Đa dạng các giải pháp nâng cao chất lượng dân số

Thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về “Công tác dân số trong tình hình mới”, thời gian qua dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Y tế, Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) đã triển khai nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dân số trên địa bàn.

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề cho học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định).

Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình tổ chức hội nghị nói chuyện chuyên đề cho học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định).

Theo báo cáo của Chi cục Dân số - KHHGĐ cho biết: Năm 2024, tỷ suất sinh toàn tỉnh giảm 0,39%0 so với năm 2023 (vượt chỉ tiêu); tỷ lệ sinh con thứ 3 trở lên giảm 0,56% so với năm 2023 (đạt chỉ tiêu); tỷ số giới tính khi sinh 112,8 bé trai/100 bé gái (đạt chỉ tiêu); thực hiện các biện pháp tránh thai hiện đại ước đạt 96,5% kế hoạch được giao; có 9.383 phụ nữ mang thai khám sàng lọc trước sinh, đạt 38,3% tổng số phụ nữ mang thai; 19.362 trẻ sàng lọc sơ sinh, đạt 81,6% tổng số trẻ em sinh ra sống trong năm. Nhận thức của người dân về chính sách dân số - KHHGĐ đã có những chuyển biến tích cực.

Để đạt được những kết quả trên, Chi cục Dân số - KHHGĐ đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân thay đổi hành vi thực hiện các chính sách dân số với nhiều hình thức phù hợp. Đội ngũ cán bộ dân số các cấp và cộng tác viên dân số tăng cường truyền thông trực tiếp thông qua hoạt động của các câu lạc bộ, lồng ghép trong hội nghị của các tổ chức, đoàn thể và truyền thông, tư vấn nhóm nhỏ về công tác dân số. Chi cục phối hợp với Trung tâm Y tế các huyện Nghĩa Hưng, Giao Thủy, Hải Hậu, Trực Ninh và thành phố Nam Định tổ chức 32 hội nghị truyền thông, vận động các cá nhân tham gia xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ; phối hợp với Hội LHPN các huyện Vụ Bản, Nam Trực và Xuân Trường tổ chức 13 hội nghị truyền thông vận động các cá nhân tham gia xã hội hóa cung ứng phương tiện tránh thai, dịch vụ KHHGĐ cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và 5 hội nghị truyền thông, giáo dục thay đổi hành vi của người dân về quyền, nghĩa vụ, lợi ích của chăm sóc sức khỏe người cao tuổi. Phối hợp tuyên truyền trên Báo Nam Định, Trang thông tin điện tử của Sở Y tế, Bản tin Sức khỏe tỉnh Nam Định, trang facebook “Dân số Nam Định”. Bên cạnh đó, Chi cục đã tổ chức 10 lớp tập huấn cho 1.000 cán bộ chuyên trách và cộng tác viên dân số về kỹ năng tư vấn, theo dõi đối tượng cung cấp dịch vụ KHHGĐ năm 2024; duy trì tốt hoạt động hệ thống thông tin, quản lý hậu cần phương tiện tránh thai tuyến tỉnh, huyện.

Nhằm nâng cao chất lượng dân số, Chi cục tiếp tục thực hiện hiệu quả chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh; tăng cường tư vấn và cung cấp dịch vụ dân số - KHHGĐ cho vị thành niên, thanh niên, công nhân khu công nghiệp; chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh. Trong năm 2024, chương trình mở rộng tầm soát, chẩn đoán, điều trị một số bệnh, tật trước sinh và sơ sinh từng bước được mở rộng, tiến tới xã hội hóa cung cấp các dịch vụ sàng lọc trước sinh và sơ sinh trên toàn tỉnh, đưa các hoạt động này trở thành hoạt động thường quy tại các cơ sở y tế. Chi cục mở rộng và đa dạng hóa các kênh cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục và sử dụng biện pháp tránh thai nhằm cải thiện rõ rệt tình trạng sức khỏe sinh sản/KHHGĐ của vị thành niên, thanh niên, đặc biệt là thanh niên công nhân các khu công nghiệp. Tổ chức 60 hội nghị truyền thông nói chuyện chuyên đề về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên cho gần 3.000 học sinh tại các trường THPT: Trần Văn Lan, Nguyễn Khuyến, Nguyễn Huệ (thành phố Nam Định), Trần Nhân Tông (Nghĩa Hưng). Tại các hội nghị, nội dung tuyên truyền được truyền tải cởi mở, khoa học và dễ tiếp cận, lồng ghép khéo léo với những câu hỏi “Đố vui có thưởng” đã thu hút sự hưởng ứng nhiệt tình của học sinh các nhà trường. Qua đó trang bị những kiến thức quan trọng về sức khỏe sinh sản, cách tránh thai an toàn và các hệ lụy nếu quan hệ tình dục sớm, không an toàn, phá thai. Các em không chỉ được nâng cao nhận thức về giá trị bản thân mà còn biết nhận diện những mối quan hệ không lành mạnh, tự bảo vệ mình trước những cám dỗ của cuộc sống.

Triển khai Đề án Chăm sóc sức khỏe người cao tuổi giai đoạn 2017-2025 (Quyết định số 7618/QĐ-BYT, ngày 31/12/2016 của Bộ Y tế), Kế hoạch số 73/KH-UBND ngày 12/7/2021 của UBND tỉnh Nam Định thực hiện Chương trình chăm sóc sức khỏe người cao tuổi tỉnh Nam Định đến năm 2030, Chi cục đã tập huấn và truyền thông cho người dân tại cộng đồng thực hiện tư vấn chăm sóc sức khỏe người cao tuổi; tổ chức 10 hội nghị tập huấn kiến thức, kỹ năng về xây dựng và phát triển mạng lưới tình nguyện viên tham gia các hoạt động tại các huyện, thành phố về: Theo dõi, hỗ trợ chăm sóc sức khỏe, quản lý bệnh mãn tính, bệnh không lây nhiễm tại gia đình cho người cao tuổi. Trong năm Chi cục đã tổ chức tập huấn cho 500 cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số về kiến thức, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh.

Năm 2025, với mục tiêu nhằm tiếp tục giảm mức sinh, giảm sinh con thứ 3 trở lên, giảm tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh, thích ứng với già hóa dân số và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi, nâng cao chất lượng dân số, Chi cục Dân số - KHHGĐ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền về công tác dân số và phát triển; đa dạng các hình thức vận động phù hợp với từng nhóm đối tượng; tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác dân số ở các cấp và cộng tác viên dân số, đáp ứng yêu cầu công tác dân số trong tình hình mới.

Bài và ảnh: Diệu Linh

Nguồn Nam Định: https://baonamdinh.vn/xa-hoi/202501/da-dang-cac-giai-phapnang-cao-chat-luong-dan-so-6e8792e/
Zalo