ nhẹ, năng suất bình quân đạt trên 20 tấn/ha.

 Năm 2024, huyện Chư Prông triển khai Dự án chuyển giao giống mì mới HN5 kháng bệnh vi rút khảm lá, năng suất cao. Ảnh: H.T

Năm 2024, huyện Chư Prông triển khai Dự án chuyển giao giống mì mới HN5 kháng bệnh vi rút khảm lá, năng suất cao. Ảnh: H.T

Cùng chúng tôi tham quan một số vườn mì sử dụng giống mới, ông Ksor Yim-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Rmok (huyện Krông Pa) thông tin: Toàn xã hiện có 1.800 ha mì, trong đó, khoảng 100 ha sử dụng giống mì sạch bệnh HN3 và HN5. Các giống này đạt năng suất trên 40 tấn/ha. Đối với các diện tích đang canh tác giống cũ, xã hướng dẫn cho người dân kỹ thuật phòng-chống bệnh khảm lá nên năng suất duy trì ổn định khoảng hơn 20 tấn/ha.

Ông Ksor Thin (buôn Gum Gốp, xã Ia Rmok) phấn khởi cho biết: “Năm 2023, gia đình được huyện cấp giống mì sạch bệnh HN3 và HN5 để trồng 5 sào. Sau đó, tôi sử dụng lại hom giống để trồng cho toàn bộ 3 ha đất của gia đình. Hiện nay, cây mì phát triển tốt, không bị sâu bệnh gây hại, năng suất ước đạt khoảng 40 tấn/ha”.

Còn ông Ksor Lik (buôn Blăk, xã Ia Rmok) thì cho hay: “Các năm trước, rẫy mì của tôi bị nhiễm bệnh khảm lá nên năng suất chỉ đạt 20 tấn/ha. Còn vụ này, tôi được huyện hỗ trợ vật tư và giống mì HN5 để trồng 1,5 ha. Hiện rẫy mì không bị bệnh khảm lá, năng suất ước đạt 35-40 tấn/ha”.

Để đưa các giống mì mới sạch bệnh vào sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế bệnh khảm lá, năm 2024, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông đã triển khai Dự án chuyển giao giống mì mới HN5 kháng bệnh vi rút khảm lá, năng suất cao. Dự án triển khai trên diện tích 10 ha tại xã Ia Ga và Ia Mơ.

Các hộ tham gia dự án được hỗ trợ 100% giống, vật tư nông nghiệp và được tập huấn kỹ thuật. Qua kiểm tra, đánh giá của ngành chức năng và chính quyền địa phương, diện tích mì tham gia dự án phát triển tốt, không xuất hiện bệnh khảm lá, năng suất ước đạt 30-40 tấn/ha.

Ông Nguyễn Tuấn Anh-Phó Chủ tịch UBND xã Ia Mơ-cho hay: Xã có 3 hộ tham gia dự án với tổng diện tích 5 ha. Qua kiểm tra, cây mì không bị bệnh khảm lá, củ mì có lượng tinh bột cao, sản lượng ước đạt 30-35 tấn/ha, cao hơn nhiều so với diện tích trồng giống mì cũ.

Còn anh Ksor Tuyn (làng Klăh, xã Ia Mơ) thì cho hay: “Năm 2024, gia đình tôi được huyện cấp giống, phân bón và hướng dẫn kỹ thuật trồng 3 ha mì giống HN5. Cây mì giống HN5 phát triển khỏe mạnh, không bị bệnh khảm lá, năng suất ước đạt 30 tấn/ha, cao hơn 10 tấn/ha so với 3 ha mì còn lại của gia đình sử dụng giống cũ”.

Ông Lưu Hoài Hưng-Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Chư Prông-cho biết: Năm 2024, toàn huyện có 5.900 ha mì. Nhờ triển khai Dự án chuyển giao giống mì mới HN5 kháng bệnh vi rút khảm lá, năng suất cao và tăng cường hướng dẫn kỹ thuật phòng ngừa sâu bệnh gây hại trên cây mì nên trên địa bàn huyện chỉ có 60 ha mì bị bệnh khảm lá.

Thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục hướng dẫn quy trình trồng mì theo hướng bền vững cho người dân. Đồng thời, từ kết quả của dự án, huyện sẽ cung cấp nguồn giống mì kháng bệnh khảm lá cho người dân để trồng trong niên vụ 2025 với diện tích 100-120 ha. Từ đó, huyện từng bước nhân rộng đưa các giống mì sạch bệnh vào sản xuất đại trà nhằm giúp người dân nâng cao hiệu quả kinh tế.

 Người dân xã Ia Rmok đã nhận thức được việc áp dụng các giống mới sạch bệnh vào canh tác để nâng cao hiệu quả trồng mì, hạn chế bệnh khảm lá... Ảnh: H.T

Người dân xã Ia Rmok đã nhận thức được việc áp dụng các giống mới sạch bệnh vào canh tác để nâng cao hiệu quả trồng mì, hạn chế bệnh khảm lá... Ảnh: H.T

Ông Hoàng Thi Thơ-Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh-cho hay: Sở Nông nghiệp và PTNT đã chỉ đạo, hướng dẫn cơ quan chuyên môn và các địa phương triển khai đồng bộ nhiều biện pháp phòng ngừa bệnh khảm lá vi rút trên cây mì. Nhờ đó, diện tích mì bị khảm lá giảm dần qua các năm. Năm 2024, toàn tỉnh trồng hơn 77 ngàn ha mì. Tính đến ngày 7-1-2025, diện tích mì bị bệnh khảm lá chỉ khoảng 874 ha.

Để hạn chế bệnh khảm lá, ông Thơ khuyến cáo: Thời gian tới, các địa phương cần tích cực hướng dẫn người dân thu gom toàn bộ tàn dư cây mì vùng bị nhiễm sau thu hoạch để tiêu hủy bằng cách đốt hoặc chôn lấp; tuyệt đối không lấy thân cây mì trên các diện tích đã bị nhiễm bệnh để làm hom giống cho vụ sau; thường xuyên kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh giống mì trên địa bàn, đảm bảo chỉ cung cấp giống đạt tiêu chuẩn; hướng dẫn nông dân tuyệt đối không mua bán, trao đổi, vận chuyển hom mì từ các vùng bị bệnh về làm giống.

Đồng thời, xây dựng phương án nhân nhanh giống mì sạch bệnh, kháng bệnh khảm lá để đảm bảo nguồn giống chất lượng phục vụ nhu cầu sản xuất của người dân.

HỒNG THƯƠNG

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/da-dang-giai-phap-phong-ngua-benh-kham-la-mi-post307704.html
Zalo