Đa dạng giải pháp phổ cập kiến thức số
Đất nước đang đứng trước cơ hội lịch sử để bứt phá mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới, với các động lực chính đến từ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Hiện nay, quá trình chuyển đổi số đang được triển khai đồng bộ tại tất cả các bộ, ngành, địa phương và lĩnh vực, bước đầu mang lại những kết quả tích cực, góp phần minh bạch hóa hoạt động của chính quyền và xã hội.

Phổ cập kiến thức số, sẵn sàng đưa nước ta trở thành một quốc gia tiên tiến trong thời đại số
Tuy nhiên, để người dân thực sự tham gia và giám sát hiệu quả tiến trình này, việc nâng cao nhận thức và hiểu biết về công nghệ là yêu cầu tất yếu. Theo các chuyên gia, công dân tương lai cần trở thành công dân số - chủ động sống, làm việc và tương tác trong môi trường số.
Việc phổ cập kỹ năng số không chỉ giúp người dân khai thác hiệu quả các tiện ích công nghệ, mà còn góp phần nâng cao năng suất lao động, thúc đẩy sáng tạo và cải thiện chất lượng cuộc sống. Đây là nền tảng quan trọng để xây dựng nguồn nhân lực số chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế số, kinh tế tri thức và hội nhập quốc tế.
Thời gian qua, nhiều chương trình giáo dục về tài chính đang được triển khai mạnh mẽ trên toàn quốc từ trung ương tới địa phương với hình thức đa dạng nhằm phổ cập kỹ năng số, trang bị kiến thức thiết yếu cho người dân trong thời đại số. Mục tiêu là giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ một cách hiệu quả, an toàn và bền vững.
Đơn cử như trong ngành Ngân hàng, vài năm trở lại đây, nhiều đơn vị liên tục tổ chức các chương trình truyền thông giáo dục tài chính như “Đồng tiền thông thái”, “Tiền khôn tiền khéo”… nhằm phổ cập kiến thức cơ bản về tài chính giúp các bạn trẻ quản lý tài chính cá nhân hiệu quả. Đồng thời, các chương trình cũng trang bị kỹ năng sử dụng dịch vụ thanh toán trực tuyến an toàn, tránh rủi ro cho người sử dụng, nhất là trong bối cảnh lừa đảo trên mạng đang diễn ra hết sức phức tạp.
Mới đây, Thời báo Ngân hàng và Tập đoàn FPT đã ký kết hợp tác triển khai sân chơi “Tài chính thông minh” - chương trình giáo dục tài chính trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam dành cho học sinh phổ thông toàn quốc, theo định hướng của Nghị quyết 57-NQ/TW và Nghị quyết 03/NQ-CP. Sân chơi nhằm ươm mầm, giáo dục kiến thức tài chính cho học sinh trên toàn quốc, giúp các em hình thành thói quen chi tiêu thông minh, biết tiết kiệm, đầu tư hiệu quả và rèn luyện kỹ năng quản lý tài chính cá nhân ngay từ sớm, sẵn sàng trở thành những công dân số vững vàng.
Có thể nói, sân chơi này đang hưởng ứng tích cực một chương trình ý nghĩa vừa được phát động là phong trào “Bình dân học vụ số”, lấy cảm hứng từ phong trào “Bình dân học vụ” do Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng năm 1945 nhằm xóa mù chữ và nâng cao dân trí. Phong trào mang trong mình sứ mệnh phổ cập kỹ năng số, giúp mọi người dân có thể tiếp cận, sử dụng và làm chủ công nghệ hiệu quả, góp phần thực hiện Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Đồng thời, nền tảng “Bình dân học vụ số” cũng được xây dựng nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực số, khả năng sử dụng các thiết bị và ứng dụng số cho người dân.
Thông qua nền tảng này, người dân sẽ được phổ cập các kiến thức, kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin, tham gia các khóa học trực tuyến về kỹ năng số thiết yếu như: sử dụng máy tính, thiết bị thông minh, mạng xã hội, dịch vụ công trực tuyến và tương tác với chính quyền trên môi trường số. Ngoài ra, chương trình còn hướng dẫn người dân truy cập internet an toàn, bảo mật thông tin cá nhân, phòng tránh lừa đảo công nghệ, nhận diện và ngăn chặn thông tin xấu, độc trên không gian mạng.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, để thực hiện thành công phong trào “Bình dân học vụ số”, mỗi người dân cần hành động quyết liệt. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải tiên phong, gương mẫu trong thực hiện phong trào với tinh thần là “đi từng ngõ, đến từng nhà, hướng dẫn từng người”. Người đứng đầu cần tiên phong trong việc nâng cao năng lực số, thúc đẩy chuyển đổi số tại địa phương và cơ quan. Cùng với đó, tạo điều kiện để người dân tiếp cận kỹ năng số, dịch vụ, nền tảng số, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, động lực của chuyển đổi số.
Các phong trào khuyến khích, phổ cập về chuyển đổi số đang diễn ra tích cực trên cả nước không chỉ mang ý nghĩa giáo dục, mà còn đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội. Sự hưởng ứng nhiệt tình của các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp và người dân sẽ giúp các phong trào, chiến dịch phổ cập số thành công. Qua đó, hứa hẹn sẽ góp phần giúp nước ta trở thành một quốc gia số tiên tiến, vững bước trong kỷ nguyên số hóa.