Đa dạng giải pháp giúp người dân Sơn Động thoát nghèo bền vững
Huyện Sơn Động phấn đấu đến hết năm 2025 thoát khỏi danh sách huyện nghèo của cả nước. Một trong những giải pháp đang được địa phương tập trung thực hiện là tạo việc làm ổn định, giúp lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ dân tộc thiểu số (DTTS) nâng cao thu nhập.
Thu nhập eo hẹp từ mấy sào ruộng, lại nuôi 3 con ăn học nên trước đây gia đình chị Ngô Thị Cậy (SN 1965) ở thôn Tiên Lý, xã Yên Định thuộc hộ nghèo của địa phương. Từ nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, năm 2019, gia đình chị cải tạo vườn tạp trồng hơn 100 cây ổi Đài Loan.
Nhờ chịu khó học hỏi áp dụng đúng kỹ thuật thâm canh, cây ổi nhanh chóng bén rễ, sinh trưởng tốt, sau hai năm đã cho thu hoạch quả. Những năm sau, mỗi năm gia đình chị thu lãi 50-70 triệu đồng từ bán ổi. Chị Cậy nói: “Ổi là giống cây ngắn ngày, cho thu hoạch quanh năm, vốn đầu tư ít, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt, không tốn công chăm sóc, dễ tiêu thụ. Vì vậy, vợ chồng tôi quyết định mở rộng diện tích ở chân ruộng phù hợp. Đến năm 2022 gia đình tôi đã thoát nghèo”. Thời điểm này, hơn 2 sào ổi của gia đình chị Cậy đang cho thu hoạch, sản lượng ước đạt 4-5 tấn quả. Giá bán ổn định từ 17-20 nghìn đồng/kg tại vườn, cao gấp 2 lần so với năm trước. Nguồn thu từ vườn ổi giúp gia đình chị Cậy trang trải chi phí sinh hoạt, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Cũng như gia đình chị Cậy, ở các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Sơn Động, nhiều lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, DTTS đã mạnh dạn vay vốn, áp dụng kiến thức được đào tạo vào chăm sóc vườn, rừng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, thoát nghèo bền vững.
Năm nay, huyện được phân bổ hơn 177 tỷ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững để thực hiện các dự án, tiểu dự án. Huyện chỉ đạo các cơ quan tham mưu thực hiện chính sách như: Lao động - Thương binh và Xã hội, Dân tộc, Nông nghiệp và PTNT; UBND các xã, thị trấn làm tốt công tác thẩm định để lựa chọn đúng đối tượng thụ hưởng, bảo đảm có đủ năng lực quản lý, tổ chức mô hình sản xuất. Ưu tiên hỗ trợ cho người trong độ tuổi lao động còn khả năng làm việc thuộc hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, DTTS. Với cách làm đó, từ đầu năm đến nay, huyện đã triển khai 12 dự án hỗ trợ sinh kế với hơn 62 nghìn con giống (trâu, bò, gà, lợn…) được cấp cho các hộ, giải quyết việc làm cho hơn 2,1 nghìn lao động. Ngoài ra, huyện tổ chức các lớp đào tạo nghề trồng trọt, chăn nuôi, sửa chữa máy nông nghiệp; tổ chức nhiều ngày hội việc làm, phiên giao dịch việc làm thu hút hàng nghìn lao động.
Cùng với hỗ trợ sinh kế, đào tạo nghề, tư vấn giới thiệu việc làm, địa phương quan tâm triển khai các chương trình, chính sách tín dụng, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận vốn vay ưu đãi. Từ đầu năm đến nay, Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sơn Động đã giải ngân hơn 264 tỷ đồng cho khách hàng vay vốn, trong đó có hơn 14 tỷ đồng cho gần 150 lao động vay vốn giải quyết việc làm. Tổng hợp từ Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện, tính đến tháng 9/2024, toàn huyện có hơn 14 nghìn lao động làm việc tại các doanh nghiệp trong, ngoài nước với thu nhập bình quân từ 8-12 triệu đồng/người/tháng (đối với lao động trong nước), từ 20-25 triệu đồng/người/tháng với trường hợp đi xuất khẩu lao động. Kết quả đó góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn hơn 15%. Năm nay, huyện phấn đấu tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 9,44%.
Những ngày này, huyện Sơn Động đang tích cực điều tra, rà soát hộ nghèo, cận nghèo. Qua đánh giá sơ bộ từ các xã, thị trấn, nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách hỗ trợ đã góp phần giảm số lượng hộ nghèo, cận nghèo. Theo bà Tống Thị Hương Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện, để thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo trong năm 2025, hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển KT - XH cả giai đoạn 2021-2025, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và người dân về công tác giảm nghèo. Triển khai đa dạng nội dung; hình thức tuyên truyền ngắn gọn, dễ hiểu nhằm khơi dậy trong nhân dân ý chí tự lực vươn lên, tránh tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào chính sách. Cơ quan chức năng huyện, các xã, thị trấn tiếp tục hướng dẫn hộ nghèo, cận nghèo, lao động mới thoát nghèo kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi hiệu quả, từ đó tạo thu nhập ổn định, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững, hướng tới cuộc sống chất lượng hơn.
Bài, ảnh: Mai Toan